Điều gì thúc đẩy NATO tăng chi tiêu cho quốc phòng?

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte hôm qua đã kêu gọi các nước thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng trên mức 2% hiện nay để củng cố năng lực quân sự và tránh nguy cơ phải bước vào một cuộc xung đột lớn, tiềm tàng trong tương lai.

Tuyên bố này đưa ra trong thời điểm các thành viên NATO đang thảo luận về việc tăng mục tiêu chi tiêu quân sự nhằm đáp ứng yêu cầu từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Phát biểu tại Viện nghiên cứu Carnegie Europe tại Brussels, Bỉ, Tổng Thư ký NATO Mark Rutte kêu gọi các quốc gia châu Âu phải chấp nhận “hy sinh” những ưu tiên, chấp nhận cắt giảm phần chi cho lương hưu, hệ thống y tế hay an sinh xã hội để dồn nguồn lực ngân sách cho quốc phòng, đảm bảo an ninh dài hạn cho châu Âu. Tổng Thư ký NATO Mark Rutte cho rằng châu Âu cần phải chuyển dần qua trạng thái thời chiến khi cảnh báo những gì đang diễn ra ở Ukraine có thể sẽ diễn ra tại châu Âu trong tương lai.

"Một thập kỷ trước, các đồng minh đã nhất trí rằng đã đến lúc đầu tư vào quốc phòng một lần nữa. Mức chuẩn được đặt ở mức 2%. Đến năm 2023, các đồng minh NATO đã nhất trí đầu tư ít nhất 2%. Tôi có thể nói rằng, chúng ta sẽ cần nhiều hơn 2%. Chúng ta chưa sẵn sàng cho những gì sẽ đến với chúng ta trong bốn đến năm năm nữa. Nguy hiểm đang tiến về phía chúng ta với tốc độ tối đa. Chúng ta không được nhìn theo hướng khác. Chúng ta phải đối mặt với nó. Điều này đòi hỏi tất cả chúng ta phải nhanh hơn và quyết liệt hơn. Lần này là chuyển sang tư duy thời chiến và tăng tốc sản xuất quốc phòng và chi tiêu quốc phòng của chúng ta”.

NATO hiện vẫn chi ít tiền hơn cho quân sự so với thời Chiến tranh Lạnh với mức trung bình 3%, thậm chí lúc cao điểm là 3.8%. Theo ước tính từ NATO vào tháng 6 năm nay, có 8 trong số 32 thành viên của khối vẫn chưa đạt được mục tiêu, bao gồm các cường quốc kinh tế như Canada, Italy, và Tây Ban Nha. Mỹ dự kiến chi 3,38% GDP cho quốc phòng trong năm nay, chỉ đứng sau Ba Lan và Estonia, trong khi mức trung bình của khối là 2,11%. Truyền thông châu Âu dẫn nhiều nguồn tin cho biết, mục tiêu về chi tiêu quốc phòng của NATO trong ngắn hạn sẽ được nâng lên mức 2,5% sẽ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên của khối này vào tháng 6 năm tới và sẽ hướng đến con số 3% vào năm 2030.

Có nhiều yếu tố lo ngại thúc đẩy NATO phải tăng chi tiêu cho quốc phòng. Tổng Thư ký NATO Mark Rutte cho rằng các mối đe dọa đối với khối đang lớn tương tự, thậm chí là lớn hơn, so với những gì đã xảy ra trong thời Chiến tranh Lạnh. Hàm ý của ông Mark Rutte nhắc tới nguy cơ lan rộng của cuộc xung đột Nga – Ukraine. Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ cũng được cho là yếu tố khiến cho NATO không thể trì hoãn mục tiêu chi tiêu quốc phòng trên 2%.  Trong nhiệm kỳ đầu tiên từ năm 2017 đến 2021, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích các thành viên NATO châu Âu vì không chi đủ cho quốc phòng, thậm chí còn đe dọa sẽ rút khỏi khối này nếu NATO không đạt được mục tiêu.

Việc nâng mục tiêu chi tiêu quốc phòng cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt khi các quốc gia châu Âu đang chịu áp lực ngân sách lớn. Uỷ viên châu Âu phụ trách Quốc phòng và Vũ trụ Andrius Kubilius cho rằng:

"Thách thức lớn nhất sẽ là thuyết phục các quốc gia thành viên tiếp cận vấn đề quốc phòng theo một cách nào đó, ví dụ như theo cách tiếp cận của châu Âu hoặc cách tiếp cận tập thể có thể hữu ích. Tôi hiểu rằng một số quốc gia đang áp dụng một cách tiếp cận truyền thống, rằng quốc phòng là một loại biểu tượng của chủ quyền. Nhưng, chúng ta cần xem xét từ quan điểm thực tế rằng không phải vì Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, mà là vì vấn đề an ninh của chính chúng ta. Tất nhiên, việc chuẩn bị cho quốc phòng tốn kém rất nhiều, nhưng việc không chuẩn bị sẽ tốn kém hơn nhiều”.

Tuy nhiên, khi NATO tăng tốc chi tiêu quốc phòng thì cũng đồng nghĩa các nước đối trọng khác, trong đó có Nga, Trung Quốc cũng tham gia vào cuộc đua này. Cuối tháng 10 vừa qua, Quốc hội Nga đã thông qua ngân sách quốc phòng cho 2025, tăng gần 30% so với năm nay. Chi phí quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2024 sẽ đạt gần 1.670 tỷ nhân dân tệ (hơn 230 tỷ USD), tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, tương đương năm 2023. Một cuộc chạy đua vũ trang hiện hữu và đang tạo tiền lệ nguy hiểm cho toàn cầu.

Từ khóa: nato, nato tăng chi tiêu quốc phòng, tổng thư ký nato, năng lực quân sự, xung đột ukraine, thành viên nato

Thể loại: Thế giới

Tác giả: châu anh/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan