Điện Biên hướng đến mục tiêu GRDP 10,51% trong năm nay

Cập nhật: 08/03/2025

VOV.VN - Trước mục tiêu tăng trưởng GRDP 10,51% trong năm 2025 theo Nghị quyết số 25/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Điện Biên đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

 

Để hiểu rõ hơn về định hướng và quyết tâm của tỉnh, phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn với ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.

PV: Thưa ông, Điện Biên đang có những thuận lợi và thách thức gì trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội?

Ông Lê Thành Đô: Thuận lợi lớn nhất của Điện Biên là về vị trí địa lý khi tiếp giáp với cả Lào và Trung Quốc, có Cảng hàng không Điện Biên kết nối với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bằng tàu bay A320, A321. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để Điện Biên có thể khai thác, trở thành trung tâm của vùng, kết nối với các tỉnh Bắc Lào cũng như Vân Nam (Trung Quốc).

Điện Biên có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với 3 trụ cột: Du lịch lịch sử (với điểm nhấn là hệ thống các di tích lịch sử thuộc di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ); Bản sắc văn hóa của 19 dân tộc với nhiều nét đặc trưng của các dân tộc; Danh lam thắng cảnh của Điện Biên. Đây là những tiền đề rất quan trọng để Điện Biên phát triển, khai thác và phát triển du lịch, lịch sử tâm linh, bản sắc văn hóa và danh lam thắng cảnh gắn với nghỉ dưỡng.

Ngoài ra, Điện Biên còn có tiềm năng lớn với đất đai với diện tích đất lớn, nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau. Đây là những điều kiện giúp Điện Biên có thể khai thác để phát triển một nền nông nghiệp đa dạng với nhiều các sản phẩm mang tính đặc trưng của vùng miền.

Cùng với tài nguyên về đất đai thì qua khảo sát đánh giá, Điện Biên cũng có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt là điện gió, điện mặt trời và một số công trình thủy điện nhỏ. Đó là những lợi thế rất lớn về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý.

PV: Những điểm nghẽn lớn nhất của tỉnh cần tháo gỡ để thúc đẩy tăng trưởng là gì thưa ông?

Ông Lê Thành Đô: Bên cạnh tiềm năng thì Điện Biên cũng còn rất nhiều khó khăn thách thức. Thách thức lớn nhất đó là về khả năng kết nối giữa Điện Biên với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ còn rất nhiều khó khăn. Nó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư của Điện Biên. Đặc biệt là các lĩnh vực về sản xuất.

Thứ nữa là đời sống của một bộ phận nhân dân ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí còn có những hạn chế nhất định. Điều này ảnh hưởng đến việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho những nhu cầu phát triển.

Khó khăn nữa của Điện Biên là điều kiện về địa hình rất dốc và quỹ đất để xây dựng các khu công nghiệp hay các cụm công nghiệp còn rất là hạn chế.

Ngoài ra, một điểm nghẽn nữa đó là các nguồn lực đầu tư. Mặc dù được Đảng, Nhà nước rất quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được hết cho các nhu cầu của đầu tư phát triển. Đặc biệt là đầu tư cho kết cấu hạ tầng đã làm giảm khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư của tỉnh Điện Biên.

PV: Khắc phục điểm nghẽn, tận dụng lợi thế để phát triển, Điện Biên đang có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Lê Thành Đô: Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm, tỉnh Điện Biên đã ban hành chương trình giải pháp chỉ đạo điều hành tập trung vào 6 quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo và 9 nhóm giải pháp chủ yếu để tổ chức thực hiện.

Từ đó, tập trung vào thực hiện các giải pháp: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, khai thác những tiềm năng lợi thế về nông nghiệp để đảm bảo được lĩnh vực nông – lâm - thủy sản sẽ đóng góp khoảng 4,15% vào tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Ngay từ đầu năm, tỉnh phải rà soát lại tất cả các dự án về phát triển các loại cây trồng chủ lực như: Các dự án mắc ca; Các dự án phát triển cây cà phê; Các dự án phát triển các vùng lúa đặc sản… cũng như áp dụng các mô hình, các dự án về nông nghiệp có hiệu quả để khai thác tiềm năng lợi thế về lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ hai là tập trung vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến và công nghiệp năng lượng. Lĩnh vực này phấn đấu sẽ đóng góp khoảng 12,58% trong tăng trưởng GRDP của tỉnh. Để đạt được tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực về công nghiệp và xây dựng, ngoài việc rà soát xây dựng, ban hành kế hoạch để thực hiện quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục rà soát lại tất cả các quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu của thành phố Điện Biên Phủ, của các thị trấn, huyện, để tạo ra không gian và dư địa cho thực hiện các dự án về phát triển hạ tầng, đô thị, cũng như các khu thương mại dịch vụ.

Thúc đẩy việc đầu tư, thu hút đầu tư vào các dự án điện, thủy điện và đặc biệt là thúc đẩy thực hiện nhanh các dự án điện gió đã được phê duyệt trong quy hoạch điện 8 với tổng công suất khoảng 300MW điện gió. Thúc đẩy các hoạt động về công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến các nông – lâm - sản của tỉnh.

Cùng với đầu tư các dự án về phát triển hạ tầng đô thị, thương mại và du lịch, các dự án về năng lượng, thì tỉnh sẽ đẩy nhanh các dự án về đầu tư công, để đảm bảo được tốc độ và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Nhất là các dự án trọng điểm có sức lan tỏa để làm động lực, dẫn dắt việc thu hút các nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế khác.

Tiếp tục tập trung vào việc khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển lĩnh vực về thương mại dịch vụ, đặc biệt là phát triển du lịch, với mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này khoảng 11,69% để đóng góp vào tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Điểm nhấn quan trọng nhất là phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với mục tiêu là năm 2025 sẽ đón khoảng 1,45 triệu lượt khách đến tỉnh, tăng doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch. Cùng với việc mời gọi và tăng cường hoạt động về xúc tiến thương mại du lịch thì tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử.

Mời gọi các nhà đầu tư để tiếp tục thực hiện đầu tư các sản phẩm về du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch vui chơi, giải trí thể thao và tôn tạo lại các điểm di tích lịch sử. Từ đó, phát triển đồng bộ giữa 3 loại hình du lịch: Du lịch lịch sử tâm linh; Du lịch sinh thái, bản sắc văn hóa các dân tộc và thể thao nghỉ dưỡng.

Vấn đề thứ tư là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để duy trì và tăng được các điểm về cải cách hành chính cũng như chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để mời gọi và thu hút các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án tại tỉnh Điện Biên.

Thứ 5 là tập trung vấn đề về phát triển các nguồn nhân lực. Cùng với việc phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, hiện nay tỉnh đang tập trung sắp xếp lại các trường Cao đẳng để tăng cường năng lực, thực hiện các đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn của tỉnh. Thực hiện các thủ tục để mở chi nhánh Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Điện Biên, tạo ra tiền đề để xây dựng và thành lập trường Đại học Điện Biên, tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển.

Vấn đề thứ 6 là đẩy nhanh công tác về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng khoa công nghệ đổi mới sáng tạo để coi đây là một trong những động lực mới cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Điện Biên sẽ xây dựng chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và xây dựng Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các giải pháp đột phá về phát triển khoa công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Thứ 7 là thực hiện tốt công tác đảm bảo về quốc phòng an ninh giữ vững môi trường an toàn để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Vấn đề thứ 8 là quan tâm đến công tác tuyên truyền để tạo ra sự đồng thuận của người dân, của doanh nghiệp và của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế theo như chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ.

Cuối cùng là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo là coi trọng công tác kiểm tra đôn đốc, giám sát, đánh giá để kịp thời phát hiện và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

PV: Tỉnh sẽ triển khai cơ chế giám sát, đánh giá như thế nào để đảm bảo các giải pháp phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao, đồng thời giữ vững mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống người dân, thưa ông?

Ông Lê Thành Đô: Để tăng cường công tác giám sát, đánh giá trong quá trình thực hiện, tỉnh sẽ thành lập các đoàn công tác nắm tình hình triển khai thực hiện tại các địa phương. Đặc biệt là nắm tình hình về thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, tình hình thực hiện các dự án đầu tư của các thành phần kinh tế và tình hình việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Qua đó, sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để đảm bảo các nhiệm vụ giải pháp đã được đề ra phải được triển khai thực hiện một cách cụ thể, sâu sát và quyết liệt tới tận cơ sở.

Thứ 2 là sẽ thực hiện cơ chế giám sát của cộng đồng thông qua hoạt động của người dân để giám sát, đánh giá các hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Cùng với việc tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát thì tỉnh sẽ chú trọng việc giám sát đánh giá ngay từ bước thẩm định và phê duyệt các chủ tương đầu tư đối với các chương trình dự án. Đặc biệt là việc giám sát các điều kiện về bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư để đảm bảo việc đầu tư phát triển phải mang tính bền vững gắn việc phát triển với công tác bảo vệ môi trường sinh thái.. từ đó kịp thời xử lý các vi phạm, các sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện.

PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!

Từ khóa: Điện Biên, Điện Biên, GRDP, Nghị quyết số 25

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: vũ lợi/vov-tây bắc

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan