Đô thị hóa rầm rộ, TP HCM “đói” mảng xanh?

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN -Sở Xây dựng TPHCM đánh giá, số lượng công viên cây xanh trên địa bàn không đủ đáp ứng với dân số trên 10 triệu người hiện nay

Năm 1997, khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch kinh tế - xã hội của TP HCM đến 2010, thành phố đã đặt mục tiêu làm sao khu vực nội thành cũ phải đạt diện tích mảng xanh 4m2/người và khu vực các quận mới đạt 30m2/người để đạt chuẩn đô thị xanh. Tuy nhiên đến nay đã là năm 2019 mà mục tiêu này vẫn không thực hiện được. Vậy làm sao có thể biến giấc mơ thành hiện thực để TP HCM là một đô thị xanh?

do thi hoa ram ro, tphcm "doi" mang xanh? hinh 1
Đô thị TP HCM thiếu không gian xanh?

Tính đến cuối năm 2018, TP HCM có 491,16 ha đất công viên, bao gồm các công viên công cộng và công viên trong khu nhà ở. Diện tích đất công viên chỉ đạt bình quân 0,49 m2/người, chưa bằng 1/15 theo tiêu chuẩn chung (TCVN) là từ 12 - 15 m2/người và chưa bằng 1/7 theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 24 ban hành ngày 6/1/2010).

Sở Xây dựng TPHCM đánh giá, số lượng công viên cây xanh trên địa bàn không đủ đáp ứng với dân số trên 10 triệu người hiện nay. Thêm vào đó, các công viên đều được xây dựng và khai thác trong thời gian dài, hạ tầng xuống cấp. Công tác sửa chữa, nâng cấp vẫn mang tính tạm thời, chắp vá và thiếu định hướng chung. Các công viên cây xanh lại phân bố không đều, nơi tập trung dày, nơi thưa thớt. Cụ thể, khu vực nội thành cũ có diện tích mảng xanh là 273 ha, đạt 0,67 m2/người. Khu vực các quận mới có 172 ha mảng xanh, đạt 0,72 m2/người trong khi khu vực ngoại thành chỉ có 46 ha, đạt 0,3 m2/người. Đáng nói là các quận, huyện ngoại thành như quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, các huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh chưa có một công viên công cộng nào, hầu hết chỉ dừng lại ở dự án trên giấy.

Tiến sỹ Trần Du Lịch cho biết, năm 1997 khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch kinh tế - xã hội của TPHCM đến 2010, thành phố đã đặt mục tiêu làm sao khu vực nội thành cũ phải đạt diện tích mảng xanh 4m2/người và khu vực các quận mới đạt 30m2/người để đạt chuẩn đô thị xanh. Tuy nhiên đến nay mục tiêu này không thực hiện được.

Nguyên nhân có phần do phát triển công viên cây xanh chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách Nhà nước nhưng điều quan trọng hơn là cách làm: “Vấn đề là quy hoạch một khu mới dành bao nhiêu diện tích cây xanh. Phải chăng chúng ta dành nhiều diện tích để phân lô bán nền, để thương mại, nhất là những mảng xanh công cộng. Tôi cho rằng đây là quan điểm, cách làm chứ không đổ thừa cho việc thiếu tiền”.

Tại TPHCM, do mật độ mảng xanh quá thưa nên hiện tại người dân cũng ít có không gian sinh hoạt quy mô lớn. Hơn nữa, có nhiều khu đất quy hoạch xây dựng công viên nhưng chậm đầu tư xây dựng cũng ảnh hưởng đến đời sống của người dân sống ở khu quy hoạch. Từ sau năm 2000 đến nay, ngoại trừ một số công viên đã được xây dựng trước thì khu vực trung tâm thành phố phát triển mảng xanh èo uột. Thành phố chỉ phát triển thêm Công viên Gia Định trên địa bàn quận Phú Nhuận với khoảng 21 ha và công viên 23/9 trên địa bàn Quận 1 khoảng 9 ha.

Tiến sỹ Đỗ Đại Thắng, giảng viên Đại học Quốc gia TP HCM phân tích hiện nay, công tác quy hoạch các khu dân cư vẫn là chờ cho việc xây dựng nhà ở xong thì mới trồng cây xanh. Trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng thì hầu hết khu vực được quy hoạch lại để trống, hoang hoá. Việc phát triển mảng xanh không được chú trọng đầu tư đúng mức.

Theo ông Thắng, khi quy hoạch một khu vực thì luôn có chỉ tiêu mật độ xây dựng, trong đó có cả diện tích công viên cây xanh. Điều quan trọng là các chủ đầu tư nhận thức đúng giá trị của mảng xanh để phát triển hài hoà: “Tôi nghĩ chúng ta nên làm song song, vừa xây dựng công trình và vừa phát triển mảng xanh. Thậm chí cây xanh có thể đi trước, vì công trình còn phụ thuộc vào nhu cầu đầu tư. Thường các chủ đầu tư họ quan tâm nhiều đến việc thu lợi từ các công trình”

Về phía chính quyền thành phố, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, quản lý công viên trên địa bàn thành phố chưa bám sát mục tiêu công cộng, có lợi ích cục bộ dẫn tới không phát triển nhiều, thậm chí thu hẹp lại công viên cây xanh. Trong khi đó ở những khu đô thị mới, đặc biệt là khu đô thị quy mô từ 2ha trở lên, nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận kinh tế nên ít quan tâm đến chỉ tiêu cây xanh, không chú trọng xây dựng công viên.

Để phát triển mảng xanh, ông Hoan cho rằng trong thời gian tới, thành phố tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực phát triển mới và cải tạo công viên cây xanh hiện có. Nhà nước cho chỉ tiêu quy hoạch, xây dựng cơ chế quản lý.

Theo Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, thành phố là đầu tàu kinh tế của cả nước, dân số gia tăng nhanh nhưng diện tích cây xanh của thành phố lại tăng không đáng kể. Ông Nhân cho rằng, phải thay đổi tỷ lệ cây xanh trên đầu người hiện nay: “Đến lúc phải đưa vào chuẩn bị kế hoạch đại hội Đảng sắp tới có chỉ tiêu cây xanh. Chúng tôi đặt ra bàn trong Ban thường vụ Thành uỷ hình thành kế hoạch phát triển công viên cây xanh cho thành phố, phải đặt mục tiêu cho 25 năm tới chứ không phải chỉ 10 năm”.

Thực tế, với sự bê tông hoá không gian sống như hiện nay, quan tâm đến mảng xanh là điều đặc biệt cần thiết để gia tăng chất lượng, tiện ích sống cho cư dân. Công viên cây xanh chính là yếu tố cân bằng lại môi trường, mang tới nhiều giá trị cả về thẩm mỹ, kinh tế lẫn giá trị tinh thần. TPHCM cần sớm đưa ra các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng công viên cây xanh, như vậy mới là chìa khoá cho sự phát triển bền vững./.

Từ khóa: đô thị hóa, TP HCM đói mảng xanh, không gian xanh

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập