Điều kiện để vũ khí hạt nhân Nga xuất hiện ở Belarus

Cập nhật: 02/02/2022

VOV.VN - Việc triển khai vũ khí hạt nhân của Nga ở Belarus chủ yếu mang tính chất chính trị. Điều đó chỉ có thể xảy ra một khi Belarus thực sự hội nhập với Nga như một phần của Liên minh Quốc gia và thành lập các lực lượng vũ trang thống nhất với một bộ chỉ huy chung.

Moscow trả lại vũ khí hạt nhân cho Minsk?

Đầu tháng 11/2021, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng liên minh này có thể chuyển vũ khí hạt nhân tới các nước Đông Âu nếu Đức từ chối triển khai chúng. Đáp lại, ngày 30/11/2021, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói, Minsk sẽ đề xuất với Moscow triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus nếu các hệ thống tương tự của NATO xuất hiện ở Ba Lan.

"Trong trường hợp này, tôi sẽ đề xuất với Tổng thống Putin trả lại vũ khí hạt nhân về Belarus", ông Lukashenko nói.

Trên thực tế, ông Lukashenko rất coi trọng vũ khí hạt nhân. Trước đó, ông đã nhiều lần thú nhận việc từ bỏ quy chế hạt nhân của Belarus là một sai lầm. Theo ông Lukashenko, sự hiện diện của vũ khí hạt nhân làm tăng quyền tự chủ chiến lược và vị thế quốc tế của người lãnh đạo quốc gia. Về lý thuyết, tuyên bố của Tổng thống Belarus ám chỉ các tổ hợp mặt đất di động chiến lược Topol/Yars hoặc hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật Iskander với đầu đạn hạt nhân. Với sự hiện diện của chiến đấu cơ đa năng Su-30SM của Nga ở Belarus, việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật cho các máy bay này cũng không thể bị loại trừ.

Giới chức Belarus coi việc triển khai vũ khí hạt nhân của Nga là lý tưởng theo dạng: không phải là căn cứ quân sự, tức là không có quyền miễn trừ về lãnh thổ và triển khai vũ khí lâu dài; lực lượng của Nga được giới hạn bởi các đơn vị bảo trì và sử dụng vũ khí hạt nhân, còn việc bảo vệ do Belarus đảm nhận; Minsk tham gia vào việc lập kế hoạch, ra quyết định và phủ quyết việc sử dụng vũ khí hạt nhân được triển khai trên lãnh thổ Belarus; chiến lược răn đe hạt nhân chung Belarus-Nga, bao trùm toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Nga (chứ không chỉ số bố trí ở Belarus), sẽ được phát triển; quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân trong đòn tấn công phủ đầu sẽ chỉ được thực hiện bằng sự đồng thuận. Như vậy, Minsk sẽ giành được ảnh hưởng đối với việc sử dụng toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Nga.

Đối với Nga, hình thức triển khai vũ khí hạt nhân được chấp nhận có vẻ hoàn toàn khác: việc triển khai vũ khí hạt nhân trong thời gian dài (điều cần thiết để tạo ra cơ sở hạ tầng thích hợp, phải được đảm bảo thông qua hình thức tạo ra một căn cứ quân sự chính thức của Nga tại Belarus); tạo ra toàn bộ hệ thống cần thiết để bảo vệ kho vũ khí hạt nhân của Nga ở Belarus, bao gồm việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không/nhóm mặt đất của Nga; sự kiểm soát hoàn toàn và vô điều kiện của Nga đối với những vũ khí này, bao gồm cả quyết định sử dụng chúng. Điều tối đa mà Minsk có thể được trao là thông báo về việc bắt đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Có thể thấy, chủ đề về việc triển khai vũ khí hạt nhân của Nga ở Belarus chủ yếu mang tính chất chính trị. Qua đó, Belarus hy vọng sẽ cải thiện vị thế của mình trong quan hệ với cả phương Tây và Điện Kremlin. Còn Moscow - sử dụng vũ khí hạt nhân để thể hiện Belarus là khu vực ảnh hưởng của mình.

Vào thời điểm hiện tại, xác suất vũ khí hạt nhân Nga trao trả cho Belarus dường như là cực kỳ thấp, nhưng xác suất này sẽ tăng mạnh trong trường hợp quan hệ giữa Moscow và phương Tây ngày càng trầm trọng hơn và cách họ tiếp cận giai đoạn leo thang quân sự. Trong những tuần gần đây, mối đe dọa về sự phát triển của tình hình như vậy đã tăng lên.

Điều kiện để vũ khí hạt nhân xuất hiện ở Belarus

Sự đối đầu giữa Moscow và phương Tây không ngừng gia tăng. Để đối phó với việc quân đội Nga cùng với Belarus kéo đến biên giới Ukraine và tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn “Allied Resolve-2022”, khối NATO đã đặt các lực lượng vũ trang tổng hợp của mình trong tình trạng báo động và triển khai chúng để trấn an các đồng minh ở Đông Âu. Một câu hỏi tự nhiên được đặt ra là việc triển khai kho vũ khí hạt nhân của Nga trên lãnh thổ Belarus như một phương tiện ngăn chặn sự xâm lược của NATO hiện thực như thế nào?

Trên thực tế, năm 1993, Minsk tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ Moscow, Washington và London theo Bản ghi nhớ Budapest. Quá trình giải trừ hạt nhân của Belarus, nước đầu tiên trong số các nước SNG thực hiện việc này, diễn ra từ năm 1992 đến năm 1996. Kiev cũng noi gương Minsk khi sở hữu kho vũ khí hạt nhân và phương tiện giao hàng lớn thứ ba thế giới, bao gồm khoảng 1.900 đầu đạn chiến lược, 176 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và 44 máy bay ném bom chiến lược, mà sau đó đã phải cay đắng hối hận. Hiện thực cho thấy, có kho vũ khí hạt nhân sẽ tự tin hơn và an toàn hơn là không có.

Tuy nhiên, có hai trở ngại nghiêm trọng cản trở quá trình tái hạt nhân hóa của Belarus. Thứ nhất, trong Hiến pháp nói, Cộng hòa Belarus phấn đấu cho sự trung lập và một khu vực không có hạt nhân. Tuy nhiên, vào cuối năm 2021, Minsk đã công bố một dự thảo sửa đổi Luật cơ bản của Cộng hòa Belarus, nơi những điều khoản hạn chế này đã biến mất.

Trở ngại thứ hai là việc Minsk không do Moscow kiểm soát về mặt quân sự. Mặc dù thực tế là một Quốc gia Liên minh nhưng không có căn cứ quân sự nào của Nga ở Belarus. Điều này đã được thảo luận trong rất nhiều năm, nhưng đã không có kết quả. Hiện tại, các cuộc tập trận quy mô lớn “Allied Resolve-2022” đang được tập hợp, mục đích là để chứng minh cho kẻ thù tiềm năng thấy sự đoàn kết Nga-Belarus và khả năng sát cánh cùng nhau.

Ở nước láng giềng Ukraine, một đội quân lớn đã được thành lập với nhiều vũ khí của Mỹ. Tại các nước láng giềng của Ba Lan và các nước Baltic có các trại quân sự với hàng chục nghìn quân và xe bọc thép của NATO. Nếu có điều gì đó không ổn xảy ra từ hướng Ukraine, Nhà nước Liên minh có thể phải thực sự chiến đấu chống lại kẻ thù mạnh nhất.

Nga và Belarus là bạn bè và đối tác, nhưng mỗi bên một kiểu trong khi sự thống nhất chỉ huy là điều kiện không thể thiếu để thành công trong chiến tranh.

Điều gì sẽ xảy ra nếu, trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang thực sự, các đơn vị đồng minh quá độc lập như vậy sẽ nhận được lệnh trực tiếp từ Minsk (từ Tổng Tư lệnh tối cao của chính họ) và rút lui khỏi vị trí trong khi các nhà lãnh đạo quân đội Nga tin rằng sườn đã được che chắn? Trên thực tế, đây chính là câu trả lời cho câu hỏi, tại sao không có vũ khí hạt nhân nào xuất hiện ở Belarus trước khi nước này thực sự hội nhập với Nga như một phần của Liên minh Quốc gia và thành lập các lực lượng vũ trang thống nhất với một bộ chỉ huy chung./.

Từ khóa: tập trận Nga Belarus, triển khai vũ khí hạt nhân, trả lại vũ khí hạt nhân, NATO, Tổng thống Belarus, căn cứ quân sự

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập