Điều em muốn nói - Cần thêm những không gian để học sinh giãi bày
Cập nhật: 18/05/2022
Bắc Kạn: Triệt xóa ổ nhóm đánh bạc qua hình thức lô, đề
Nhận án phạt vì xúc phạm lực lượng chức năng trên mạng xã hội
[VOV2] - Sáng 17/5, Diễn đàn "Điều em muốn nói" do Hội đồng đội TƯ phối hợp cùng báo Tiền Phong, Sở GD&ĐT Hà Nội và UBND Quận Ba Đình tổ chức với sự tham gia của gần 1000 học sinh THCS Giảng Võ.
Nhiều điều các em muốn nói
Diễn đàn được tổ chức khi tình trạng học sinh bị quá tải vì áp lực học tập, sự kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô và bản thân trước thành tích học tập và các kỳ thi có tính cạnh tranh cao đang diễn ra theo chiều hướng phức tạp. Đặc biệt hơn khi diễn đàn được tổ chức ở thời điểm việc học trực tuyến kéo dài khiến nhiều vấn đề tâm lý nảy sinh với học sinh.
Nhiều câu hỏi, chia sẻ thẳng thắn, hồn nhiên của các em khiến tất cả những người lớn tham gia tại diễn đàn phải day dứt. Chẳng hạn trường hợp một em học sinh lớp 6 đã nêu tâm trạng và đặt câu hỏi tại diễn đàn: “Con học online, khi đi học trở lại, môn Khoa học tự nhiên con chỉ được có 7,6 điểm. Lúc đó đầu con như quả tạ 100 cân vì nếu mà điểm kém con sẽ không hài lòng và về mẹ sẽ đánh. Con phải làm thế nào?”. Hay trường hợp một bạn học sinh khác được 8 điểm môn lịch sử, khi nêu ý kiến ở diễn đàn, em cho rằng điểm như vậy là cao rồi, người lớn không nên đòi hỏi hơn nữa.
Nhiều học sinh cuối cấp nêu cảm nhận và những khó khăn mình gặp phải. Trần Minh Tâm, học sinh lớp 9A1 trong một buổi sáng được bứt khỏi lịch ôn thi và bài vở dày đặc để tham gia diễn đàn cho rằng đây là một hoạt động thực sự bổ ích, là cơ hội để chia sẻ và tìm lời khuyên từ những chuyên gia tâm lý hay những người nổi tiếng, vốn là thần tượng của các em. Minh Tâm mong muốn bố mẹ lắng nghe, thấu hiểu và hỗ trợ để có sức khỏe cũng như tinh thần tốt cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới.
Thi cử, điểm số cùng với những mối quan hệ bạn bè, những so sánh của người lớn kiểu như “con người ta” hay “bạn ấy học xuất sắc thế mà...” thực sự đang tạo nên áp lực lớn với các em học sinh.
Và người lớn hồi đáp
Tham gia diễn đàn có đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội, đại diện Cục bảo vệ trẻ em – Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và những nhà thơ, nghệ sĩ, diễn giả nổi tiếng như Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nghệ sĩ Xuân Bắc, TS – chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam...
Nhà thơ Trần Đăng Khoa tham dự diễn đàn bằng những chia sẻ, câu chuyện hài hước, dí dỏm để thấy thời nào cũng có những khó khăn, áp lực mỗi học sinh cần vượt qua. Ông cũng hướng dẫn những phương thức học tập hiệu quả mà bản thân đã áp dụng thành công. Có thể ví dụ như việc dành thời gian đọc toàn bộ chương trình trước khi thực sự bước vào năm học mới để có những hình dung, ấn tượng và chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho việc tiếp thu tri thức. Nhưng trên hết theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, học sinh cần rèn luyện thói quen đọc sách và ông khẳng định đó là bí quyết cho suốt chặng đường học tập đến làm việc sau này.
Nhiều câu hỏi hóc búa được NSUT Xuân Bắc giải đáp theo phương thức hài hước, giản dị đã nhận được những tràng pháo tay hay tiếng cười giòn từ học sinh, thầy cô và cả phụ huynh tham gia chương trình. Tuy nhiên, chính Xuân Bắc lại khiến cả hội trường trầm xuống, rưng rưng khi kể với học sinh những áp lực, những khó khăn mà cha mẹ các em đang phải trải qua, để nói lên rằng, ai, tuổi nào thì cũng có những áp lực.
"Các con đừng cho mình quyền được sinh ra và bố mẹ phải phụng sự. Hãy cho mình quyền được yêu thương và chia sẻ với cha mẹ. Hãy nhìn thấy những vất vả của cha mẹ. Hy vọng sau buổi hôm nay, ít nhất về các con nhìn thấy vẻ mệt mỏi của bố lúc đi làm về, nhìn thấy cánh tay của mẹ mỗi khi rửa bát, đừng về ném cặp sách vở rồi chui vào phòng. Chúc các con có được sự đồng cảm từ cha mẹ. Nhưng ngược lại, chắc chắn phụ huynh cũng rất cần sự đồng cảm từ các con". NSƯT Xuân Bắc nhấn mạnh trong phần chia sẻ của mình với học sinh.
Cô giáo Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ cho rằng những diễn đàn như "Điều em muốn nói" rất thiết thực, hữu ích và có ý nghĩa đối với học sinh, đặc biệt giai đoạn trở lại trường sau dịch bệnh.
Trong niềm vui được học trực tiếp, ở vai trò quản lý giáo dục, cô Hải Yến cùng các giáo viên đồng thời cũng nhận thấy những khó khăn, thách thức đặt ra về khả năng tập trung trong học tập. Việc học trực tuyến khiến các em quen với việc giao tiếp qua thiết bị điện tử. Và khó khăn hơn nữa nằm ở khả năng quản lí cảm xúc với những biểu hiện cụ thể như học sinh dễ nóng giận, căng thẳng và luôn cảm thấy áp lực. Bản thân các em chưa biết chuyển hóa cảm xúc tiêu cực, dẫn tới những hành động bột phát, tiêu cực khi chỉ cần một tác động nhỏ.
Thay mặt cán bộ quản lý giáo dục và thầy cô, cô giáo Tô Thị Hải Yến đề xuất phải có giải pháp để tạo cơ hội cho học sinh được bày tỏ nhiều hơn, giải tỏa những bức xúc, áp lực trong việc học tập, trong quan hệ với thầy cô, bạn bè và cả phụ huynh.
Diễn đàn “Điều em muốn nói” được kỳ vọng tiếp tục mở rộng và trở thành hoạt động phổ biến hơn nữa ở các nhà trường, đặc biệt khối trường THCS, cấp học đánh dấu giai đoạn dậy thì với nhiều thay đổi nhất về tâm sinh lý của các em học sinh.
Từ khóa: Điều em muốn nói, học sinh, áp lực, giảm áp lực, lo lắng, thi vào 10, thi cử, học hành, giảm áp lực, em muốn, bày tỏ, nguyện vọng, vov2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2