Điện gió Đắk Lắk: Thực tế thành công, xây nền triển vọng
Cập nhật: 29/10/2021
VOV.VN - Trong khi nhiều dự án điện gió ở Tây Nguyên gặp khó khăn trong đền bù, giải phóng mặt bằng, với nhiều tranh chấp và mất ổn định an ninh trật tự, thì tại huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk đã thành công với những dự án tiên phong.
Căn nhà mới xây rộng 100 mét vuông của gia đình chị Phan Thị Hồng Phượng ở thôn 5, xã Đliê Yang, huyện Ea H’Leo, nằm cách các trụ điện gió của Dự án Phong điện Tây Nguyên chỉ vài trăm mét.
Căn nhà này vốn chênh vênh trên sườn đồi heo hút trước đây, nhưng nhờ dự án điện gió xây dựng làm đường qua mà trở nên đắc địa. Vợ chồng chị Phượng đã tận dụng lợi thế mới để mở quán bán hàng, trồng thêm nhiều hoa quanh vườn và trước nhà để phục vụ du khách “check-in” cảnh quan điện gió.
“Từ ngày xây dựng dự án hoàn thành, người dân trong thôn 5 được hưởng lợi vì có đường bê tông đi lại. Chưa kể, trước ở đây heo hút ít người tới nhưng giờ du khách tới nhiều. Họ tới tham quan chụp ảnh các trụ điện gió và phong cảnh ở đây. Đời sống ở đây thay đổi nhiều rồi, nhờ dự án điện gió cả đấy”, chị Phượng bộc bạch.
Dự án Phong điện Tây Nguyên ở xã Đliê Yang, huyện Ea H’Leo, là dự án điện gió đầu tiên ở Đắk Lắk và cả khu vực Tây Nguyên, do tập đoàn HBRE triển khai từ năm 2017. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó giám đốc phụ trách dự án cho biết, dự án có công suất 28,8 MW, gồm 12 trụ turbin, liên quan đến giải tỏa đất đai và tài sản của 84 hộ dân.
Đây là công việc rất nhiều khó khăn. 84 chủ hộ là 84 quan điểm khác nhau. Nếu không giải quyết thỏa đáng sẽ xảy ra so bì, khiếu nại, cản trở đồng loạt.
Với sự đồng hành của các cấp chính quyền và sự kiên nhẫn, thiện chí của doanh nghiệp, các điểm nghẽn và nút thắt giải phóng mặt bằng đã được tháo gỡ. Dự án đã thi công thuận lợi và phát điện vào tháng 11/2019.
Ông Hiệp nói: “UBND huyện thành lập Ban hỗ trợ giải phóng mặt bằng hỗ trợ doanh nghiệp. Trong quá trình tổ chức, doanh nghiệp phối hợp với Trung tâm Quỹ đất của tỉnh, huyện lên các phương án đền bù giải phóng mặt bằng. Toàn bộ số liệu đền bù được niêm yết công khai. UBND các xã căn cứ vào tổng số hộ được nhận đền bù, diện tích đất và tài sản trên đất bao nhiêu rồi trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt và sau đó căn cứ thực hiện chi trả đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân”.
Sau thành công của Dự án Phong điện Tây Nguyên, Ea H'Leo tiếp tục triển khai một dự án khác, gấp 14 lần dự án đầu tiên. Đó là Dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam, do Tập đoàn Trung Nam đầu tư.
Theo ông Nguyễn Văn Hà - Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo, thách thức với dự án mới là rất lớn bởi phải giải quyết khối lượng công việc trong thời gian chỉ hơn 11 tháng, lại diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Trong các khó khăn chất chồng, nhất là về đền bù giải phóng mặt bằng và áp lực tiến độ, nhà đầu tư có lúc đã chệch hướng, muốn trực tiếp đi mua đất của người dân như đang diễn ra phổ biến ở các dự án điện gió khác.
Nhờ sự vào cuộc chủ động, tận tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể đã giúp doanh nghiệp tháo được điểm nghẽn. Đây là điểm mà nhiều dự án khác gặp phải, hiện đang khó giải quyết ổn thỏa.
Ông Nguyễn Văn Hà chia sẻ, để dự án thành công, cần nhà đầu tư phải chính trực, chính quyền địa phương nói đi đôi với làm, kiên định nguyên tắc công khai, minh bạch, tuân thủ cam kết. Với huyện Ea H’Leo, đó là tiền đề để tiếp tục thu hút, triển khai các dự án khác, hướng tới phát huy hết tiềm năng điện gió 3.000MW của địa phương.
“Giai đoạn đầu, nhiều người dân chống đối, không hợp tác. Chúng tôi nhờ các bác già làng, trưởng bản, bí thư chi bộ, trưởng thôn hay người có uy tín phối hợp cùng cán bộ xã, lãnh huyện thâm nhập nói chuyện, phân tích chỉ rõ cho người dân cái được, mất chủ trương lớn của tỉnh, huyện. Khi phân tích xong, người dân hiểu ra và hài lòng chấp thuận chủ trương. Ở huyện Ea H’Leo từ trước tới nay chưa xảy ra xung đột lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp đầu tư điện gió. Đó là sự nỗ lực của chúng tôi, điều này đã góp phần vào thành công của các dự án điện gió trên địa bàn”, ông Nguyễn Văn Hà bày tỏ.
Hôm nay, Ea H’Leo đã hiện rõ tầm vóc của một thủ phủ điện gió ở khu vực Tây Nguyên với gần 100 trụ, phát ra khoảng 1 tỷ 300 triệu KWh điện mỗi năm. Cùng với đóng góp hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách địa phương, cung cấp thêm điện cho cả nước, thì các dự án còn để lại hơn 60 km đường bê tông phục vụ dân sinh và sản xuất, hỗ trợ xây 13 nhà văn hóa và nhà tình nghĩa…
Thành công các dự án điện gió ở Ea H’ Leo là nhờ thực lực đủ mạnh, trách nhiệm đủ lớn, luôn nói đi đôi với làm, đảm bảo hài hòa giữa trách nhiệm và lợi ích của tất cả các bên./.
Từ khóa: điện gió, điện gió tây nguyên, công trình điện gió
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN