Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 không cho phép có tâm lý chủ quan
Cập nhật: 11/04/2020
Tín hiệu lạc quan cho du lịch Nga - Việt Nam năm 2025
Thời tiết hôm nay 20/1: Miền Bắc đêm và sáng trời rét, trưa chiều trời nắng
VOV.VN - Tâm lý chủ quan là điều không được phép có trong tuần thứ hai thực hiện giãn cách xã hội này.
Cho đến thời điểm này, cả nước có trên 250 người mắc Covid-19, số người điều trị khỏi đã chiếm hơn một nửa và chưa có bệnh nhân tử vong. Nỗ lực của cả mạng lưới thầy thuốc đã cứu được nhiều bệnh nhân Covid-19 có diễn biến nặng và phức tạp trong những ngày qua. Tuy vậy, tâm lý chủ quan là điều không được phép có trong tuần thứ hai thực hiện giãn cách xã hội này.
Cả nước có 144 ca mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Ảnh: Bộ Y tế. |
Tại Hội nghị trực tuyến bàn về công tác điều trị tại Bộ Y tế sáng nay, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, với biến chủng phức tạp của SARS-CoV-2, số ca mắc không chỉ tập trung ở người cao tuổi mà bao gồm cả trẻ em, thanh thiếu niên. Hiện Hà Nội là điểm nóng về Covid-19 khi có 30 ổ dịch, hơn 100 trường hợp mắc bệnh, trong đó hơn 60% phát hiện trong cộng đồng và có những ca bệnh không xác định được nguồn lây.
Song ở tuần thứ hai giãn cách xã hội, trong những giờ cao điểm, số lượng xe cộ đi lại ở Hà Nội đã gia tăng trở lại. Nhiều hàng quán kinh doanh đã mở lại. Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, qua thực tế điều trị cho thấy, dịch bệnh Covid-19 không loại trừ bất cứ ai, và diễn biến phức tạp như khó lường trước, gia tăng nặng rất nhanh không cho phép bất cứ ai được chủ quan.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói: "Chúng ta không thể đánh giá thế nào là nặng thế nào là nhẹ. Chúng ta biết con virus này hoàn toàn là chủng mới. Chúng ta cách ly đối với con virus, phải soi qua kính hiển vi, phóng đại nhiều lần mới có thể nhìn thấy được. Chỉ cần một con virus xâm nhập vào cơ thể của người dân trong cộng đồng cũng có thể gây bệnh. Những đối tượng còn trẻ, khỏe có thể chống chọi được. Nhưng với những đối tượng như nhóm người yếu thế, người cao tuổi sinh hoạt chung trong cộng đồng thì chắc chắn là ảnh hưởng rất to lớn".
Từ đầu dịch bệnh Covid-19 đến nay, Việt Nam đã ba lần thay đổi phác đồ điều trị và vẫn tiếp tục cập nhật đưa vào phác đồ những loại thuốc mới như: Thuốc sốt rét, thuốc điều trị HIV và thuốc Intermertin. Từ thực tế này, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên phải nắm bắt được phác đồ điều trị để có thể thu dung các bệnh nhân mắc Covid-19 khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng./.
Từ khóa: Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, cách ly xã hội, tụ tập đông người
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN