“Điện hóa” xe công nghệ tại TP.HCM: Tài xế phân vân chuyển đổi hay tìm việc mới?

Cập nhật: 20 giờ trước

VOV.VN - Đề xuất “điện hóa” xe công nghệ, giao hàng tại TP.HCM từ năm 2026 đang đặt ra nhiều thách thức lớn cho hàng trăm ngàn tài xế. Nhiều tài xế xe công nghệ, shipper lo lắng, không biết nên đổi sang xe điện hay tìm công việc mới?

 

Chồng chất nối lo của tài xế công nghệ

Là sinh viên năm hai của một trường đại học tại TP.HCM, anh Điểu Đạt thường tranh thủ thời gian rảnh ngoài giờ học, để chạy xe công nghệ của một ứng dụng giao hàng, nhằm trang trải, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình.

Những ngày qua, khi nghe về đề xuất TP.HCM sẽ cấm xe xăng 2 bánh cung cấp các dịch vụ vận tải, giao hàng từ năm 2026, anh Đạt không giấu được sự lo lắng. Anh cho biết, nhiều người bạn của anh cũng có cùng tâm trạng.

Anh Điểu Đạt chia sẻ thu nhập từ công việc tài xế công nghệ chỉ được khoảng 200.000 - 600.000 đồng/ngày, tùy thuộc vào thời gian và nỗ lực. Việc TP.HCM dự kiến bắt đầu hạn chế phương tiện chạy bằng xăng đối với tài xế công nghệ và yêu cầu bắt buộc chuyển sang xe điện từ năm 2026 đang gây áp lực lớn.

“Bản thân tôi cũng thấy lo lắng, không biết nên làm như thế nào đầu tư xe điện hay tìm công việc khác. Là sinh viên nên thời gian của tôi không được linh hoạt, chỉ có công việc này là phù hợp. Bởi rảnh lúc nào, tôi bật app (ứng dung) chạy lúc đấy, còn các công việc khác thì rất khó làm vì thời gian rảnh của tôi không cố định. Khó khăn thứ hai là giá tiền của chiếc xe điện hiện quá cao trong khi xe máy động cơ xăng như chiếc Wave giá chỉ tầm 18 - 20 triệu đồng thì tôi có thể để góp được. Còn với xe điện giá từ 30 - 50 triệu đồng/chiếc, tôi cảm giác bị quá sức”, anh Đạt nói.

Lộ trình “điện hoá” có gấp gáp?

Chuyển đổi từ xe xăng sang xe máy điện là một chủ trương lớn, hướng tới mục tiêu giảm phát thải và xây dựng giao thông xanh. Thế nhưng, đối với hàng trăm ngàn tài xế xe công nghệ, những người xem chiếc xe là “cần câu cơm” chính, lộ trình này đang tiềm ẩn nhiều khó khăn và khiến nhiều người lo lắng.

Khó khăn và nỗi lo lớn nhất mà tài xế xe công nghệ đang đối mặt là vấn đề sạc điện, khi mà hiện nay, nhiều nhà trọ, chung cư vẫn còn hạn chế việc sạc xe điện. Mặt khác số lượng trạm sạc công cộng hiện còn khá ít ỏi và chưa thể đáp ứng được nhu cầu của một lượng lớn tài xế nếu tất cả cùng chuyển đổi.

Chủ một cửa hàng xe điện ở khu vực Bình Dương cũ nhận định: các mẫu xe điện hiện nay trên thị trường chủ yếu phù hợp với học sinh, sinh viên hoặc những người di chuyển trong quãng đường ngắn, tốc độ chậm. Chúng chưa thực sự phù hợp với những người cần di chuyển liên tục, quãng đường dài hoặc tốc độ cao hơn 60km/h như tài xế công nghệ.

Người này cho rằng, khi chuyển đổi, cần phải có những mẫu xe mới với công suất và quãng đường di chuyển phù hợp hơn. Người này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng và đầu tư ngay các trạm sạc nhanh, tiện lợi và phủ sóng rộng khắp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xe điện, đặc biệt là xe chạy dịch vụ.

Đồng tình với việc chuyển đổi sang xe điện sẽ hạn chế ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng không khí tại các đô thị lớn. Tuy nhiên, nhiều người dân và tài xế xe công nghệ cho rằng mục tiêu của đề án đặt ra một cách gấp gáp, thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Ông Ngô Tân Khánh Vĩnh, một người dân tại phường Thủ Dầu Một, TP.HCM (Bình Dương cũ) bày tỏ ý kiến: “Lộ trình chuyển đổi này đòi hỏi sự hỗ trợ rất nhiều của các nhà cung cấp, của ban ngành đoàn thể. Rõ ràng, việc chuyển đổi đột ngột với những người đang mưu sinh (tài xế xe công nghệ) phải thay đổi phương tiện là rất khó. Người lái xe công nghệ họ đi đổ xăng một lần có thể chạy được nhiều km, nhưng khi đổi sang xe điện thì họ phải tính toán lại lộ trình. Bây giờ cây xăng sẽ ít đi, phải có rất nhiều trạm điện nhưng hạ tầng trạm điện phức tạp hơn rất nhiều”.

Cần chuyển đổi theo lộ trình, có trọng tâm

Trao đổi với phóng viên VOV, TS. Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho rằng việc chuyển đổi sang xe điện là xu hướng phát triển chung ở nhiều đô thị lớn, nên việc triển khai ở TP.HCM là phù hợp.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi này phải có kế hoạch rõ ràng và đối tượng chuyển đổi cụ thể. Trong quá trình thực hiện cần có hệ thống quan trắc đánh giá cụ thể về hệ số khí thải giảm, phải đồng bộ và phối hợp nhịp nhàng.

Ông đề xuất trước mắt, từ nay đến tháng 7/2026 đối tượng cần nhắm tới chuyển đổi ngắn hạn là xe ôm công nghệ, taxi, xe buýt, xe công vụ để đánh giá.

TS. Phạm Viết Thuận lý giải, nếu giảm các loại phương tiện vừa nêu, lượng khí thải đã có thể giảm hơn 50% vì nhóm này có biên độ lưu hành gấp 10 – 20 lần so với xe thường.

Cụ thể, xe công nghệ chạy tối thiểu 160km/ngày; taxi 160 – 240km/ngày, nên dễ dàng đo lường được lượng khí thải. Còn đối với xe cá nhân, ông cho rằng nên đưa ra lộ trình 10 – 15 năm tới là phù hợp. 

“Nói dẹp hẳn xe xăng là chuyện rất khó làm bởi không chỉ là quy định pháp luật. Nhưng trước mắt các đối tượng (xe ôm công nghệ, taxi, xe buýt, xe công vụ) thực hiện trước, chuyển đổi trước còn người dân chuyển đổi sau. Bởi người dân, cán bộ công chức thì bán kính đi là 5 – 7 km thôi, một ngày đi chừng 0,3 lít thì lượng CO2, NO2 thải ra là không đáng kể. Còn xe ôm công nghệ, xe taxi công nghệ, xe buýt… chiếm hơn 50% khí thải thì cần phải chuyển đổi”, TS. Phạm Viết Thuận phân tích thêm.

Thực tế hiện nay tại TP.HCM vẫn còn lượng lớn xe máy xăng, trong đó có tài xế xe công nghệ, giao hàng. Phần lớn họ là những lao động thời vụ, có thu nhập thấp.

Biết rằng chuyển đổi sang giao thông xanh là xu thế không thể đảo ngược, nhưng cần có lộ trình phù hợp, giải pháp đồng bộ về hạ tầng và chính sách hỗ trợ thiết thực để tránh tạo gánh nặng quá lớn lên vai những người lao động.

Hiện nay, Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM đã hoàn thiện đề án xanh hoá giao thông đô thị, chuyển đổi 400.000 xe công nghệ, giao hàng trên địa bàn Thành phố từ xe xăng sang xe điện, trình UBND TP.HCM chỉ đạo lấy ý kiến các sở, ngành lần cuối.

Mục tiêu của đề án là trong vòng hai năm (2026 – 2027), sẽ chuyển đổi được 80% trong tổng số 400.000 tài xế xe công nghệ và giao hàng tại TP.HCM từ sử dụng xe máy xăng sang sử dụng xe điện, tương ứng với khoảng 320.000 tài xế.

Đến hết năm 2028 hoàn tất chuyển đổi 20% lượng xe còn lại, tiến tới năm 2029 cấm hoàn toàn xe hai bánh chạy bằng xăng tham gia cung cấp các dịch vụ vận tải trên địa bàn Thành phố.

Về phương án khuyến khích các tài xế chuyển đổi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng Kinh tế - Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho hay, TP.HCM sẽ xin phép Trung ương cho phép miễn thuế VAT xe điện trong vòng 2 năm đầu, cũng như miễn lệ phí đăng ký trước bạ cho các tài xế.

Đề án cũng dành riêng 10.000 xe máy điện từ ngân sách nhà nước để chủ động các đối tượng cận nghèo, chính sách và không đủ khả năng tài chính. Mỗi xe sẽ được hỗ trợ khoảng tám triệu đồng để trả trước cho gói tín dụng, phần còn lại sẽ trả góp trong vòng 24 - 30 tháng.     

h1.jpg

TP.HCM cấm hoàn toàn xe máy xăng cung cấp dịch vụ vận tải vào năm 2029

VOV.VN - Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đang hoàn thiện đề án, dự kiến trong năm 2026 - 2027 sẽ chuyển đổi được khoảng 80% trong tổng số 400.000 tài xế xe công nghệ từ xe xăng sang sử dụng xe máy điện. Đến năm 2029, sẽ cấm hoàn toàn xe máy xăng cung cấp các dịch vận tải trên địa bàn TP.HCM.

 

Từ khóa: xe công nghệ, điện hoá, xe công nghệ, giao hàng, shipper, TP.HCM,tài xế xe công nghệ, cấm xe máy xăng, chuyển đổi xe điện, xanh hoá giao thông đô thị

Thể loại: Xã hội

Tác giả: tỷ huỳnh, thiên lý, hà khánh/vov-tp.hcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập