Điểm nguy cơ sạt lở tại TP HCM tăng mạnh, cư dân lo lắng
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - TP HCM hiện có 48 vị trí có nguy cơ sạt lở nằm chủ yếu ở địa bàn các quận huyện như: Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh, Thủ Đức, Bình Thạnh…
Trước tình hình mùa mưa bão đang đến và sạt lở đang diễn biến phức tạp, TP HCM đang triển khai nhiều giải pháp để gia cố.
Đi dọc theo bờ sông Sài Gòn ở phường 27, quận Bình Thạnh, nhiều đoạn bờ sông đã được gia cố bằng đê bao kiên cố, tạo cảnh quan cho người dân, trẻ em vui chơi và đặc biệt là đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, hiện khu vực trên vẫn còn một số đoạn bờ sông chưa được thi công, nguy cơ sạt lở vẫn còn hiện hữu. Thời gian qua, chính quyền đã phải tổ chức cưỡng chế một số căn nhà ở trong vùng nguy hiểm.
Một ngôi nhà phải dời đi vì nguy cơ sạt lở. |
Bà Lê Thị Lan ngụ ở sát ngay bờ kè đã cũ kỹ, gần với một số căn nhà vừa bị đập cho biết, bà lo lắng trước tình trạng sạt lở nên rất mong muốn khu vực trên sớm có bờ kè vững chãi để an tâm sinh sống: “Mong an toàn để người dân và mấy đứa con nít ra đây chơi cho an toàn. Nhiều khi con nít ra đây chơi cô phải đuổi về. Giờ mùa mưa rồi nên ý kiến là có gì làm thì làm nhanh, cái nào hay cái đó”.
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý đường thủy - Sở GT-VT TP HCM, tính đến 25/5/2019, qua kiểm tra rà soát hiện trạng và đánh giá, số vị trí nguy cơ sạt lở đã tăng từ 37 vị trí lên 48 vị trí, trong đó, có đến 22 điểm đặc biệt nguy hiểm. Riêng hai huyện ngoại thành là Cần Giờ và Nhà Bè chiếm đến gần 50% số vị trí sát lở. Trong 37 điểm sạt lở năm 2018, có 36 điểm nằm trên tuyến đường thủy nội địa do Trung tâm quản lý đã được cấp thẩm quyền quyết định chủ trương xây dựng công trình kè bảo vệ (đã thi công cơ bản hoàn thành 8 vị trí, 11 vị trí đang tổ chức thi công ngoài hiện trường, 16 vị trí đang tiến hành các thủ tục đầu tư theo quy định). Trong bối cảnh mùa mưa bão đang đến gần, Trung tâm cũng kiến nghị Sở GTVT đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án chống sạt lở để nâng cao hiệu quả.
Ông Phan Công Bằng, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông thủy cho biết: “Hai năm trở lại đây chúng tôi làm bài bản hơn tức là có số liệu khoa học cụ thể, đo đạc diễn biến lòng dẫn của từng đoạn sông để kiểm soát sạt lở chặt chẽ hơn. Các điểm sạt lở đã có dự án, có những điểm cũng triển khai các giải pháp tạm thời như di dời người dân, lấp hố xoáy tạm thời không để sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM, thành phố có đoàn liên ngành 191 gồm: Công an TP, Thanh tra Sở GT-VT và chính quyền các địa phương trực tiếp đi kiểm tra hiện trường hàng quý nhằm có những chỉ đạo kịp thời.
Tháo dỡ các căn nhà ở vị trí nguy cơ sạt lở cao |
Vào mùa mưa bão, việc đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân ở các điểm có nguy cơ sạt lở được chú trọng hơn để tránh những sự cố đáng tiếc: “Kiểm tra tất cả, nhất là mùa mưa bão càng phải lưu ý thêm mấy khu vực sạt lở ở địa bàn quận huyện nào, những tuyến sông, tuyến đê nào, những chỗ nào yếu thì phải tăng cường rà soát để để có kế hoạch duy tu các điểm đó”.
Trước những diễn biến thất thường của thời tiết, nhất là tình hình sạt lở đang rất báo động như ở Đồng bằng Sông Cửu Long thì TP HCM không thể chủ quan./. Khắc phục nhanh các điểm sạt lở đảm bảo cuộc sống người dân Hậu Giang
Từ khóa: điểm nguy cơ sạt lở, TP HCM sạt lở tăng mạnh, cư dân lo lắng
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN