Dịch giả - những ngả rẽ bất ngờ
Cập nhật: 14/05/2022
[VOV2] - Trong gần 60 NXB và hàng trăm công ty sách, nhiều công ty, NXB có số lượng sách dịch chiếm hơn 50%, thậm chí có đơn vị con số này tới 80%. Qua đó, chúng ta có thể thấy vai trò của đội ngũ dịch giả trong việc chuyển ngữ sang tiếng Việt.
Chuyện từ những dịch giả rẽ ngang
Vy An, một dịch giả trẻ với hơn mười đầu sách dịch đã in như “Hiến tặng”, “Găng tay đồng”, “Bản kháng cáo cuối cùng”… bước vào công việc dịch tác phẩm văn học nước ngoài từ một sở thích cá nhân. Học tiếng Anh chuyên ngành kĩ thuật, nhưng vì đam mê đọc tiểu thuyết, đặc biệt dòng giả tưởng, An đã đọc và tự dịch từng đoạn ngắn mà bản thân cảm thấy hấp dẫn, cuốn hút rồi đưa lên nhóm facebook có cùng sở thích. Sự khích lệ, động viên từ những độc giả đặc biệt này khuyến khích An tiếp tục công việc bằng sự hứng thú, say mê mang tới những đoạn dịch mới chau chuốt hơn, nhiều xúc cảm hơn. Và rồi, những đơn vị làm sách đã liên hệ để sử dụng những bản dịch này để rồi nữ dịch giả trẻ từng bước rẽ sang lĩnh vực dịch thuật văn chương lúc nào không hay.
Dịch sách như một thú vui chuyển sang một công việc nghiêm túc đòi hỏi thời gian, công sức đầu tư nhiều hơn. Đồng thời theo Vy An, việc đối sánh từ ngữ so với bản gốc để tìm ra cụm dịch tương đương, chuyển tải nguyên bản cảm xúc tác phẩm, diễn biến tâm lí nhân vật đòi hỏi sự chuẩn xác hơn, khắt khe hơn nhiều. Nhưng càng làm, theo nữ dịch giả này công việc sẽ càng cuốn hút hơn. Thời gian dịch đến khi một cuốn sách xuất bản có khi phải tính bằng năm nhưng luôn chứa đựng những cảm xúc đặc biệt.
“Làm công việc dịch trước hết là làm cho mình. Những diễn biến trong tâm lý, nội tâm nhân vật nhiều khi mình đọc và cảm nhận rất rõ qua lớp vỏ ngôn từ mà tác giả sử dụng. Những đoạn tả cảnh dù khó bao nhiêu cũng có thể tìm cách dịch ra nhưng để chuyển tải được những thứ thuộc về cảm xúc mơ hồ và khó nắm bắt thì thực sự là thách thức.”, dịch giả Vy an chia sẻ.
Dịch giả Lê Đình Chi khá nổi tiếng trong giới dịch thuật trẻ. Cuốn “Naponeon đại đế” góp phần khẳng định nghề nghiệp của anh. Dù làm công việc dịch sách chuyên nghiệp, nhưng để chuyển tải sang tiếng Việt cuốn sách đồ sộ về tư liệu lịch sử, đa dạng về văn phong và lại đòi hỏi sự chính xác cao thì ngoài việc rèn luyện kĩ năng dịch từ những tác phẩm nhỏ trước đó hoặc tác phẩm có liên quan đến nhân vật, dịch giả Đình Chi phải có những mẹo nghề riêng.
Ở những cuốn sách trước, hầu như không bao giờ anh nhắc tới bản dịch cho đến khi hoàn thành. Nhưng đến cuốn này, mỗi lần bước vào một cột mốc thú vị, dịch giả Lê Đình Chi lại đưa lên mạng một đoạn như một cách tự động viên bản thân. Lượt đầu dịch cuốn sách mất 7 tháng rồi phối hợp với biên tập, hiệu đính thêm 11 tháng nữa, “Naponeon đại đế” mới trở thành bản in ra mắt độc giả.
Và để làm một dịch giả, ngoài đam mê ngôn ngữ, văn chương, tri thức văn hóa, lịch sử, khả năng ngoại ngữ thì dịch giả Đình Chi cho rằng đôi khi phải biết tự thách thức bản thân cũng như có chiến lược cho suốt quá trình dịch những tác phẩm đồ sộ.
Khác hẳn dịch giả Hà Vy, Đình Chi, dịch giả Nguyễn Hương Huế “rẽ” vào lĩnh vực dịch thuật như cách bộc lộ cảm xúc của mình khi đọc tác phẩm nguyên bản tiếng Pháp. Dịch và đưa tác phẩm “Hạnh phúc trong 5 lá thư của mẹ” in bằng tiếng Việt đến độc giả theo chị như một cách chuyển tải những rung động, những cảm nhận tương đồng của phụ nữ ở vai trò làm mẹ.
Không cùng xuất phát điểm đến với công việc của một dịch giả nhưng Hà Vy, Đình Chi, Nguyễn Hương Huế và tất cả những dịch giả khác đều có xuất phát từ đam mê đọc sách, mong muốn chuyển tải cảm xúc tác phẩm từ nguyên bản tới độc giả chân thực nhất. Dịch giả bởi lẽ đó có thể coi như một nghề, một công việc gắn bó theo một cách tình cờ khó ngờ.
Biên dịch là một trong những ngành nghề "hot" hiện nay với các phần việc cụ thể như dịch sách, báo, tài liệu chuyên ngành, hồ sơ giấy tờ, dịch phụ đề phim, chương trình truyền hình hay các nội dung khác. Công việc biên dịch cũng cho phép người lao động làm tự do với nhiều cơ hội kiếm thêm thu nhập.
Từ thực tế cho thấy, bên cạnh lực lượng được đào tạo từ các trường ngoại ngữ trên cả nước như trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại thương Hà Nội, Đại học Hà Nội, Học viện Ngoại giao… thì còn một lực lượng lớn các bạn trẻ có năng lực ngoại ngữ tốt muốn thử sức với dịch thuật. Đội ngũ dịch giả trẻ xuất hiện và khẳng định khả năng trong giới biên dịch ngày càng nhiều hơn trước.
Dịch sách đừng tham tác phẩm đồ sộ
Ở tuổi 85, dịch giả Hoàng Thúy Toàn vẫn ấp ủ dịch và tập hợp in những vần thơ Nga. Sau hơn sáu mươi năm say sưa với việc dịch thuật, nhà văn, dịch giả Hoàng Thúy Toàn đã có gần 60 đầu sách, trong đó có 10 tập thơ của nền văn học Nga- Xô Viết như: Thơ Puskin (1966, tái bản 1986), thơ Lermontop (1978), thơ A.Blok- Exenhin (1982)...
Khi còn trẻ, ông từng sáng tác và có những tác phẩm đăng báo. Nhưng vào năm thứ 2 đại học Sư phạm ở Moscow, trong một ngày đi nghỉ đông cùng cả lớp, nghe một cô giáo người Nga đọc thơ giữa khung cảnh nước Nga mùa đông tuyệt đẹp, anh sinh viên Hoàng Thúy Toàn ngay khi về phòng lao vào dịch chỉ với mong mỏi chuyển tải đúng cảm xúc bắt được từ bài thơ cô giáo đọc sang tiếng Việt. Kết quả, cả bài thơ dài chỉ dịch được hai câu nhưng cũng mở ra một chặng đường mới: Quyết tâm dịch và chuyển tải những tác phẩm văn học Nga tới độc giả Việt Nam. Cuối năm thứ 3 đại học, tập thơ Puskin đã được dịch trọn vẹn từ quyết tâm này.
Thành công và cũng sớm có thương hiệu trong giới dịch giả, nhưng ông luôn nhã nhặn cho rằng đó là kết quả từ đức tính cần cù, chịu khó và tỉ mẩn. Nhắc về nghề, dịch giả Thúy Toàn quan niệm đây là công việc đem cái đẹp cho người khác đọc. Để làm được điều này, người dịch cần cẩn trọng trong tra soát, đối chiếu từ ngữ. Đôi khi một từ, một cụm từ phải tra trong sự đối sánh nhiều loại từ điển, đặt trong ngữ cảnh để hiểu đúng ý tác giả và bản gốc.
“Làm nghề dịch đừng chơi vơi nửa chừng, phải đi đến tận cùng của câu chữ. Thông thạo ngoại ngữ quan trọng nhưng không phải yếu tố quyết định thành công cho một bản dịch, đặc biệt dịch văn chương. Bí mật nằm ở tình yêu, ở sự rung động thấm đẫm trong tâm hồn trước tác phẩm. Bởi lẽ đó, dịch thuật, nhất là dịch thơ như lời nhà thơ Bằng Việt là một công việc nặng nhọc”, dịch giả Hoàng Thúy Toàn chia sẻ.
Một bí quyết thành công của công việc dịch thuật theo vị dịch giả nổi tiếng này ở việc lựa chọn tác phẩm dịch. Có thể đa dạng tác giả, thể loại nhưng nên nằm trong cùng một trường cảm xúc, đam mê của người dịch. Chỉ riêng việc “thách thức” độc giả chiếm lĩnh câu chữ, cảm xúc từ bản gốc đã mở ra cơ hội thành công cho quá trình chuyển ngữ.
Chọn dịch những tác phẩm có dung lượng nhỏ về ngôn ngữ nhưng cô đọng cảm xúc cũng được coi như bí quyết thành công trong nghề dịch thuật, đặc biệt ở mảng thơ. Bản thân dịch giả Hoàng Thúy Toàn cũng đang dành thời gian, tâm sức cho những bài thơ dân gian Nga “be bé, xinh xinh” (Lời dịch giả).
Mời bấm nút nghe nội dung về nghề biên dịch (Chương trình Hành trình nghề nghiệp-VOV2):
Từ khóa: dịch giả, dịch sách, sách văn học, nghề dịch, biên dịch, dịch giả Thúy Toàn, dịch giả Hoàng Thúy Toàn, Thúy Toàn, sách, văn học Nga, nước Nga, VOV2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2