Dịch cúm tại Nhật Bản và câu chuyện đáng suy ngẫm tại Việt Nam

Cập nhật: 3 giờ trước

VOV.VN - Trước tình hình bệnh cúm lan rộng với nhiều bệnh nhân trở nặng đến mức độ nguy hiểm, Bộ Y tế đã thông tin về việc theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh cúm tại các nước, trong đó có Nhật Bản - nơi bệnh dịch này vẫn đang tiếp tục hoành hành, gây lo ngại sâu sắc trong toàn xã hội.

Từ hiện tượng dịch cúm lan tràn và nguyên nhân cùng cách phòng ngừa ở một nước có nền y dược tiên tiến vào bậc nhất thế giới, có những điều đáng suy ngẫm.

Dịch bệnh lây lan đột biến

Từ ngày 2/9/2024 - ngày 26/1/2025 tại Nhật Bản ghi nhận khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Đặc biệt, trong vòng khoảng 2 tháng gần đây, số người bị mắc các loại cúm tại Nhật Bản gia tăng đột biến, cao nhất tính từ năm 1999 đến nay. Theo báo cáo thống kê do Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản tổng hợp từ 5.000 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, chỉ trong vòng 1 tuần cuối cùng của năm 2024, các cơ sở này đã phải tiếp nhận điều trị 317.812 người bị nhiễm bệnh cúm các loại. Con số này tăng 10.000 người so với tuần trước đó, và tiếp tục tăng nhanh khi bước vào năm 2025. Trung bình mỗi tuần, một cơ sở y tế phải tiếp nhận 64,39 bệnh nhân cúm, và tuần sau luôn cao hơn tuần trước.

Đến nay, đã có tới 43 tỉnh thành của Nhật Bản ghi nhận mật độ bệnh nhân cúm trung bình của một cơ sở y tế cao hơn nhiều so với mức 30 người – mức độ buộc phải đưa ra cảnh báo dịch bệnh khẩn cấp. Trong đó, mật độ đông nhất là tại Ohita (phía Nam Nhật Bản), với 104,84 bệnh nhân. Thủ đô Tokyo cũng ở mức rất cao với mỗi cơ sở y tế phải tiếp nhận 56,52 bệnh nhân/1 tuần. Đến thời điểm này, số người mắc cúm có chững lại nhưng vẫn ở mức độ cao. Tuy nhiên, còn có nhiều người bị mắc cúm nhưng không đến bệnh viện để khám chữa mà tự điều trị tại nhà, do tâm lý sợ bệnh viện, hội chứng “Blouse trắng”, và mong muốn tiết kiệm tiền trong khi vật giá đang leo tháng chóng mặt. Do đó, trên thực tế, con số người mắc cúm còn lớn hơn nhiều so với thống kê chính thức.

Nguyên nhân chủ quan nội tại và khách quan ngoại lai

Theo các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân khiến dịch cúm bùng phát, trong đó có cả những nguyên nhân chủ quan nội tại và khách quan ngoại lai. Các nguyên nhân chủ quan nội tại là do thời tiết bất thường. Mùa đông năm nay là khắc nghiệt nhất trong lịch sử Nhật Bản, nhiệt độ xuống quá thấp so với mọi năm đã trở thành một thách thức lớn đối với sức đề kháng của nhiều người Nhật. Thêm nữa, do dân số lão hóa, số người cao tuổi tăng nhanh, mà người cao tuổi thì sức chống chịu cũng sẽ kém đi, tạo cơ hội cho dịch bệnh lan tràn. Một nguyên nhân nội tại nữa là tâm lý chủ quan của những người vừa vượt qua đại dịch Covid-19 một cách an lành, với cách nghĩ “Covid-19 còn không làm gì được mình nữa là cúm mùa...”.

Chính tâm lý và cách nghĩ trên đây cũng khiến nhiều người lơ là với căn bệnh không đơn giản này. Còn về các nguyên nhân khách quan, các chuyên gia cho rằng, vấn đề quá tải khách du lịch nước ngoài cũng làm cho dịch cúm gia tăng. Trong gần 1 năm trở lại đây, khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản tăng cao ngoài dự đoán, vượt qua cả kỷ lục của thời kỳ trước đại dịch Covid-19. Du khách nước ngoài đến từ “năm châu bốn biển”, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Mỹ, Pháp, Đức, các nước châu Phi.... Với lượng khách lên tới hơn 3,3 triệu người một tháng, thì khâu kiểm tra dịch bệnh truyền nhiễm một cách đầy đủ là vô cùng khó khăn. Và đây cũng được coi là nguồn lây nhiễm cúm đáng kể.

Bất thường và gây quan ngại

Dịch cúm năm nay không chỉ được coi là bất thường mà còn gây lo ngại sâu sắc cho toàn xã hội, đặc biệt là ngành y tế Nhật Bản. Bị coi là bất thường là vì chưa bao giờ số người bị cúm lại nhiều đến thế. Theo quy định của Nhật Bản, nếu trung bình một tuần, một cơ sở y tế tiếp nhận từ 30 bệnh nhân bị mắc cùng một loại bệnh trở lên, thì phải ban bố cảnh báo dịch bệnh khẩn cấp. Trong khi có nơi số bệnh nhân gấp hơn 3 lần mức báo động đỏ. Ngay cả Tokyo cũng gần gấp đôi mức này.

Có 2 nguyên nhân gây lo ngại. Thứ nhất là Nhật Bản đang thiếu thuốc chữa bệnh trầm trọng. Mặc dù là một nước có một nền y dược tiên tiến vào bậc nhất thế giới và giữ một vị trí quan trọng trên bản đồ dược học quốc tế, nhưng điều đáng đáng ngạc nhiên là Nhật Bản đang thiếu khoảng hơn 3.800 loại thuốc chữa bệnh, trong đó có thuốc cảm cúm và trị ho. Hiện nay, nhiều hiệu thuốc của Nhật Bản phải áp dụng quy định mỗi lần chỉ bán cho một người 1 lọ thuốc chữa cúm. Vừa là để quản lý dược phẩm tránh bị lạm dụng cho các mục đích khác, cũng vừa để đảm bảo thuốc bán cho đúng bệnh nhân cần dùng.

Nguyên nhân thứ 2, tuy chưa được kiểm chứng, nhưng hoàn toàn có cơ sở. Đó là nỗi lo lây nhiễm cúm gia cầm. Đến nay, đã có tới 18 trong tổng số 47 tỉnh thành của Nhật Bản xảy ra dịch cúm gia cầm trên diện rộng. Tình trạng dịch cúm lan rộng song song với dịch cúm gia cầm đang gây những lo ngại sâu sắc, khi các cơ quan truyền thông nước này dẫn nguồn tin từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ khẳng định cúm gia cầm hoàn toàn có thể lây nhiễm sang người thông qua vật chủ trung gian, ví dụ như lợn, với 60 trường hợp đã được ghi nhận tại Mỹ trong năm 2024, và đã có 1 ca tử vong vào hôm 6/1 vừa qua.

Biện pháp không mới

Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản đã đưa ra khuyến cáo người dân cần áp dụng các biện pháp tự bảo vệ tương tự như khi đối phó với dịch Covid-19 như: sử dụng khẩu trang ở nơi công cộng, rửa tay bằng xà phòng và cồn sát khuẩn, tránh những nơi tụ tập đông người trong trường hợp có thể, thay giặt quần áo mỗi khi trở về từ các cơ sở y tế hoặc tiếp xúc gần với bệnh nhân cúm... Đặc biệt, khi mùa dị ứng phấn hoa đang đến gần, việc đeo kính phòng hộ và dùng khẩu trang có độ dày lớn cũng được khuyến cáo.

Nhật Bản cũng yêu cầu khách du lịch nước ngoài phải khai báo tình trạng sức khỏe và có biện pháp tự bảo vệ trước dịch bệnh. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho các cơ sở y tế bị quá tải. Song song với đó là việc sử dụng các cơ quan truyền thông bao gồm phát thanh, truyền hình, báo điện tử, tin nhắn điện thoại, tờ rơi... để tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức cộng đồng trong việc phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch cúm nói riêng. Các biện pháp này được tiến hành đồng thời và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Từ khóa: dịch cúm, cúm ở nhật bản,dịch cúm nhật bản,dịch bệnh nhật bản,bệnh cúm,dịch ở nhật bản

Thể loại: Y tế

Tác giả: tuấn nhật/vov-tokyo

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập