VOV.VN - Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 1/11/2024.
Nga tập kích phá hủy xe thiết giáp chở quân Ukraine tại Kursk: Nga ngày 30/10 cho biết, các lực lượng nước này đã phá hủy một xe bọc thép chở quân VAB của Ukraine do Pháp sản xuất tại khu vực Kursk.
Trong tuyên bố trên Telegram, Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga cho biết, Nga đã triển khai máy bay không người lái tự sát phá hủy chiếc xe bọc thép chở quân VAB của Ukraine do phương Tây cung cấp. Video quay từ hiện trường cho thấy, sau khi xác định được mục tiêu, chiếc UAV đã lao nhanh vào phương tiện khiến nó bốc cháy.
Ông Zelensky nói sẽ không bao giờ chiếm nhà máy điện hạt nhân Kursk của Nga: Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 30/10 cho biết quân đội lực lượng Ukraine chưa bao giờ có ý định chiếm nhà máy điện hạt nhân Kursk thuộc tỉnh Kursk của Nga - nơi Kiev đã tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ hồi đầu tháng 8.
"Nếu chúng tôi muốn chiếm nhà máy điện hạt nhân của Nga thì chúng tôi đã làm điều đó rồi. Chúng tôi có đủ khả năng chiếm nhà máy này nhưng hành động ấy khiến Ukraine không khác gì Nga", ông Zelensky nói trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Bắc Âu, khẳng định sẽ không chiếm giữ cơ sở hạ tầng quan trọng của đối phương "như cách Nga đã làm với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia”.
Liên Hợp Quốc quan ngại trước thông tin Triều Tiên triển khai quân sang Nga: Trước thông tin cáo buộc Triều Tiên triển khai quân trên lãnh thổ Nga, một quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc cho biết tổ chức này quan ngại sâu sắc về động thái đó. Ông cho biết, xung đột leo thang ở Ukraine sẽ chỉ khiến gia tăng nỗi thống khổ và sự chia rẽ địa chính trị sâu sắc hơn.
Miroslav Jenca - Trợ lý cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về châu Âu, Trung Á và châu Mỹ, lưu ý thế rằng tổ chức của ông không có thêm chi tiết nào về cáo buộc Triều Tiên đưa quân tới Nga. Ông cũng nhấn mạnh rằng Liên Hợp Quốc “không ở vào thế có thể kiểm chứng hoặc xác nhận các tuyên bố hoặc báo cáo” liên quan đến cáo buộc triển khai quân Triều Tiên nói trên.
Tổng thống Ukraine thất vọng về vụ rò rỉ thông tin mật trong kế hoạch chiến thắng: Tổng thống Volodymyr Zelensky bày tỏ thất vọng về việc các thông tin mật trong “kế hoạch chiến thắng” của ông bị rò rỉ cho báo chí phương Tây, bao gồm việc Kiev đề nghị Mỹ chuyển tên lửa Tomahawk cho Ukraine.
Đầu tuần này, tờ New York Times dẫn nguồn thạo tin cho hay, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đề nghị Mỹ triển khai tên lửa Tomahawk tại Ukraine như một phần của “gói răn đe phi hạt nhân” trong kế hoạch chiến thắng của ông. Các nguồn tin của New York Times cũng mô tả yêu cầu của Kiev là “hoàn toàn không khả thi”. Tên lửa Tomahawk có tầm bắn lên tới 2.400km, hoàn toàn có khả năng tấn công các mục tiêu xa tới tận dãy núi Ural của Nga.
Nga tiết lộ "chìa khóa hòa bình" nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine: Ngày 30/10, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố sẽ không có cuộc đàm phán nào có thể diễn ra trừ khi Ukraine từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO và rút quân khỏi các vùng lãnh thổ Nga đang kiểm soát.
“Các điều kiện cơ bản cho các cuộc đàm phán nằm trong sáng kiến hòa bình của tổng thống”, ông Peskov phát biểu trước báo giới ngày 30/10, nhắc lại các điều khoản mà ông Putin đã đưa ra vào đầu năm nay, bao gồm việc rút toàn bộ quân đội Ukraine khỏi lãnh thổ Nga cũng như toàn bộ ranh giới hành chính của khu vực Kherson và Zaporozhye.
Hàn Quốc xem xét gửi lực lượng tới Ukraine để theo dõi quân Triều Tiên: Một quan chức thuộc Phủ tổng thống Hàn Quốc thông báo vào hôm 30/10 rằng Hàn Quốc đang xem xét gửi một đội giám sát viên quân sự sang Ukraine để theo dõi và phân tích khả năng Nga triển khai quân Triều Tiên tại tiền tuyến trong xung đột Nga - Ukraine.
Vị quan chức Hàn Quốc giấu tên nói trên tiết lộ với các phóng viên rằng ít nhất 11.000 quân Triều Tiên đã được gửi tới Nga và hơn 3.000 trong số đó đã di chuyển tới sát mặt trận.
Phương Tây phớt lờ kế hoạch hòa bình, Ukraine sẽ phải nhượng lãnh thổ?: Trong bối cảnh phương Tây không mặn mà lắm với kế hoạch hòa bình mà Tổng thống Zelensky đưa ra, cùng việc khó đoán định kết quả bầu cử Mỹ, cánh cửa cơ hội đối với Ukraine đang thu hẹp dần.
Hiện Tổng thống Zelensky đang cố gắng cân bằng giữa áp lực chính trị trong nước và sự thay đổi ở bên ngoài, khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hầu hết người dân Ukraine không ủng hộ từ bỏ lãnh thổ. Mối đe dọa về một cuộc xung đột lan rộng ở Trung Đông đã khiến Mỹ và châu Âu giảm bớt sự chú ý đối với tình hình tại Ukraine. Phát biểu với Financial Times, Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan cho biết: “Phương Tây đang mệt mỏi với cuộc chiến tại Ukraine và điều này ngày càng gia tăng”.
Lý do Mỹ cung cấp hàng nghìn xe bọc thép Humvee loại biên cho Ukraine: Trong gói viện trợ quân sự mới dành cho Ukraine, Mỹ dự định cung cấp khoảng 2.000 xe bọc thép quân sự đa năng có tính cơ động cao Humvee. Theo giới phân tích, việc chuyển giao những phương tiện này với số lượng lớn có thể mang lại lợi thế bất ngờ cho Ukraine.
Không chỉ là phương tiện thay thế, xe Humvee còn phù hợp với chiến lược phòng thủ hiện tại của Ukraine. Các tuyến phòng thủ của Ukraine kết nối một số thị trấn và thành phố chủ chốt, trong đó có thành phố Kharkov, Chasiv Yar và Svatove. Trong môi trường đô thị, xe tăng và pháo binh thường hoạt động kém hiệu quả, buộc quân đội phải tham gia vào cuộc chiến đấu bằng cách sử dụng máy bay không người lái.