Đỗ Thị Huyền Trang: Người “làm mới” những thước phim tài liệu
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Với tình yêu phim tài liệu và sức trẻ, đạo diễn, nhà biên kịch Đỗ Thị Huyền Trang không ngại dấn thân, hướng ống kính vào những đề tài xã hội quan tâm.
PV: Chúc mừng chị và đồng nghiệp đã đạt giải Cánh diều vàng cho phim khoa học xuất sắc và giải đạo diễn xuất sắc với bộ phim “Trầm cảm sau sinh” được sản xuất vào năm ngoái. Chị có thể chia sẻ lý do tại sao lại chọn chủ đề trầm cảm sau sinh để khai thác làm phim?
Đạo diễn Huyền Trang:Là một đạo diễn trẻ, tôi rất thích tìm hiểu những đề tài có tính xã hội. Tôi cũng đang làm mẹ và rất hiểu về tâm lý của nhiều phụ nữ sau sinh, cho nên khi thấy nhiều đồng nghiệp thực hiện đề tài này và được cục điện ảnh quyết định sản xuất, tôi đã chớp thời cơ và nhận luôn của đề tài này.
Đạo diễn Đỗ THị Huyền Trang nhận giải tại lễ trao giải Cánh diều 2018. |
PV: Trong bộ phim này, tôi khá ấn tượng với cách làm phim của chị, đó là câu chuyện và nỗi đau của các nhân vật được chính họ và các thành viên trong gia đình kể lại?
Đạo diễn Huyền Trang:Với phim này, ngay từ khi bắt đầu làm, tôi đã xác định đây là một bộ phim rất ít lời bình và chủ yếu khai thác nội tâm cũng như tâm sự của nhân vật. Bởi tôi nghĩ, cách khai thác và làm phim thế này sẽ đến gần với khán giả hơn và khiến cho họ có thể đi đến tận cùng với cảm xúc của nhân vật.
PV: Vậy chị đã gặp khó khăn gì khi thực hiện bộ phim có cách nhìn trực diện vào vấn đề trầm cảm sau sinh?
Đạo diễn Huyền Trang: Đối với tôi bất cứ bộ phim nào cũng đều có những khó khăn riêng. Thực sự khi làm bộ phim trầm cảm sau sinh, chúng tôi gặp khó khăn từ kịch bản đến nội dung phim. Đó là cả một chặng đường và khó khăn lớn nhất chính là từ xưa đến nay, mọi người thường tự gắn cho phụ nữ Việt Nam những đức tính như cam chịu, hi sinh và đây là rào cản lớn nhất mà tôi nhận thấy khi tiếp xúc với các nhân vật phụ nữ bị trầm cảm sau sinh. Họ thường né tránh và không muốn lên tiếng vì sợ căn bệnh của mình sẽ ảnh hưởng đến chính bản thân và công việc của chồng họ. Đó là lý do mà các bà mẹ bị trầm cảm sau sinh đều né tránh và không muốn lên tiếng. Bản thân gia đình người bệnh cũng thế, họ cũng muốn giấu vì sợ láng giềng, hàng xóm rồi người thân dị nghị. Tôi nghĩ đây là khó khăn nhất đối với đoàn làm phim.
Có một số nhân vật khi đã quay được nửa chặng đường rồi, họ lại nói là thôi, tôi không kết hợp nữa, tôi không muốn xuất hiện nữa tại vì tôi sợ thế này sợ thế kia. Quá trình thuyết phục các nhân vật quả thật là khó khăn đối với cả ekip làm phim.
PV: Vậy chị đã khắc phục những khó khăn đấy như thế nào khi làm bộ phim này?
Đạo diễn Huyền Trang: Càng khó khăn mình lại càng có quyết tâm làm. Đây là vấn đề nhức nhối mà ai cũng né tránh, không ai dám lên tiếng như thế, thử hỏi hàng triệu phụ nữ hiện đang mắc bệnh như thế họ sẽ như thế nào. Và rất may mắn cho tôi khi có một số nhân vật đã đồng ý lên tiếng, đồng ý đại diện cho số đông nói lên tình trạng bệnh của mình. Tất cả các nhân vật trong phim đều mắc bệnh trầm cảm sau sinh, có khác chăng là khác các mức độ bị bệnh. Không phải nhân vật nào mình cũng phỏng vấn họ và hỏi họ, có những nhân vật tôi theo ngay từ ngày đầu vào viện, biểu hiện bệnh là họ không nhớ gì, họ hoàn toàn vô thức và chúng tôi đã theo dõi đến khi họ khỏi bệnh, trở về nhà.
Thực ra làm phim là cả một quá trình, có nhân vật bị hoang tưởng nặng và tôi phỏng vấn họ, họ nói lên tâm tư của mình. Các nhân vật của tôi đều có những mức độ bệnh từ nhẹ đến nặng và họ có những biểu hiện rất riêng.
PV: Trở lại câu chuyện về bộ phim tài liệu đầu tay của chị mang tựa đề “lớp học hi vọng”, khai thác lớp học Hi vọng ở bệnh viện Nhi Trung ương. Chắc hẳn đây là một bộ phim để lại trong chị rất nhiều cảm xúc?
Đạo diễn Huyền Trang: Bộ phim “lớp học hi vọng” nói về lớp học hi vọng ở trong bệnh viện Nhi Trung ương, nói về các em bị căn bệnh hiểm nghèo không có thời gian đến trường. Tuy nhiên, khi mắc bệnh, phải điều trị tại bệnh viện, các em đã được học ở lớp học này. Đây là các lớp học tinh thần, mang lại cho các em tiếng cười và sự vui vẻ sau mỗi ca điều trị bệnh.
Một cảnh trong phim "lớp học hi vọng". |
Ngoài nói về các em, trong bộ phim này, tôi còn khai thác những tình nguyện viên ở mọi lứa tuổi, ở mọi vị trí nghề nghiệp, có cả người nước ngoài và người Việt Nam. Các bạn trẻ tình nguyện viên đấy chính là những người đã đồng hành cùng các em trong một chặng đường rất dài.
PV:Vậy bí quyết để có một bộ phim tài liệu hay không chỉ nằm ở việc chọn đúng vấn đề xã hội quan tâm mà phải có cách kể hấp dẫn và chân thực. Để làm được như vậy, người làm phim tài liệu phải biết nhiều, thấy nhiều và chọn lựa được những chi tiết sâu sắc?
Đạo diễn Huyền Trang: Theo tôi, điều đầu tiên là ngoài đạo diễn, biên kịch cũng như quay phim và các thành phần trong đoàn làm phim, chúng ta phải có cái sự chân thành và độ cảm với nhân vật. Thực ra với thể loại nào cũng vậy, mình có cái nhìn, mình yêu nhân vật thì tự khắc mình sẽ nhìn ra được họ có những cái gì đẹp và mình có thể khai thác được gì từ họ.
Cho nên tôi nghĩ, điều đầu tiên để làm được một bộ phim hay là phải có cảm xúc với nhân vật của mình, cảm xúc với đề tài của mình. Tiếp theo chúng ta phải có kiến thức. Dẫn giải lại về bộ phim “Trầm cảm sau sinh”, thực ra tôi không phải là một cố vấn khoa học, không phải là một chuyên gia về y tế và khi thực hiện phim này để làm sao có tính xác thực, tính khoa học, đúng với cả y học bắt buộc tôi phải tìm những cố vấn khoa học và những bác sĩ đầu ngành để họ cố vấn cho tôi và giải thích cho tôi những khái niệm thuật ngữ về căn bệnh. Tôi nghĩ đó cũng là một trong những yếu tố rất cần đối với mỗi bộ phim tài liệu.
PV: Được biết chị tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn và biên kịch điện ảnh truyền hình nhưng tại sao chị lại chọn hướng đi là phim tài liệu, một lĩnh vực nghe có vẻ rất khô khan và kén khán giả?
Đạo diễn Huyền Trang: Tôi nghĩ tất cả là do cái duyên. Khi ở trong trường, tôi cũng được học về đạo diễn, biên kịch điện ảnh truyền hình và đã có rất nhiều năm chinh chiến với những bộ phim truyền hình. Các tác phẩm kịch bản điện ảnh tôi cũng đã từng thử làm rồi nhưng phim tài liệu thì chưa. Tôi chưa bao giờ làm phim tài liệu khi còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng sau khi tốt nghiệp, tôi cũng đã kết hợp với một vài đồng nghiệp làm việc tại hãng phim tài liệu và khoa Trung ương. Không biết cơ duyên và tình yêu như thế nào mà tôi lại quyết định là mình sẽ gắn bó ở đây và thử sức với cả thể loại phim tài liệu nữa.
PV:Khi đã quyết định gắn bó với phim tài liệu, chị thấy điều gì hấp dẫn nhất?
Đạo diễn Huyền Trang: Tôi thấy phim tài liệu rất hấp dẫn bởi đó là cuộc sống, là tấm gương phản ánh toàn bộ đời sống xã hội, đời sống con người và chúng tôi làm về người thật việc thật, những câu chuyện có thật.
Các bạn trẻ bây giờ thường không quan tâm nhiều về thể loại phim tài liệu. Khi còn là sinh viên trong trường, thực ra tôi cũng theo số đông như thế và đã nghĩ phim tài liệu chắc khô khan lắm, nó thế này thế kia, nhưng khi về đây làm việc, tôi thấy không phải như vậy vì phim tài liệu có rất nhiều thể loại và mỗi đạo diễn lại có một cách làm phim và cách thể hiện phim khác nhau.nên Cho nên tôi nghĩ, nếu ai yêu thích phim tài liệu thì sẽ hiểu được những điều đó. Muốn có được bộ phim hay, yếu tố đầu tiên cần có đó là kịch bản tốt.
PV:Không chỉ làm đạo diễn phim mà chị còn dành nhiều công sức cho việc viết kịch bản phim tài liệu và nhiều kịch bản của chị đã được đưa vào sản xuất?
Đạo diễn Huyền Trang: Tôi tốt nghiệp 2 chuyên ngành là biên kịch và đạo diễn. Khi công tác tại hãng phim tài liệu khoa học và Trung ương, tôi cũng đã có một số kịch bản được đưa vào sản xuất. Khi sáng tác kịch bản, tôi phải đi thực tế và tìm hiểu về những vùng đất, con người có liên quan đến câu chuyện của mình. Sau khi trở về, lúc đó tôi mới bắt tay vào viết kịch bản và phải qua nhiều hội đồng duyệt thảo khác nhau rồi mới bắt đầu có quyết định đưa vào sản xuất. Ngoài ra, do cũng có thêm bằng đạo diễn nên khi thấy có đề tài nào nó hợp với mình và mình cảm thấy tâm đắc, tôi xin với ban giám đốc cho mình được nhận và được thực hiện bộ phim đó luôn.
PV: Trong các kịch bản của chị, tôi thấy có những đề tài rất đời thường và nhẹ nhàng như "Ánh sáng của con”, “Tâm tình của gốm” hay là “Hành trình về phía bình minh”. Liệu có phải những đề tài rất đời thường chính là cách chị muốn đưa phim tài liệu đến gần hơn với khán giả?
Đạo diễn Huyền Trang: Thực ra những câu chuyện nhỏ trong xã hội cũng có thể làm được thành phim tài liệu nếu đề tài đó có ảnh hưởng đến xã hội và có nội hàm nội dung rất lớn trong đó.
Ví dụ như kịch bản về lớp học hi vọng trong bệnh viện Nhi, đó là một câu chuyện rất nhỏ nhưng vẫn được đưa vào sản xuất. Tại sao kịch bản của tôi vẫn được đưa vào sản xuất? Bởi đơn giản đó là câu chuyện có thông điệp và lan tỏa.
PV: Nhưng nhắc đến những kịch bản phim tài liệu của chị thì cũng không thể quên những kịch bản về những đề tài lịch sử và văn hóa như “Chuyện những người lính già”, “Chuyện làng nôm”… Khi viết kịch bản có tính lịch sử như vậy, theo chị điều gì cần chú ý hơn cả?
Đạo diễn Huyền Trang: Tôi cũng thử sức và viết những kịch bản có đề tài về lịch sử nhưng các bạn trẻ thường không quan tâm mấy về lịch sử, nhất là những phim lịch sử chiến tranh.
PV: Một đạo diễn trẻ làm phim tài liệu thì điều khó khăn nhất là gì, thưa chị?
Đạo diễn Huyền Trang: Thực ra với một đạo diễn trẻ như tôi, vốn kinh nghiệm cũng chưa thể bằng các anh, các chú, các bác đi trước được, vì thế kinh nghiệm thì mình còn phải trau dồi và học hỏi rất nhiều. Hơn nữa, tôi cũng không phải là một người có thể biết hết tất cả mọi thứ, cho nên những lúc gặp vướng mắc tôi cần phải nhờ đến sự hỗ trợ của các cố vấn bởi khi làm một bộ phim tài liệu' sự chân thực khách quan và chính xác là hết sức cần thiết.
PV:Trong suốt thời gian làm phim và viết biên kịch, chị tâm đắc với tác phẩm nào nhất?
Đạo diễn Huyền Trang: Có lẽ tác phẩm khiến tôi tâm đắc nhất chính là tác phẩm đầu tay của mình. Đó là tác phẩm mà tôi có cảm xúc rất trong trẻo, hồn nhiên mộc mạc. Phim “Lớp học hi vọng” có rất nhiều ký niệm, nhiều ấn tượng nhưng kỉ niệm buồn nhiều hơn. Khi xây dựng kịch bản phim, có một số bé vẫn còn sóng nhưng một tháng sau, lúc bắt tay vào thực hiện thì các bé đã không còn nữa. Đó là những kỷ niệm rất buồn và chính điều đó càng thôi thúc tôi phải làm và ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất, những khoảnh khắc khó quên nhất với các bé.
PV: Chị có thể chia sẻ về những kế hoạch về phim tài liệu mà chị đang ấp ủ trong thời gian tới?
Đạo diễn Huyền Trang: Sắp tới tôi phải đi thực tế nhiều hơn để tìm kiếm đề tài, ý tưởng ở những vùng đất mới với những con người mới để làm sao có những tác phẩm hấp dẫn ấn tượng. Ssong song với đó, tôi đã chọn lựa những đề tài hợp với mình để làm những bộ phim tiếp theo.
PV: Đối với các biên kịch và những đạo diễn phim tài liệu như chị thì mong muốn lớn nhất là gì?
Đạo diễn Huyền Trang: Đối với người đạo diễn trẻ như tôi, tôi mong muốn thể loại phim tài liệu sẽ được đông đảo khán giả biết đến, đặc biệt là các bạn trẻ. Thứ hai, tôi cũng muốn được tiếp xúc và được viết nhiều thể loại hơn nữa để hoàn thiện bản thân mình. Để có được điều đó, tôi chắc chắn phải đi thực tế nhiều hơn, đọc nhiều hơn, gặp gỡ nhiều hơn để có thể tìm được những ý tưởng mới và những vùng đất rất hấp dẫn.
Xin cảm ơn chị đã tham gia phỏng vấn!
Từ khóa: Đạo diễn Đỗ Thị Huyền Trang, Đỗ THị Huyền Trang, Trầm cảm sau sinh, phim tài liệu,
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN