Doanh nghiệp chưa dễ dàng tiếp cận nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh
Cập nhật: 19/08/2024
Chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam (21/11/2024)
Đường sắt tốc độ cao – cơ hội cho doanh nghiệp Việt (25/11/2024)
VOV.VN - Việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, những quy định về thế chấp, lãi suất và thời hạn vay khiến nhiều doanh nghiệp chùn bước…
Nguồn vốn để thay đổi công nghệ, tăng khả năng đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn mới của thị trường vẫn đang là bài toán đặt ra cho các DN trong nước. Với quy mô đa số là các DN nhỏ và vừa, nên một trong những khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay chính là nguồn lực tài chính nhằm duy trì, mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh.
Chia sẻ từ đại diện Hội hiệp DN Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho thấy, mặc dù cơ hội thị trường của DN công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí trong nước rất lớn, nhưng các DN chưa tận dụng được. Nhiều dự án cũng như gói thầu lớn có liên quan đến máy móc, thiết bị vẫn do nhà thầu nước ngoài cung cấp.
“Ngành cơ khí chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ cho các ngành công nghiệp khác như hóa chất, giao thông, khai thác dầu khí, nông nghiệp… nên đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài, lợi ích ngắn hạn không cao nhưng lợi ích dài hạn là rất lớn. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn của các DN công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí vẫn gặp nhiều khó khăn về lãi suất và thời hạn vay”, vị đại diện VAMI cho hay.
Vẫn còn khá nhiều DN ngành công nghiệp đã phải chuyển hướng sang kinh doanh mảng khác, phần nhiều do khó khăn về nguồn vốn vay từ phía ngân hàng. Đó là đánh giá của ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA). Phó Chủ tịch HANSIBA chia sẻ, trong hoạt động sản xuất kinh doanh mảng công nghiệp hỗ trợ, yếu tố cần và đủ là cơ chế chính sách cụ thể cho DN, bên cạnh đó là hạ tầng đất đai tiêu chuẩn để DN nước ngoài vào đặt hàng. Do vậy, các DN luôn mong muốn được tiếp cận nguồn lực về tài chính, nguồn vốn để đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu.
Trước những khó khăn đặt ra, ông Vân kiến nghị các tổ chức tín dụng, ngân hàng quan tâm, tạo điều kiện cho các DN ngành công nghiệp hỗ trợ thuận lợi hơn trong tiếp cận nguồn vốn, thời hạn cho vay dài, bởi nhiều DN công nghiệp hỗ trợ phải đầu tư 2-3 năm, thậm chí 5-10 năm mới có lãi. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần mở ra thêm các hình thức tín chấp, bởi trên thực tế nhiều chủ DN "cởi áo vest ra là hết tiền".
“DN có thể thế chấp vay vốn bằng máy móc thiết bị, nhà xưởng và có thêm hình thức bảo lãnh 3 bên. Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Nội nên xem xét tài trợ cho vay các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội", ông Vân kiến nghị.
Tại tờ trình về việc tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ (Nghị định số 111), Bộ Công Thương cho biết, ngoài chính sách thuế, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 111 đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương đề xuất, trên cơ sở khả năng bố trí ngân sách trong từng thời kỳ, ngân sách Trung ương hỗ trợ bằng hình thức cấp bù lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại đối với các khoản vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam của DN, để thực hiện đầu tư dự án với mức cấp bù chênh lệch lãi suất 3%/năm.
Đánh giá cao đề xuất này từ Bộ Công Thương, bà Trương Thị Chí Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho rằng, những chính sách này nếu được thông qua đều rất đáng quý. Tuy nhiên, theo đại diện VASI, cần có những giải pháp về tài chính mạnh hơn nữa.
“Muốn công nghiệp hỗ trợ phát triển phải đầu tư mới với giá hợp lý. Lãi suất cho vay giảm nhưng vẫn còn rất cao, cộng thêm thị trường khó khăn thì dù có hỗ trợ cấp bù chênh lệch 3% cũng không có DN nào dám vay để đầu tư công nghiệp hỗ trợ”, bà Bình nêu quan điểm và cho rằng, nếu không có giải pháp tài chính thực sự mạnh, sẽ khó nhìn thấy sự thay đổi lớn của ngành công nghiệp hỗ trợ.
Hiện nay, Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) được kỳ vọng sẽ đa dạng hơn các dịch vụ tài chính, kênh hỗ trợ ưu đãi, mở thêm cơ hội hiện thực hóa các khoản vay để DN có thể triển khai hiệu quả nhất. Thông tin về cách thức tiếp cận nguồn vốn vay của Quỹ, bà Trần Thanh Thủy, Trưởng phòng Hỗ trợ DN, Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa cho biết, đối tượng hỗ trợ của Quỹ là các DN nhỏ và vừa hoạt động trong các lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành và tham gia chuỗi giá trị.
“Một điểm đáng chú ý là DN nhỏ và vừa được vay vốn từ Quỹ với lãi suất ưu đãi, thấp hơn so với các NHTM Nhà nước. Lãi suất này được giữ cố định hoặc giảm nếu có thay đổi chính sách trong suốt thời gian vay. Lãi suất cho vay của Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa hiện ở mức 1,2%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 4,4%/năm đối với trung, dài hạn”, bà Thủy nêu ưu điểm và thông tin thêm, các DN sẽ được miễn phí trả nợ trước hạn cũng như được hỗ trợ trong quá trình chuẩn bị hồ sơ vay vốn, từ đó có thể tránh những sai lầm, giúp nâng cao hiệu quả tiếp cận nguồn vốn.
Có thể thấy, để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, ngoài chính sách tài khoá ổn định cần phối hợp với chính sách tiền tệ nhuần nhuyễn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Qua đó vừa kiểm soát lạm phát, vừa tạo thêm dư địa giảm lãi suất cho DN có điều kiện phát triển.
Từ khóa: nguồn vốn, nguồn vốn,vốn vay, doanh nghiệp, lãi suất, thế chấp
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: nguyễn quỳnh/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN