Điểm thi trực tuyến không “vượt trội” so với thi trực tiếp

Cập nhật: 04/09/2021

[VOV2] - "Kết quả thi thử trực tuyến hoàn toàn không như chúng ta tưởng tượng là điểm sẽ cao. Thực tế điểm thi không vượt trội và không bất thường so với điểm thi trực tiếp”, bà Nguyễn Thị Huệ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Chu Văn An (Hà Nội) cho biết.

Căng thẳng, vật vã cùng con thi trực tuyến

Gần một tuần nay, gia đình chị Hoàng Thu Thùy (Hoàng Mai, Hà Nội) dồn sức hỗ trợ con ôn tập chuẩn bị thi học kỳ 2 bằng hình thức trực tuyến.

Mặc dù đã làm quen với hình thức dạy học trực tuyến cả năm nay nhưng chị Thùy không nghĩ việc chuẩn bị cho con thi online lại phức tạp đến vậy.

Đầu tiên, gia đình phải có tối thiểu một máy tính và một chiếc điện thoại thông minh có trang bị camera để giám sát quá trình làm bài của con. Ngoài ra, cũng cần dự phòng một chiếc điện thoại khác để phòng trường hợp mạng hay máy tính bị treo, phụ huynh sẽ vào ứng dụng Zalo để nhận đề cho con làm tiếp.

“Những ngày ôn thi căng thẳng, vật vã. Vì các con ở độ tuổi lớp 1 nên rất mất tập trung. Có khi không để ý nhận bài thi mà chỉ nhìn vào camera nhìn cô, nhìn bạn để chào hỏi nhau. Cô giáo chuẩn bị gửi đề thì con lại đòi đi vệ sinh. Bố mẹ rất là căng thẳng chỉ mong muốn con thi thật nhanh”, chị Thùy chia sẻ.

Điều may mắn là thời gian này Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nên những phụ huynh như chị Thùy được công ty khuyến khích làm việc tại nhà nên có thời gian hỗ trợ con. Tuy nhiên, chị Thùy thừa nhận, có lúc muốn nổi đóa vì sự thiếu tập trung của con khi làm bài.

“Bố mẹ không nhắc được bài cho con đâu vì ngoài camera máy tính còn một camera điện thoại quay toàn cảnh con thi. Nhưng bố mẹ phải liên tục ra ký hiệu nhắc con làm bài đi. Đặc biệt phải giúp con về máy móc, kỹ thuật. Ví dụ, khi con làm bài xong thì phải chụp lại bài làm gửi ngay cho cô. Gửi muộn quá 5 phút sẽ không được tính. Chụp ảnh phải nét để cô scan rồi in ra chấm bằng tay. Nói chung suốt quá trình thi bố mẹ phải vận động tay chân, cơ mặt rất nhiều”, chị Thùy hài hước cho biết.

Trong khi đó, chị Phạm Hoài An (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trong những ngày ôn tập để chuẩn bị thi trực tuyến, gia đình chị phải đăng ký gói cưới Internet tốc độ cao để tránh mạng bị chậm, treo đột ngột ảnh hưởng đến quá trình làm bài của con.

Chị An cũng đau đầu khi cùng con ôn tập vì với lứa tuổi lớp 2 như con của chị, khả năng tập trung rất thấp nên lúc nào bố mẹ cũng phải ngồi kè kè bên cạnh để nhắc con làm bài cho đúng tiến độ.

“Nhiều phụ huynh xót ruột vì con không chịu làm bài, cứ ngồi ì ra đấy nên một số câu khó bố mẹ cũng phải gợi ý cho con. Tuy nhiên, lúc thi thật thì chắc chắn phụ huynh không thể nhắc bài được vì có 2 camera theo dõi và học sinh bắt buộc phải bật mic suốt quá trình làm bài”, chị Hoài An chia sẻ.

Mặc dù thi trực tuyến vất cả cho cả cô, trò và phụ huynh nhưng chị An cũng cho rằng, đây là giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch COVID-19 và mong con thi thật nhanh để tổng kết năm học chuẩn bị cho năm học mới.

Kết quả thi trực tuyến không “vượt trội” so với thi trực tiếp

Một giáo viên tiểu học ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) khi trao đổi với phóng viên VOV2 thừa nhận, việc chuẩn bị thi trực tuyến vất vả hơn rất nhiều so với thi trực tiếp. Đối với học sinh lớp 1, lớp 2, giáo viên phải liên tục nhắc nhở để học sinh tập trung làm bài.

Cô giáo này cho biết, mặc dù có 2 thiết bị máy tính, điện thoại để quay lại hình ảnh học sinh làm bài nhưng giáo viên cũng không thể quan sát được hết để đảm bảo sự công bằng được. “Ví dụ trong quá trình làm bài, giáo viên yêu cầu học sinh bật mic lên để nghe được xem học sinh có thực sự làm một mình hay không hay có sự giúp đỡ, tác động của phụ huynh. Nhưng bật mic lên thì lại rất ầm vì không phải gia đình nào cũng có phòng học riêng cho con.”

Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, các trường học phải hoàn thành xong việc tổ chức kiểm tra, đánh giá học kỳ 2 năm học 2020-2021 trước ngày 10/08. Để đảm bảo quy định này, Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Tây Hồ, Hà Nội đang cấp tốc ôn tập và tổ chức cho học sinh thi thử. Kết quả thi thử theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Huệ, Hiệu trưởng nhà trường, điểm thi không vượt trội hơn so với kết quả thi trực tiếp.

“Thi theo hình thức trực tuyến này phụ thuộc rất nhiều và sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh và sự tổ chức kiểm tra định kỳ một cách khoa học, bài bản. Và kết quả thi thử của chúng tôi hoàn toàn không như chúng ta tưởng tượng là điểm sẽ cao. Thực tế kết quả thi không bị vượt trội và không bị bất thường so với thi trực tiếp”, bà Nguyễn Thị Huệ cho biết.

Trường tiểu học Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) tổ chức thi trực tuyến bằng phần mền Microsoft Team và Google Form. Phạm vi kiểm tra đánh giá cũng được rút gọn. Không kiểm tra vào những mảng kiến thức đã được tin giản theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Trong khi đó, trường tiểu học Xuân Phương (quận Từ Liêm, Hà Nội) đã hoàn thành xong việc kiểm tra học sinh bằng hình thức trực tuyến từ ngày 02/08. Bà Lê Thị Tuyết Lan - Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Phương cho biết, ngay trong tuần này, nhà trường sẽ hoàn thành xong việc chấm thi và xếp loại, đánh giá học sinh cuối năm học.

Dù việc kiểm tra trực tuyến có khó khăn đối với học sinh lớp 1, lớp 2 nhưng bà Lan khẳng định về cơ bản kết quả thi trực tuyến không có sự khác biệt nhiều so với thi trực tiếp.

“Lúc đầu cả giáo viên, phụ huynh cũng băn khoăn là liệu có tình trạng nhắc bài cho con hay không. Nhưng suốt quá trình thi, cả học sinh, phụ huynh rất ý thức, đảm bảo sự trung thực. Phụ huynh ý thức được kiến thức của các con có trong đầu quan trọng hơn điểm số bài thi. Nên kết quả theo đánh giá của tôi không vượt trội so với thi trực tiếp. Nếu năm nay số thí sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi có tăng là do khi ra đề, nhà trường có giảm những câu hỏi khó xuống một chút chứ không phải là quá trình thi không nghiêm túc.”- Bà Lê Thị Lan chia sẻ.

Từ khóa: thi trực tuyến, thi học kỳ 2, tổng kết năm học, năm học 2020-2021, Hà Nội, dịch Covid-19

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập