Dính án treo bị hạn chế một số quyền
Cập nhật: 14/08/2023
Bắt tạm giam bác sỹ phụ sản ở Đồng Nai nghi xâm hại tình dục bệnh nhân
Khởi tố cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng
VOV.VN - Người đang chấp hành án treo thì không thể xuất cảnh ra nước ngoài để đi du lịch.
Tình huống pháp lý: Tôi tham gia một vụ ẩu đả và gây thương tích cho nạn nhân mất 15% sức khỏe, bị tòa tuyên phạt 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Xin hỏi, trong thời gian đang chấp hành án treo, tôi có được đi làm không? Sắp tới gia đình tôi đi du lịch nước ngoài thì tôi có được đi cùng gia đình không? Sau khi chấp hành án xong thì tôi có được xóa án tích không?
Liên quan đến tình huống pháp lý trên, Luật sư Lê Hồng Hiển - Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Hồng Hiển và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) tư vấn như sau:
Căn cứ vào Điều 88 Luật thi hành án hình sự năm 2019 quy định về việc lao động, học tập của người được hưởng án treo cụ thể như sau:
Điều 88. Việc lao động, học tập của người được hưởng án treo
“1. Người được hưởng án treo là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người lao động nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức thì được bố trí công việc bảo đảm yêu cầu giám sát, giáo dục, được hưởng tiền lương và chế độ khác phù hợp với công việc mà họ đảm nhiệm, được tính vào thời gian công tác, thời gian tại ngũ theo quy định của pháp luật.
2. Người được hưởng án treo được cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận học tập thì được hưởng quyền lợi theo quy chế của cơ sở đó.
3. Người được hưởng án treo không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú tạo điều kiện tìm việc làm.
4. Người được hưởng án treo thuộc đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, người đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định của pháp luật”.
Ngoài ra căn cứ Điều 41 Bộ luật Hình sự 2015 quy địnhvề cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Điều 41: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội.
Thời hạn cấm là từ 1 năm đến 5 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.
Như vậy bản chất án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, mang giá trị nhân đạo nhà nước nhằm khuyến khích họ cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội, bên cạnh đó cũng mang tính chất răn đen, giáo dục thử thách. Quay trở lại tình huống, nhà nước vẫn tạo điều kiện để người chấp hành hình phạt án treo được làm việc, tuy nhiên trong trường hợp người chấp hành hình phạt án treo làm ngành nghề, giữ chức vụ nhất định mà nếu tiếp tục giữ chức vụ, làm ngành nghề đó có thể gây nguy hại cho xã hội thì sẽ bị cấm trong thời gian nhất định.
Theo Khoản 2 Điều 21 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-BCA thì một người đang chấp hành án treo sẽ tạm thời chưa được xuất cảnh, cụ thể:
Điều 21. Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.
2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.
3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.
4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.
5. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.
6. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
7. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ.
Theo quy định trên đối với người đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự thì chưa được xuất cảnh. Người đang chấp hành án treo thì chưa thể xuất cảnh ra nước ngoài để đi du lịch. Theo đó, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án hoặc cơ quan thi hành án các cấp sẽ ban hành quyết định chưa cho xuất cảnh đối với người đang chấp hành án treo.
Theo quy định tại Điều 70, 71 và 72 Bộ luật hình sự 2015, thì người được hưởng án treo sẽ được xóa án tích. Cụ thể:
Điều 70. Đương nhiên được xóa án tích
“1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;…”
Như vậy theo như trường hợp bạn nêu trên thì việc bạn bị phạt 18 tháng tù treo sẽ được xóa án tích trong trường hợp bạn đã chấp hành xong hình phạt và các hình phạt bổ sung (nếu có) và không phạm tội mới.Thủ tục, hồ sơ cần thiết để xoá án tích bạn liên hệ Sở Tư pháp của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thường trú để được hướng dẫn cụ thể, vì tuỳ từng Sở Tư pháp của mỗi tỉnh thành khác nhau mà thủ tục đương nhiên xoá án tích cũng có sự khác nhau./.
Từ khóa: quyền, án, án treo, xuất cảnh, quyền, chấp hành, treo, tòa, tuyên phạt, du lịch, chấp hành án treo
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: ctv vững nguyễn/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN