Dịch đau mất đỏ gia tăng và những điều cần lưu ý
Cập nhật: 27/08/2023
Loại quả nhỏ bé nhưng lại “siêu bổ dưỡng”, không khí lạnh tràn về càng nên ăn
Loại quả Việt đi đâu cũng thấy, ăn vào buổi sáng lại bổ dưỡng không ngờ
VOV.VN - Thời gian gần đây, bệnh nhân đau mắt đỏ tại Hà Nội gia tăng mạnh. Chỉ trong 3 tuần đầu tháng 8, Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận hơn 2.500 bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám. Con số này cao gấp đôi so với tháng 6.
BS Hoàng Cương, Bệnh viện mắt Trung ương cho biết, đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) chủ yếu do virus nhóm adeno gây nên. Đáng nói, không có thuốc đặc trị cho virus này, chỉ có điều trị bổ trợ và thực hiện các biện pháp vệ sinh để ngăn lây lan.
Đến nay, người ta không thấy vai trò thực sự của kháng sinh trong điều trị bệnh.
Đáng nói, nhiều người vì khó chịu với màu đỏ vằn vện trong mắt, liền nhỏ thuốc chống viêm corticoid để giúp mắt nhanh hết đỏ.
BS Cương cho biết, các thuốc chống viêm corticoid, thành phần thường có một kháng sinh là: polymyxin, neomycin hoặc chloramphenicol (có tác dụng chống nhiễm khuẩn), và một thành phần là corticoid như dexamethasone (có tác dụng chống viêm rất tốt).
Khi mắt bị đỏ, sưng, phù nề, nhỏ mắt loại thuốc này sẽ nhanh chóng làm giảm đỏ mắt, người bệnh thấy dễ chịu nên rất thích dùng và còn truyền miệng cho nhau.
Thế nhưng, corticoid là con dao hai lưỡi, vì có tính kháng viêm mạnh nên hiệu quả điều trị nhanh, nhưng nếu người bệnh dùng không đúng, lạm dụng thuốc hoặc dùng thuốc kéo dài sẽ gây ra tai biến do thuốc như dị ứng, làm trầm trọng thêm bệnh.
Đau mắt đỏ vốn là bệnh lành tính, thường tự khỏi sau 5-7 ngày, ít biến chứng và di chứng. "Tuy nhiên biến chứng và di chứng vẫn là chuyện có thật, xảy ra hàng ngày, trong đó các ca sẹo giác mạc, viêm giác mạc đốm, khô mắt... vì tùy tiện nhỏ corticoid", BS Cương cảnh báo.
Viêm kết mạc hai mắt là dạng phổ biến nhất của viêm kết mạc do adenovirus gây ra, biểu hiện đột ngột bằng đỏ mắt, ra gỉ mắt nhiều, thường kèm theo đau họng.
Nhất là buổi sáng ngủ dậy, nhiều người ko mở được mắt vì gỉ dính chặt. Lúc này, vệ sinh mắt đúng cách sẽ giúp loại bỏ gỉ và không làm mắt bị nhiễm khuẩn. Hãy vệ sinh mắt theo hướng dẫn dưới đây:
- Rửa trôi bằng nước muối sinh lý
Nhiều người dùng nước muối sinh lý nhỏ 1-2 giọt mỗi bên mắt, điều này không mang lại tác dụng.
Khi dùng nước muối sinh lý rửa trôi sẽ đẩy bớt lượng virus ra ngoài, làm sạch gỉ mắt thì nhỏ thuốc sẽ nhanh khỏi hơn.
Hãy nhỏ nước muối sinh lý vào bông gạc tiệt trùng, rồi nhỏ nước muối vào mắt, dùng bông gạc ẩm lấy hết gỉ mắt. Sau đó lại tiếp tục nhỏ nhiều giọt nước muối.
Khi rửa mắt hãy nghiêng đầu qua một bên, dùng nước muối sinh lý 0,9% nhỏ liên tục 10-15 giọt, chớp mắt để nước trôi ra ngoài theo đuôi mắt và làm như thế với bên mắt còn lại.
Chú ý, nguyên tắc là rửa bên mắt bị đau nhẹ trước, mắt nặng sau. Khi rửa, cần dùng gạc (giấy sạch) hứng nước dưới đuôi mắt, không để nước từ mắt chảy ra dính xuống giường, đệm sẽ dễ lây bệnh cho người khác.
Việc rửa mắt sẽ dễ hơn nếu có người hỗ trợ. Đây là bước quan trọng nhất trong chăm sóc mắt đau mắt đỏ, giảm tiết gỉ, dính mắt do gỉ.
Nếu rửa mắt đúng cách, thường sau ngày thứ 3-4 ngày, mắt sẽ không còn tiết gỉ, đỡ chói nhưng vẫn đỏ, chảy nước mắt.
Đại đa số bệnh nhân chỉ cần thực hiện rửa mắt mỗi ngày thì sau 7-10 ngày là khỏi mà không phải dùng thêm loại thuốc nào. Những trường hợp vệ sinh mắt không đúng cách, bội nhiễm, thời gian điều trị dài hơn, lên đến 2-3 tuần.
Lưu ý, khi nhỏ thuốc không chạm đầu lọ thuốc vào mắt. Mỗi người bệnh dùng lọ riêng, không sử dụng chung.
Nên nghỉ làm, nghỉ học, ngừng lướt máy tính, điện thoại, tivi... nhắm mắt, tập nhìn xa để tránh hiện tượng chói, chảy nước mắt.
Từ khóa: dịch đau mắt, đau mắt đỏ, cách điều trị đau mắt đỏ, đau mắt, cách vệ sinh mắt
Thể loại: Y tế
Tác giả: pv/vov2
Nguồn tin: VOVVN