Điện ảnh thị trường và nỗ lực cất cánh: Kì 2 Những bước chuyển của điện ảnh thị trường

Cập nhật: 10/10/2022

(VOV5) -Điện ảnh thị trường đã bước đầu đến với những thị trường rộng lớn hơn, trong khu vực và trên thế giới.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Hải Yến:

Không thể phủ nhận sự kì công, “chịu chơi” của các nhà sản xuất cho nội dung kịch bản và kĩ thuật dàn dựng dành cho phim chiếu rạp trong những năm gần đây. Vì thế, đã có nhiều lời khen dành cho những sản phẩm điện ảnh thị trường khi chất lượng ngày càng tốt hơn, nắm bắt được nhu cầu của khán giả cũng như bước đầu tiệm cận xu hướng làm phim của thế giới.

Điện ảnh thị trường đang có những bước chuyển mình, không chỉ mang về doanh thu chủ đạo cho nền điện ảnh nước nhà mà còn bước đầu đến với những thị trường rộng lớn hơn, trong khu vực và trên thế giới.

Điện ảnh thị trường và nỗ lực cất cánh:  Kì 2 Những bước chuyển của điện ảnh thị trường - ảnh 1Thắng lớn ở trong nước, bộ phim Bố già của Trấn Thành đã ra mắt khán giả một số bang tại Mỹ. - Ảnh: Đoàn làm phim.

Khán giả của phim thị trường chủ yếu ở các thành phố lớn- nơi tập trung các trung tâm chiếu phim, rạp chiếu lớn, trong đó đông đảo hơn cả là khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ với hơn 70% doanh thu rạp. Về mặt nội dung, phim dành cho khán giả cũng không thể là một bộ phim rẻ tiền hay chỉ đơn thuần là hài “bựa”.

Trong những năm gần đây khán giả chuộng dòng phim hành động, siêu anh hùng, viễn tưởng, phim kinh dị, phim tâm lý…Vì thế, các nhà làm phim thường có 3 hướng phát triển nội dung phim thị trường: Nắm bắt xu hướng của thế giới qua các tác phẩm điện ảnh và chỉ khoảng 3- 6 tháng sau, thị trường phim trong nước cũng phải có những bộ phim theo kịp xu hướng ấy. Thứ hai là tìm điểm thiếu hụt của thị trường, tìm hiểu khán giả đang “chán món ăn nào nhất?” và “bù đắp” lỗ hổng đó. Xu hướng thứ ba là làm phim “ăn theo tính thời sự”, đề cập những vấn đề của xã hội đang được dư luận chú ý hoặc làm lại những bộ phim đã có thương hiệu.

Nhà sản xuất Nguyễn Cao Tùng cho rằng: các nhà làm phim luôn cố gắng tìm hiểu xu hướng và tiến gần hơn với thẩm mỹ của đại chúng trong những tác phẩm điện ảnh: "Chúng tôi cố gắng làm phim bán vé được và cũng hướng mọi người mỗi ngày càng cao hơn về trình độ cảm nhận. Ví dụ chúng tôi cố gắng trong 3 bài nhạc của phim, trong đó sẽ có 1 bài mới, tạo xu hướng của khán giả. Năm nay ở Hollywood đang kể chuyện theo kiểu này, chúng tôi cũng cố gắng sử dụng những cú máy, kĩ thuật kể, tông màu sắc, thiết kế… tiệm cận xu hướng thế giới. Tất nhiên có thể 70-80% trong điều kiện ngân sách sản xuất và thời gian quay, chúng tôi vẫn phải theo khán giả đại chúng."

Tuy vậy, cao hơn hết về mặt nội dung của một tác phẩm điện ảnh là tính văn hóa. Ngô Thanh Vân là nhà sản xuất của những bộ phim khai thác giá trị văn hóa truyền thống, với kế hoạch xây dựng “vũ trụ cổ tích Việt Nam”, bắt đầu với những bộ phim “Tấm Cám chuyện chưa kể”, “Cô Ba Sài Gòn”, “Trạng Tý phiêu lưu ký”, “Về quê ăn Tết”… Bên cạnh đó là bộ đôi nhà sản xuất- đạo diễn Hoàng Quân và Trần Hữu Tấn với tác phẩm Bắc kim thang và những tác phẩm điện ảnh kinh dị chuẩn bị ra mắt mang đậm dấu ấn văn hóa vùng miền.
Điện ảnh thị trường và nỗ lực cất cánh:  Kì 2 Những bước chuyển của điện ảnh thị trường - ảnh 2Một cảnh trong phim Bắc kim thang - Ảnh:Báo Người lao động
Nhà sản xuất Hoàng Quân từng chia sẻ anh luôn mong muốn làm nên những bộ phim để sau khi xem xong, khán giả luôn nhìn thấy dấu ấn văn hóa Việt: "Tôi rất đam mê những chất liệu dân gian. Tôi gọi đó là ADN nghệ thuật của người Việt. Nhìn vào chất liệu mình sẽ nhìn thấy sự gần gũi. Khán giả nước ngoài khi nhìn vào sẽ thấy được sự đặc biệt của nó. Nó không phải là tác phẩm lai căng mà là câu chuyện đậm chất Việt."

Phim không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt khi đến với đông đảo công chúng. Vì thế muốn phim đến với đông đảo khán giả, ekip sản xuất cũng phải tìm cách đề “bán” một sản phẩm văn hóa, bởi đã không còn chuyện “hữu xạ tự nhiên hương”. Ngay từ đầu nhà sản xuất đã phải xác định đối tượng khán giả của phim, phát hành trên kênh nào, từ đó có những cài cắm thông điệp, nội dung sao cho phù hợp.

Nói như nhà sản xuất Nguyễn Cao Tùng thì phải có một kế hoạch marketing và tìm được “điểm rơi” về truyền thông trong những ngày phát hành: "Điểm rơi” về truyền thông, tiền bạc, chi phí làm sao cho truyền thông đạt hiệu quả cao nhất đặc biệt trong tuần đầu phát hành phim. Sau đó cần có những hoạt động duy trì như truyền miệng, những hoạt động để giữ nhịp phim cho khán giả. Đó là những hoạt động chiếm hơn 50% thành công của bộ phim.

Đứng ở góc độ kinh doanh, một bộ phim thắng về doanh thu có thể coi là thành công, có thể tái đầu tư cho dự án tiếp theo. Tuy nhiên giữa doanh thu và chất lượng không phải là 1+1=2. Một bộ phim hay không có nghĩa là sẽ mang về doanh thu tốt và một bộ phim dở lại thất bại về doanh thu.

Theo nhà báo Nguyễn Phong Việt: Xét về góc độ thị trường sẽ có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu phim: dư luận của khán giả, cách nhà làm phim tạo ra chiến dịch truyền thông tốt để tạo sự chú ý, cộng thêm yếu tố may mắn về thời điểm ra rạp khi ít bị cạnh tranh bởi những bom tấn nước ngoài… Đây là một thực tế mà các nhà làm phim luôn phải đối diện.

"Rất hiếm khi chúng ta có một bộ phim hay thắng về doanh thu. Nghịch lý đó chúng ta cần giải quyết trong tương lai: nếu một bộ phim dở thắng về doanh thu thì chắc chắn có lý do để thắng. Nhưng một bộ phim hay không thắng về doanh thu thì đó là bài toán các nhà sản xuất và phát hành phải giải quyết. Vì bản chất khán giả khi bỏ tiền ra mua vé xem phim, họ mong đợi có một khoảng thời gian ý nghĩa, có giá trị. Câu chuyện khi anh làm bộ phim hay mà thua thì anh phải giải quyết vấn đề đó, không đổ lỗi cho khán giả." - Ông Việt nói.

Do vậy, theo nhà sản xuất Hoàng Quân thì không thể làm phim với tư duy “ăn xổi ở thì” mà phải có tầm nhìn xa hơn với điện ảnh. Cụ thể trong thời gian gần đây, một số nhà làm phim đưa tác phẩm điện ảnh của mình tiếp cận cùng lúc với thị trường trong nước và ở nước ngoài.

“Bố già”của Trấn Thành ra mắt ở một số bang của Mỹ, “Bắc Kim Thang”, “Chuyện ma gần nhà” của đạo diễn Trần Hữu Tấn được chiếu ở Đài Loan (Trung Quốc), phim “Mười” phần 2 của đạo diễn Hằng Trịnh sau khi chiếu trong nước vào cuối tháng 9 sẽ đến với các 14 nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó có các thị trường lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan vào cuối năm nay…

"Nói về câu chuyện của điện ảnh phải là câu chuyện đường dài, không phải là một dự án, hai dự án rồi mình dừng lại mà là câu chuyện 5 năm, 10 năm nếu như bạn thực sự đam mê điện ảnh, là công việc dài hạn. Mình phải xem đó là một công việc liên tục để học hỏi và không ngừng cố gắng. Mình hãy nhìn ra thị trường khác để thấy được rằng thị trường điện ảnh Việt vẫn còn nhiều đất diễn. Khán giả của mình vẫn còn rất nhiều người chưa được làm quen với trải nghiệm tại rạp." - Ông Hoàng Quân khẳng định.

Tầm nhìn xa hơn với điện ảnh hay thương hiệu điện ảnh nước nhà vẫn luôn là câu hỏi, là đích đến và cũng là những trăn trở, ước mơ của những người yêu điện ảnh. “Nghĩ về thương hiệu điện ảnh Việt” cũng là nhan đề kì cuối loạt phóng sự “Điện ảnh thị trường và nỗ lực cất cánh” mà chúng tôi sẽ đề cập trong tạp chí văn nghệ thứ bảy tuần tiếp theo.

Từ khóa:

Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập