Điểm tựa vững chắc để nông dân Đắk Lắk làm giàu
Cập nhật: 2 giờ trước
VOV.VN - Việc giải ngân nguồn vốn đúng đối tượng và đúng thời điểm của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Bắc Đắk Lắk đã tạo điều kiện cho nông dân mua vật tư, phân bón sản xuất kịp thời vụ. Điều này góp phần chặn đứng nạn tín dụng đen đã có lúc hoàn hành ở các vùng nông thôn, đẩy nhiều gia đình lâm tình trạng nợ nần điêu đứng.
Ông Nguyễn Ngọc Phúc, ở xã Quảng Phú, huyện Cư Mga, tỉnh Đắk Lắk đưa chúng tôi thăm vườn sầu riêng rộng 1,5 hecta của gia đình. Những cây sầu riêng đang ở vào năm tuổi thứ 7, tràn trề sức sống. Cây nào trái cũng trĩu cành, dự kiến vụ này thu gần 20 tấn quả. Ông Phúc kể, trước kia khu đất này trồng hồ tiêu, 6 năm dày công chăm sóc, mới thu hoạch được đôi vụ thì tiêu bị bệnh, chết trụi cả vườn. Công sức, tiền của mất trắng. Năm 2017, ông Phúc vay ngân hàng Agribank 200 triệu đồng để đầu tư trồng sầu riêng. Nhờ nguồn vốn này mà gia đình nay đã có vườn sầu riêng mỗi năm thu trên 1 tỷ đồng.
Ông Phúc cho biết, hiện tại đang vay ngân hàng Agribank 1,5 tỷ đồng. Số tiền này đầu tư vào xây dựng kho bãi, máy móc, thiết bị phục vụ việc thu hoạch, đóng gói sầu riêng cho bà con trong xã. Nguồn vốn này đến kịp thời vụ nên phát huy tốt hiệu quả: “Cây rầu riêng một năm thu một lần. Chờ đến khi đó thì mình không đủ số vốn. Nhờ bên hệ thống Agribank hỗ trợ nên nhiều bà con nông dân mới có được như ngày hôm nay”.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cà phê Đ’Rao ở huyện CưMgar, Đắk Lắk (thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) cho biết, công ty có 489ha cà phê, chủ yếu trồng từ những năm 80 của thế kỷ trước, đã già cỗi hết chu kỳ khai thác. Năm 2014 công ty bắt đầu thực hiện tái canh vườn cà phê. Tái canh cà phê là điều không đơn giản, phải qua khâu cải tạo, xử lý đất từ 3 đến 4 năm, khi ấy mới trồng cà phê trở lại. Được Agribank cho vay số vốn ưu đãi lên đến 38 tỷ đồng với lãi suất thấp, thời gian kéo dài đến 7 năm. Nhờ đó, công ty đã hoàn thành việc tái canh trên 330ha. Tất cả diện tích cà phê tái canh đều đảm bảo năng suất, chất lượng vượt trội.
Ông Nguyễn Hữu Thọ khẳng định, công ty là đơn vị thành công nhất trong việc tái canh cà phê trên địa bàn Đắk Lắk cũng như ở các tỉnh Tây Nguyên: “Công ty đã cơ bản hoàn thành chương trình tái canh cà phê do tổng công ty giao. Nếu mà không có nguồn vốn tái canh, hoặc là các nguồn vốn thu mua, chi phí chăm sóc vườn cà phê của Agribank thì chúng tôi không đủ nguồn vốn tự có để đầu tư 500 hecta, đặc biệt là diện tích tái canh 330 hecta. Nếu mà không có nguồn vốn vay của Agribank thì đơn vị sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ”.
Công ty Cà phê Đrao có 500 công nhân lao động, trong đó 62% là người dân tộc Ê Đê. Anh Y Neng, xã Cư Dliê M'nông cho biết, ngoài diện tích cà phê của gia đình, anh nhận giao khoán chăm sóc 8 sào cà phê tái canh của Công ty Cà phê Đrao. Năm 2023, bình quân tiền lương hàng tháng của Y Neng đạt 7,5 triệu đồng. Đó là chưa kể số tiền 45 triệu đồng, anh được công ty thanh toán do vườn cà phê của mình vượt sản lượng giao khoán.
“Làm công nhân nhận khoán cho công ty cà phê nhà nước nhưng tôi cũng có vườn cà phê của gia đình. Riêng lô cà phê nhận khoán, nếu vượt sản lượng thì mình được hưởng. Ai cũng chăm sóc cho vườn cà phê đẹp, sản lượng cao thì thu nhập càng nhiều”, anh Y Neng cho biết.
Ông Y Blưn Mlô, Phó Chủ tịch UBND xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk cho biết, hiện tại, xã đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đang hoàn thành hồ sơ để UBND tỉnh công nhận là xã nông thôn mới. Là xã vùng sâu, vùng xa, có đông người dân tộc thiểu số nhưng Pơng Đrang đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới là sự nỗ lực của mỗi một người dân và quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị. Trong đó có sự đóng góp của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
“Nhờ có chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, người dân được vay vốn ngân hàng nông nghiệp với lãi xuất thấp không như các ngân hàng khác. Bây giờ, người dân biết ngân hàng Nông nghiệp cho vay cân đối, người dân rất vui vì được vay vốn dễ dàng, không bị gây khó dễ. Bà con chúng tôi có cuộc sống ổn định, phát triển như hiện nay là nhờ có nguồn vốn của Agribank”, ông Y Blưn Mlô nói.
Ông Phạm Xuân Cam, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Bắc Đắk Lắk cho biết, tính đến cuối tháng 7 năm 2024, tổng dư nợ của Agribank chi nhánh Bắc Đắk Lắk đã lên đến 13 nghìn tỷ đồng. Trong đó, gần 9.500 tỷ đồng, chiếm 73% dành cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, với 160.000 khách hàng. Đội ngũ cán bộ tín dụng thường xuyên bám sát cơ sở, gắn bó với bà con vùng sâu vùng xa để hỗ trợ họ tiếp cận nguồn vốn kịp thời vụ.
“Điều đặc biệt hiện nay là đã hạn chế tối đa nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Trên cơ sở đó, ổn định đời sống của bà con ở vùng sâu vùng xa. Bà con mình dân trí chưa đồng đều nên mỗi khi đến mùa vụ, chúng tôi phải tập trung cán bộ nhân viên cầm tay chỉ việc cho bà con”, ông Phạm Xuân Cam cho hay.
Chỉ riêng địa bàn huyện Cư Mgar của tỉnh Đắk Lắk, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã có 3.620 khách hàng chủ yếu là nông dân vay 1.660 tỷ đồng đầu tư phát triển nông nghiệp. Đây là nguồn lực quan trọng để nông dân đầu tư chăm sóc vườn cà phê, sầu riêng và các loại cây trồng khác kịp thời vụ.
“Agribank đã có rất nhiều gói hỗ trợ bà con từ sản xuất đến kinh doanh. Đồng thời cũng chia sẻ những khó khăn đối với người nông dân. Đặc biệt là các chương trình giảm lãi suất cho khách hàng. Agribank cũng đã cử cán bộ xuống đến tận các thôn buôn để tuyên truyên, giới thiệu các sản phẩm của mình để bà con lựa chọn những sản phẩm phú hợp trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đây là một nguồn lực tài chính vô cùng lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện nhà”, ông Nguyễn Công Văn, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Cư Mga đánh giá.
Từ khóa: nông dân, nông dân, nông dân Đắk Lắk, nông dân Đlàm giàu, vay vốn tín dụng
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: lê lãm/vov-tây nguyên
Nguồn tin: VOVVN