DNNVV “chê” chính sách hỗ trợ hậu Covid-19 không thiết thực

Cập nhật: 22/06/2020

VOV.VN-Hậu Covid-19, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam vẫn đói vốn, đối diện nguy cơ phá sản, trong khi nhiều chính sách hỗ trợ lại không thiết thực, hiệu quả.

Hậu Covid-19, doanh nghiệp vẫn lao đao

Theo số liệu của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm trên 95%. Các DNNVV đóng góp tới 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách hàng năm và thu hút hơn 5 triệu lao động.

Những DNNVV với nguồn vốn hạn chế đã chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19, không ít trong số đó vẫn đang đối diện nguy cơ phá sản dù dịch bệnh cơ bản được khống chế ở Việt Nam.

dnnvv "che" chinh sach ho tro hau covid-19 khong thiet thuc hinh 1
Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều khó khăn hậu COVID-19. (Ảnh minh họa)

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách, Công ty Sao Việt (Hà Nội) đang đứng trước tình trạng vô cùng thê thảm do không có khách, xe nằm đắp chiếu tại các bến bãi.

Đối tượng phục vụ của công ty phần lớn là khách du lịch quốc tế trong khi Việt Nam chưa mở cửa trở lại hoạt động du lịch này nên công ty chỉ có thể duy trì bằng khách trong nước, trong khi lượng khách nội địa cũng sụt giảm nghiêm trọng.

“Công ty có 20 xe giường nằm nhưng giờ chỉ hoạt động có một nửa, số còn lại phải để không trong khi chi phí bến bãi, bảo trì, các loại phí như: đăng kiểm, bảo hiểm…vẫn phải trả”, ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc công ty Vận tải Sao Việt, chia sẻ.

Cùng chung hoàn cảnh với công ty Sao Việt, Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ Đất cảng (Hải Phòng) cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do lượng khách sụt giảm, lái xe nghỉ việc.

“Mặc dù dịch Covid-19 ở Việt Nam đã được kiểm soát nhưng tâm lý người dân vẫn còn e ngại không muốn di chuyển nhiều, ngoài ra, do thu nhập của nhiều người bị giảm cũng tác động không nhỏ đến nhu cầu đi lại của họ. Hiện, chúng tôi chỉ còn giữ các tuyến cố định, các hợp đồng xe du lịch hầu như bị bỏ trống hoàn toàn. Bên cạnh đó nhiều tài xế vì không có việc thường xuyên cũng xin nghỉ việc gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của công ty”, ông Khúc Hữu Thanh Hải – Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại và Dịch vụ Đất cảng nói.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang bắt đầu “thấm đòn” vì Covid-19.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính riêng tháng 5, cả nước đã có tới 3.342 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 5 tháng đầu năm, con số còn lớn hơn rất nhiều với hơn 26.000 doanh nghiệp, tăng mạnh 36,4% so với một năm trước đó.

Chính sách hỗ trợ nửa vời?

Theo nhiều doanh nghiệp, Chính phủ đã rất cố gắng để hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn vì Covid-19 như: giảm lãi suất ngân hàng, hoãn nợ, giãn nợ, gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất…nhưng các chính sách này chưa thực sự đánh đúng vào nhu cầu cấp bách của doanh nghiệp.

“Đối với doanh nghiệp tôi, mấy tháng đầu năm doanh thu gần như bằng không thậm chí là thua lỗ thì việc gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là không có giá trị nhiều vì không có thu nhập thì lấy đâu mà nộp thuế”, ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc công ty Vận tải Sao Việt trăn trở.

Cũng theo ông Bằng, việc giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, tiền thuê đất chỉ 5 tháng là không giải quyết được vấn đề gì vì những tháng đầu năm, nhiều nơi thậm chí còn chưa phát sinh doanh thu thì 5 tháng không nhiều ý nghĩa.

Đồng quan điểm với ông Bằng, ông Khúc Hữu Thanh Hải – Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cũng cho rằng, thời gian gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thuê đất, VAT 5 tháng là quá ngắn.

“Khi Chính phủ đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng chưa lường hết được những khó khăn do Covid-19 mang lại, thậm chí với bản thân doanh nghiệp chúng tôi, chúng tôi cũng không nghĩ sau đại dịch doanh nghiệp lại khó khăn như vậy. Tôi nghĩ có thể tình hình doanh nghiệp còn có thể khó khăn hơn nữa do các khoản vay ngân hàng đến kỳ phải trả. Vì vậy, để các chính sách về thuế có hiệu quả tôi nghĩ ít nhất cũng phải hết năm nay”, ông Hải đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Hải cho rằng, các chính sách phải được thực hiện đồng bộ, thực chất hơn, ví dụ, đối với doanh nghiệp Đất cảng bây giờ điều doanh nghiệp cần nhất là được giãn nợ nhưng do các thủ tục quá phức tạp nên nhiều doanh nghiệp phải tìm cách khác để huy động nguồn vốn duy trì hoạt động của công ty.

“Tôi nghĩ, không chỉ riêng Đất Cảng mà với tất cả các doanh nghiệp đều có nhu cầu được giãn nợ, nhưng hiện tại, các doanh nghiệp mới chỉ được giãn nợ từ tháng 4 đến tháng 6. Hơn nữa, để được giãn nợ thì các thủ tục vô cùng phức tạp, hầu hết chỉ có các doanh nghiệp lớn và siêu lớn mới tiếp cận được gói hỗ trợ này chứ các doanh nghiệp nhỏ thì vô cùng ít ỏi”, ông Hải nói.

Không chỉ doanh nghiệp mà nhiều chuyên gia cũng nhận định, các giải pháp hỗ trợ Covid-19 dù nhiều nhưng nhỏ lẻ, chưa đồng bộ và thực sự là cứu cánh cho doanh nghiệp.

Ngày 16/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyếtgiảm 30% thuế thu nhập phải nộp năm 2020cho doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp.Theo đề xuất của Chính phủ, tiêu chí xác định doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ nàylà đơn vị có doanh thunăm 2020 không quá 50 tỷ đồng, lao động đóng bảo hiểm xã hội dưới100 người.

Ông Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho rằng, chính sách này mang tính "động viên, chia sẻ", không dễ để có lãi trong năm nay.

Ông Trần Hoàng Ngân còn đề nghị, ngoài giảm thuế, Chính phủ nên có thêm các gói hỗ trợ khác bởidoanh nghiệp thực sự khó khăn thìcần hỗ trợ về tiền tệ, tài khoá. Ông Ngân ví dụ, có thể rót thêm vốn cho Quỹ tín dụng bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, để quỹ này có thêm nguồn lực bảo lãnh cho doanh nghiệp, giúp số này tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại.

"Chính phủ cũng nên tăng liều lượng hỗ trợ doanh nghiệp giúp họ đủ sức vượt qua khó khăn, giữ được thương hiệu, thị trường đã có", ông Ngân nói.

Trong tọa đàm “Làm gì để giải cứu doanh nghiệp sau Covid-19?” được tổ chức ở Hà Nội mới đây, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, chính sách sự hỗ trợ hiện tại quá nhỏ so với thiệt hại của doanh nghiệp.

Một số khoản hỗ trợ theo ông đang có tình trạng “lặt vặt” như, tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất. Hay, có giải pháp chỉ một số ít doanh nghiệp Nhà nước được hưởng như miễn phí bảo lãnh đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh./.

Từ khóa: doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, dịch covid-19, chính sách hỗ trợ

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập