Đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ
Cập nhật: 18/02/2023
Giao tranh UAV Nga – Ukraine bước sang giai đoạn mới gay cấn hơn
Nga tiết lộ công nghệ đột phá khiến bom lượn trở nên nguy hiểm hơn
VOV.VN - Sau một tuần làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ với tinh thần khẩn trương, tích cực, hôm nay (18/2), Đoàn công tác cứu hộ cứu nạn của Bộ Công an Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ và chuẩn bị trở về Việt Nam.
Tính đến tối 17/2, sau 7 ngày làm việc trực tiếp tại hiện trường, Đoàn đã cứu được 1 thiếu niên 17 tuổi còn sống sót ra khỏi đống đổ nát, đưa được 14 thi thể nạn nhân từ nơi bị sụp đổ ra ngoài và bàn giao cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Đoàn Việt Nam cũng được nhân dân, các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ và bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao về năng lực, tinh thần làm việc.
Trước đó, tối ngày 9/2, đoàn công tác của Bộ Công an gồm 24 cán bộ, chiến sĩ đã khởi hành từ sân bay Nội Bài, để sang Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân của vụ động đất. Đoàn vượt qua quãng đường di chuyển khoảng 24 tiếng để tới được thành phố Adiyaman vào đêm ngày 10/2, một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thảm họa động đất.
Cùng với hơn 15 tấn hàng hóa mang theo, bao gồm: các trang thiết bị cứu hộ, nhu yếu phẩm, hàng cứu trợ y tế, thuốc men, các chiến sĩ đã lập tức bắt tay vào công tác cứu hộ người dân tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay khi vừa tới nơi, Đoàn đã phân một đội công tác đến hiện trưởng khảo sát để lên phương án cứu giúp những người bị nạn.
Trong ngày làm việc đầu tiên, Đoàn đã phát hiện ra tín hiệu sự sống và phối hợp với đoàn Pakistan cứu được một thiếu niên 17 tuổi còn sống, mắc kẹt dưới đống đổ nát. Những ngày tiếp theo, Đoàn tiếp tục tham gia tìm kiếm phát hiện sự sống và đưa các thi thể những người bị nạn ra ngoài.
Trong ngày làm việc cuối cùng, đoàn tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ và đã đưa thêm được hai thi thể nạn nhân ra ngoài từ đống đổ nát.
“Ngày đầu tiên đến đây, do ảnh hưởng của trận động đất rất mạnh, hệ thống hạ tầng điện nước gần như bị phá hủy nên không có điện nước để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, rất may sáng hôm sau hệ thống điện của tòa nhà này được khôi phục, chúng tôi có thể sử dụng cho sinh hoạt. Ngoài ra, chúng tôi không có máy sưởi mang theo trong 2 ngày đầu, nên trong lều bạt này có khoảng 20 cán bộ chiến sỹ chỉ ngủ được rất ít khoảng 1-2 tiếng/ngày do thời tiết giá lạnh khắc nghiệt. Sau đó, được Bạn hỗ trợ 3 máy sưởi và chúng tôi có thể được sưởi ấm hơn khi nghỉ ngơi vào ban đêm, qua đó, giúp anh em cán bộ chiến sỹ hồi phục sức khỏe để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ tại hiện trường. Ngoài ra, hệ thống hạ tầng ở đây bị phá hủy hết nên anh em không thể vệ sinh trong tòa nhà này được. Chúng tôi phải tự điều chỉnh, sáng tạo ra những phương tiện thiết bị để có thể giải quyết được các nhu cầu bình thường nhất của con người, giúp cán bộ chiến sỹ vẫn đảm bảo sức khỏe, tinh thần và lương thực hậu cần để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Đến thời điểm hiện nay, tôi có thể khẳng định 100% cán bộ chiến sỹ đều khỏe mạnh. Nếu như Bạn tiếp tục có yêu cầu thì chúng tôi hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế cũng như thực tế tại hiện trường, đó là các điểm mà chúng tôi làm nhiệm vụ cho đến chiều nay đã là các điểm cuối cùng còn người bị nạn mắc kẹt trong đó và cơ bản phía Bạn đã kết thúc công việc ở thành phố này.
Ý nghĩa của chuyến công tác này, đầu tiên là sự nhân văn, sự hỗ trợ lẫn nhau trong hoạn nạn. Đây là vấn đề rất quan trọng mà đội cứu nạn cứu hộ Bộ Công an đã làm được. Ý nghĩa thứ hai là qua đây sẽ tăng cường mối đoàn kết ngày càng tốt đẹp hơn giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ, và đó cũng là mục tiêu mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Công an đã đề ra”, đồng chí Đại tá Nguyễn Minh Khương, Trưởng Đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn Bộ Công an chia sẻ.
Đồng chí Trung tá Nguyễn Chí Thành, phó Đội trưởng Đội công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thuộc Phòng PC07 Công an TP.HCM - một thành viên trong Đoàn công tác, là người đã trực tiếp phát hiện dấu hiệu sự sống và tiếp cận địa điểm nạn nhân đang bị mắc kẹt, góp phần giải cứu thành công thiếu niên 17 tuổi khỏi đống đổ nát. Đồng chí Thành chia sẻ giây phút tiếp cận và giải cứu nạn nhân, bất chấp những khó khăn, nguy hiểm có thể xảy ra đối với các thành viên trong đội cứu hộ. Khi nhắc lại kết quả này, anh vẫn luôn cảm thấy xúc động về tinh thần nhân ái, sẵn sàng xả thân cứu giúp những người bị nạn của tất cả các anh em thành viên trong đoàn công tác.
“Khi nhận được lệnh điều động hỏa tốc của cấp trên thì bản thân khẩn trương chuẩn bị những phương tiện cần thiết để phục vụ công tác chiến đấu. Tất cả cán bộ chiến sĩ tham gia với một tinh thần là quyết tâm vì màu cờ sắc áo. Đây cũng là một vụ việc mới và chưa bao giờ thực hiện. Được sự chỉ đạo và dặn dò của cấp trên thì tất cả cán chiến sĩ đều chấp hành nghiêm những thứ quy định và những nơi hướng dẫn của cấp trên.
Qua đây, đường rất xa và phải bay nhiều chặng đi quãng đường khoảng 330km xuyên đêm, đến đây là gần sáng. Khi vừa đến nơi, nước bạn yêu cầu chúng ta vào hiện trường và thực hiện ngay nhiệm vụ là khảo sát hiện trường. Triển khai luôn gây ra cái công tác. Ngày hôm sau là triển khai liên tục. Từ sáng đến chiều hôm sau là phát hiện được một nạn nhân còn sống. Có thể nói là niềm vui vỡ òa và là một kì tích của đoàn vì mình mới tham gia làm được việc may mắn và nạn nhân được đưa ra ngoài. Khi đội cứu hộ Việt Nam được cử là đội trung phong tiếp theo thì lúc này địa hình là rất là khó khăn và phức tạp. Chúng ta không thể dùng những máy móc để chúng ta đào bới được gây nguy hiểm cho nạn nhân. Phương án thứ hai là người cứu hộ chúng ta tiếp cận bằng cách moi đường hầm. Đây cũng là một phương án rất nguy hiểm cho đội cứu hộ nhưng giữa sự sống và chết của nạn nhân, chúng ta phải ưu tiên cứu nạn nhân. Khi đi vào các đường hầm, chúng ta luôn hỏi các câu hỏi và nạn nhân trả lời. Chúng tôi phải dùng đầu ngón tay để bới đất, đầu ngón tay đầy máu nhưng người lính cứu hộ lúc đó không biết đau, cố gắng nhanh nhất để tiếp cận nạn nhân. Khi nhắc lại những lúc cứu được nạn nhân, chúng tôi vẫn vô cùng xúc động, thể hiện tinh thần không ngại khó khăn, gian khổ, hỗ trợ nước bạn hết sức”, đồng chí Thành kể lại.
Sau 7 ngày làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn công tác của Bộ Công an đã nhận được nhiều tình cảm của Chính phủ cũng như nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ. Những nỗ lực này đã được người dân xung quanh khu vực đoàn đóng quân, các bạn tình nguyện viên Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền địa phương, Cơ quan Ứng phó thảm họa và tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD), ghi nhận và đánh giá cao vai trò và công việc mà Việt Nam đã làm, cũng như tinh thần của con người Việt Nam trong tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ ở đất nước Thổ Nhĩ Kỳ.
Anh Salim Basheer – một tình nguyện viên đến từ thành phố UFA của Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ tình cảm và sự biết ơn của người dân nơi đây đối với hoạt động cứu trợ cứu nạn của đoàn công tác Việt Nam: “Thổ Nhĩ Kỳ đang xảy ra thảm họa động đất. Chúng tôi cảm ơn các bạn Việt Nam đã có mặt ở đây để hỗ trợ người dân và đất nước chúng tôi. Trong những ngày qua các bạn đã rất nỗ lực để cứu trợ và giúp đỡ đất nước Thổ Nhĩ Kỳ và đây là một nguồn động viên đối với người dân chúng tôi. Một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn và cầu chúc thánh Allah phù hộ sức khỏe cho tất cả các bạn cũng như giúp Thổ Nhĩ Kỳ sớm vượt qua thảm họa này”.
Đáng chú ý, trong thời gian tham gia nhiệm vụ hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đoàn Công tác Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều hoạt động mang ý nhân văn khác như trao tặng các trang thiết bị y tế, thuốc men cho Cơ quan Ứng phó thảm họa và tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như Sở Y tế thành phố Adiyaman để thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh cho những người bị nạn trong trận động đất. Đồng thời, Đoàn đã đi thăm hỏi, động viên và chia sẻ một số vật phẩm thiết yếu cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ sống gần khu vực bị ảnh hưởng; thăm hỏi động viên các gia đình trong cộng đồng người Việt bị ảnh hưởng bởi trận động đất ngày 6/2 vừa qua./.
Từ khóa: Đoàn công tác cứu hộ cứu nạn của Bộ Công an, cứu hộ cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN