Định vị bản sắc làng nghề Việt trong “cơn lốc” 4.0
Cập nhật: 22/01/2020
VOV.VN - Để bước đi vững chắc trong hội nhập, làng nghề cần lấy công nghệ là mũi nhọn để sản xuất thương mại, đầu tư có chiều sâu vào sản phẩm thủ công.
Không ăn xổi
Đánh giá về sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề, nhiều chuyên gia cho rằng, sản phẩm làng nghề Việt còn "yếu" ở cả chất lượng, giá cả và tính thẩm mỹ khi đem so với các sản phẩm cùng loại tại thị trường trong nước và khu vực.
Đơn cử, sản phẩm của làng nghề dao kéo Đa Sỹ (Hà Nội) dù khá sắc, giá rẻ, nhưng rất dễ gỉ sét và khó cạnh tranh về độ sắc và độ sáng bóng so với hàng Thái Lan; hay một bộ ấm chén Bát Tràng trông cục mịch và kém hấp dẫn so với sản phẩm cùng loại của Mỹ hay Trung Quốc...
Sức cạnh tranh yếu khiến việc kinh doanh và tiêu dùng các sản phẩm làng nghề chưa nở rộ. Đầu năm nay, giới kinh doanh bán lẻ và người tiêu dùng trong nước không khỏi ngạc nhiên khi những chiếc chổi đót (chổi chít) hand-made được rao bán với giá hàng triệu đồng trên Amazon. Điều này khiến không ít người trong cuộc đặt câu hỏi, nên chăng làng nghề Việt Nam cần tiếp cận hình thức bán hàng này để tăng giá trị cho sản phẩm?
Theo TS. Nguyễn Vi Khải, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, bán hàng trực tuyến các sản phẩm thủ công như chổi đót chỉ là 1 xu hướng,đây là khâu tìm đầu ra cho sản phẩm nhanh nhất.
Ông Khải cho rằng, cái quan trọng hơn cho làng nghề lúc này là đầu vào và quy trình sản xuất, chứ không phải đầu rasản phẩm.Nếu chất lượng nguyên liệu đầu vào kém, thì chất lượng sản phẩm không thể tốt được, điển hình như sản xuất gốm sứ.
Sản phẩm thủ công không "đứng ngoài" các quy tắc thị trường. Để bán hàng tốt thì điều đầu tiên cần có là sản phẩm chất lượng tốt (Ảnh: Hồng Quang) |
Làng nghề nên tiếp cận CMCN 4.0 bằng cách tịnh tiến và bước qua CMCN 2.0, hướng đến đạt 3.0 rồi dần tiệm cận 4.0. Với kinh doanh trực tuyến, làng nghề có thể áp dụng công nghệ 4.0 trước, để có thêm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, muốn hay không muốn, để bán hàng tốt thì câu chuyện đầu tiên là phải có sản phẩm chất lượng tốt, ông Khải nhận định.
Phải có bản sắc riêng
Theo nghệ nhân gốm sứ Phùng Văn Hoàn(xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội), làng nghề phải đẩy mạnh sản xuất ở cả 2 “sân” - sản xuất quy mô lớn, đại trà và sản xuất hàng thủ công chất lượng cao.
CMCN 4.0 là cơ hội tốt để làng nghề như Bát Tràng áp dụng công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất thương mại, tạo bước tiến để làng nghềnâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm.Công nghệ là chất xúc tác buộc các làng nghề phải sáng tạo ra những sản phẩm mới, có chất lượng tốt hơn, từ đó mới tồn tại, cạnh tranh và phát triển được, ông Hoàn trăn trở.
Mặt khác, nghề thủ côngtruyến thống vẫn cần được gìn giữ và phát triển, bằng việc đầu tư có chiều sâu để tạo giá trị văn hóa, độc đáo của sản phẩm thủ công.
“Câu chuyện này thấy rõtrên thế giới, ở các nước phát triển với hệ thống máy móc công nghệ rất hiện đạivà đồng bộ, nhưng sản xuất túi xách thủ công vẫn có chỗ đứng,” ông Hoàn nêu.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc cho rằng, sản xuất thủ công chính là hồn cốt của làng nghề Việt. Khách du lịch nước ngoài đến với Vạn Phúc thăm quan, khám phá sản xuất thủ công độc đáo ở Vạn Phúc, chứ họ không thăm quan mô hình sản xuất công nghiệp hiện đại - một hình ảnh rất quen thuộc ở các nước phát triển, ông Hà nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thành viên Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Namnhận định, CMCN 4.0 đặt các làng nghề truyền thống của Việt Nam trước thách thức nghiệt ngã về vừa đổi mới và vừa giữ gìn bản sắc.
“Sân chơi 4.0” đòi hỏi làng nghề nào giàu bản sắc, dám đổi mới thì tồn tại, nhưng đổi mới mà không giữ được bản sắc thì có thể sẽ bị “hòa tan” và mất nghề, bà Lan khuyến nghị.
Theo ông Đàm Tiến Thắng, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, các làng nghề vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, nhưng nếu muốn phát triển thành công trong xu thế hội nhập, cần phải lựa chọn sản phẩm nào cần cho thị trường, có giá trị thương mại cao thì tập trung đầu tư mở rộng sản xuất.
Còn sản phẩm nào mang giá trị văn hóa, thẩm mỹ thì cần tiếp tục gìn giữ và phát triển. “Chúng ta không nên bỏ đi các sản phẩm thủ công, bởi thị trường có chu kỳ, lúc thịnh lúc suy,” ông Thắng nói.
Ông Thắng khuyến nghị, để có chỗ đứng và sức mạnh cạnh tranh trong hội nhập, các làng nghề cần phải đẩy mạnh liên kết với nhau, cùng với đó là tăng cường nghiên cứu nhu cầu khách hàng không những trong nước mà quốc tế. “Phải chấp nhận đầu tư chi phí và kế hoạch cho nghiên cứu thị trường, từ đó đề ra chiến lược cho sản xuất, kinh doanh và nhân sự.”
Phân tích thêm vấn đề thị trường, PGS-TS.Nguyễn Thừa Lộctừ Viện Thương mại & Kinh tế quốc tếcho rằng, làng nghề phải chủ động hơn, phải tăng cường nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm, thậm chí là ngay từ khi bắt đầu sản xuất.
Cơ sở sản xuất và doanh nghiệp trong làng nghề cần tránh phụ thuộc vào một thị trường hay khu vực nào đó, mà phải có kế hoạch chủ động cho thị trường, bao gồm: thị trường hiện tại, thị trường tiềm năngvà thị trường mới, ông Lộc đề xuất./.
Cùng loạt bài:
Bài 1: Làng nghề Việt và “cơn lốc” 4.0
Bài 2:Làng nghề Việt:Tư duy 4.0 và cuộc vượt thoát tư duy “ao làng”
Bài 3: Định vị bản sắc làng nghề Việt trong “cơn lốc” 4.0
Từ khóa:
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN