Diễn tập quốc tế ACID – 2021 với chủ đề “Ứng phó tấn công chuỗi cung ứng nhắm vào các tổ chức doanh nghiệp”

Cập nhật: 06/10/2021

Ngày 05/10/2021, tại Trung tâm R&D, các kỹ sư CNTT của các đơn vị kỹ thuật trong Đài Tiếng nói Việt Nam đã tham gia trực tuyến cuộc diễn tập quốc tế ACID năm 2021 do Trung tâm Ứng cứu sự cố máy tính Singapore (SingCert) chủ trì có chủ đề “Ứng phó tấn công chuỗi cung ứng nhắm vào các tổ chức doanh nghiệp” .

Diễn tập quốc tế ACID – 2021 với chủ đề “Ứng phó tấn công chuỗi cung ứng nhắm vào các tổ chức doanh nghiệp”


Điểm cầu trực tuyến tại Trung tâm R&D, Đài Tiếng nói Việt Nam

Thực hiện công văn số 1336/CATTT-VNCERTCC, Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 30/09/2021 và chỉ đạo của Phó Tổng GĐ Vũ Hải Quang về việc tổ chức tham gia diễn tập trực tuyến ứng cứu sự cố An ninh mạng cho các cán bộ, kỹ sư CNTT Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ngày 05/10/2021, tại Trung tâm R&D, các kỹ sư CNTT của các đơn vị kỹ thuật trong Đài Tiếng nói Việt Nam đã tham gia trực tuyến cuộc diễn tập quốc tế ACID năm 2021 do Trung tâm Ứng cứu sự cố máy tính Singapore (SingCert) chủ trì có chủ đề “Ứng phó tấn công chuỗi cung ứng nhắm vào các tổ chức doanh nghiệp”.

Tham gia cuộc diễn tập gồm có 18 đội CERT đến từ 15 nước bao gồm: Úc, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Myanmar, Philipines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Phía Việt Nam có các Lãnh đạo, cán bộ thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố đảm bảo ATTT quốc gia, Trung tâm VNCERT/CC và Cục An toàn thông tin cũng như khoảng 200 thành viên từ các đơn vị chuyên trách về ATTT của các Bộ, ban ngành, cơ quan Trung ương, các Sở Thông tin truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp ISP lớn và một số tổ chức nắm giữ hạ tầng quan trọng trên địa bàn Hà Nội, Đà Nẵng, tp Hồ Chí Minh tham gia.

Theo Ban Tổ chức, trong bối cảnh bệnh dịch Covid 19, Diễn tập ACID Drill - 2021 được tổ chức theo hình thức trực tuyến, trong đó có 1 điểm trực tiếp tại Hà Nội sẽ là đầu mối giao tiếp với quốc tế và điều phối chương trình diễn tập. Các thông tin trao đổi với các quốc gia khác và giữa các điểm sẽ được truyền trực tiếp từ Hà Nội tới hơn 200 điểm cầu trên cả nước qua các kênh liên lạc sử dụng trong quá trình diễn tập và nền tảng họp trực tuyến Telegram.

Sau khi nhận được tình huống sự cố, các đội phải phân tích, truy tìm các yếu tố, nguồn gốc của sự cố, rồi sắp xếp trình tự ứng phó và đặc biệt là phải tương tác với các quốc gia khác để xử lý sự cố ở phạm vi quốc tế.

Hiện nay, mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia của Việt Nam đã hình thành và phát triển với 124 đơn vị thành viên gồm hơn 500 cán bộ kỹ thuật chuyên trách trong các đội ứng cứu sự cố của các bộ, ngành, địa phương. Dưới sự điều phối của cơ quan điều phối quốc gia (VNCERT) và sự phối hợp của các đơn vị thành viên, mạng lưới đang hoạt động rất tích cực và hiệu quả, xử lý và ngăn chặn nhiều sự cố, tấn công mạng nghiêm trọng; chia sẻ và cảnh báo kịp thời các thông tin về sự cố, mã độc.../.

Trung tâm R&D/Phương Hoa

Từ khóa:

Thể loại: Tin hoạt động VOV

Tác giả:

Nguồn tin: R&D