Điện Biên gỡ “điểm nghẽn” để bứt phá
Cập nhật: 07/05/2024
VOV.VN - Các công trình, dự án trọng điểm được triển khai chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ càng như cú hích, giúp Điện Biên bứt phá.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, từ một bãi chiến trường ngổn ngang sau chiến tranh, với sự hỗ trợ của trung ương, tỉnh Điện Biên đã tập trung toàn lực kiến thiết xây dựng lại và từng bước vươn mình trở thành một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng nhanh trong số 14 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ của tỉnh Điện Biên, được biết đến là công trình mang đậm dấu ấn tình cảm của địa phương ở miền cực Tây Bắc của Tổ quốc với Thủ đô ngàn năm văn hiến. Sau 40 năm đưa vào sử dụng, nay không còn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ dạy và học của nhà trường. Chính vì vậy, để thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng như giúp cho thầy và trò nhà trường có được ngôi trường mới khang trang, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội đã hỗ trợ đầu tư 70 tỷ đồng để sửa chữa và xây mới một số hạng mục phòng học cho nhà trường.
Cuối tháng 4 vừa qua, công trình sửa chữa, nâng cấp Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ được khánh thành, đưa vào sử dụng trong niềm vui, phấn khởi của cô và trò nhà trường. Cô giáo Lê Thị Nga - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc ngôi trường mới được khánh thành, đưa vào sử dụng ngay trước thềm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là dấu mốc quan trọng, tạo động lực rất lớn khích lệ toàn thể cán bộ, giáo viên nhà trường tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
“Đây là niềm vui rất lớn đối với thầy và trò Trường Tiểu học Hà Nội – Điện Biên Phủ khi có được một ngôi trường khang trang, hiện đại nhất tỉnh. Trường sẽ cố gắng sử dụng công trình với hiệu quả cao nhất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của địa phương”, Cô giáo Lê Thị Nga bày tỏ.
Tháng 12/2023, dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên chính thức khánh thành, đưa vào sử dụng. Trước đó, do đặc thù quy mô nhỏ hẹp, sân bay Điện Biên chỉ phù hợp với dòng máy bay cỡ nhỏ như ATR-72, Embraer 190… Sau khi được đầu tư mở rộng, Cảng hàng không Điện Biên đã nâng quy mô đường cất hạ cánh lên độ dài 2.400m, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho máy bay Airbus A321, A320 và các dòng tương đương.
Việc đưa vào khai thác an toàn máy bay phản lực tại sân bay Điện Biên, được coi là cột mốc quan trọng trong ngành hàng không Việt Nam, cũng như mở ra cơ hội phát triển mới cho kinh tế, xã hội của tỉnh Điện Biên. Đặc biệt, kể từ khi hãng hàng không Bamboo Airways đưa vào khai thác đường bay thẳng từ Điện Biên đi TP.HCM, mảnh đất Tây Bắc nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng càng có cơ hội để bứt phá.
Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, không chỉ người dân từ TP.HCM, Hà Nội đến với Điện Biên thuận lợi, các vùng miền khác trong cả nước, cũng như khách quốc tế cũng đến với Điện Biên một cách dễ dàng hơn khi sân bay được mở rộng. “Tỉnh Điện Biên mong muốn sẽ thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, du lịch và thương mại, dịch vụ nhằm khai thác tiềm năng lợi thế cua tỉnh trong thúc đẩy phát triển kinh tế và đảm bảo quốc phòng an ninh”, ông Đô khẳng định.
Là du khách đến với Điện Biên Phủ từ TP.HCM, chị Nguyễn Thị Cúc bày tỏ cảm xúc rất thích tới Điện Biên để du lịch, nhưng trước đây đường xá không thuận lợi. Bây giờ có các chuyến bay, được đến vùng miền núi thuận lợi nên chị sẽ đến Điện Biên Phủ cũng như các tỉnh vùng Tây Bắc nhiều hơn.
Ngoài đường hàng không đi TP.HCM và Thủ đô Hà Nội, hệ thống giao thông đường bộ cũng được tỉnh Điện Biên chú trọng đặc biệt để tăng cường kết nối, coi đây là giải pháp mang tính đột phá, đúng theo tinh thần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 11 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị, về phương hướng phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Ðiện Biên đã tiến hành đầu tư nâng cấp mở rộng các tuyến quốc lộ huyết mạch như QL12 đoạn Mường Lay – Mường Chà, QL.279B đoạn Nà Tấu – Mường Phăng, đường 7/5 tại TP Điện Biên Phủ… Ông Nguyễn Văn Chung, Phó Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Điện Biên cho biết, dự án cao tốc Sơn La – Điện Biên – Cửa khẩu Tây Trang, giai đoạn 1 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền để thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Một số dự án nâng cấp quốc lộ kết nối với Lào (qua cửa khẩu Tây Trang trên QL.279), kết nối với Trung Quốc (qua cửa khẩu A Pa Chải trên QL.4H) đã được Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề xuất dự án, dự kiến sử dụng vốn vay WB, dự kiến triển khai đầu tư trong giai đoạn 2026 – 2030… sẽ tiếp tục là “cú hích” cho Điện Biên cất cánh.
“Dự án đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang được tỉnh Điện Biên giao cho Sở GT-VT chủ trì trong việc triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Hiện tại, Sở GT-VT đang chuẩn bị tốt các bước chuẩn bị đầu tư theo góc độ kết hợp với các nhà thầu có khả năng đầu tư và các nhà tư vấn, cùng các Sở, ngành để đề xuất phương án đầu tư nhằm sớm triển khai dự án này trong giai đoạn 2025 – 2030”, ông Chung cho hay.
Hiện nay, hành lang pháp lý, cơ sở để thực hiện đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Điện Biên đã cơ bản đảm bảo, công tác quy hoạch ngành cũng như quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, xác định cụ thể danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong thời gian tới. Về phía địa phương, Điện Biên cũng đã cơ bản đảm bảo tính sẵn sàng để thực hiện đầu tư như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp, nguồn vật liệu san lấp, bãi thải…. Do đó, việc đầu tư các dự án trong thời gian tới sẽ cơ bản thuận lợi, tạo “cú hích” cho Điện Biên bứt phá.
Từ khóa: Điện Biên, Điện Biên,điện biên phủ,điểm nghẽn, bứt phá, cơ sở hạ tầng, đầu tư
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: thu thùy-vũ lợi/vov-tây bắc
Nguồn tin: VOVVN