Dịch Covid-19 lan rộng tại châu Âu

Cập nhật: 06/03/2020

VOV.VN - Số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 tại hàng loạt các quốc gia châu Âu tăng vọt khiến lục địa này trở thành tâm điểm của dịch Covid-19.

Tính đến hết ngày 5/3, hầu như toàn bộ các nước thuộc Liên minh châu ÂU (EU) đều ghi nhận các ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Đặc biệt hơn, là số người chết trong ngày của Italy đã vượt Trung Quốc. Trong đó, số lượng các ca nhiễm mới SARS-CoV-2 tại hàng loạt các quốc gia khác tại châu Âu cũng tăng vọt khiến lục địa này trở thành tâm điểm của dịch Covid-19.

dich covid-19 lan rong tai chau au hinh 1
Một du khách đeo khẩu trang tham quan trung tâm mua sắm Vittorio Emanuele Gallery tại Milan, Italy ngày 28/2. Ảnh: AP

Với 41 ca thiệt mạng trong ngày 5/3, Italy tiếp tục chứng kiến ngày chết chóc nhất từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại nước này, vượt qua số người tử vong trong cùng ngày ở Trung Quốc (30 ca). Tính đến 18 giờ ngày 5/3, số liệu do Cơ quan phòng vệ dân sự Italy công bố cho thấy, số ca nhiễm mới Covid-19 ở Italia tăng kỷ lục 769 ca lên 3.858 ca.

Tính bên ngoài Trung Quốc đại lục, hiện Italy là quốc gia có nhiều người tử vong nhất vì Covid-19, trong khi số ca nhiễm chỉ sau Hàn Quốc (nước hiện có hơn 6.000 ca nhiễm).

Dịch bệnh chủ yếu tập trung ở khoảng 10 điểm nóng tại phía bắc Italia. Tuy nhiên, các ca nhiễm giờ đây đã được ghi nhận ở toàn bộ 20 vùng của đất nước, với 44 ca ở ở vùng Lazio, trung tâm gần thủ đô Roma và 45 ca ở vùng Campania, miền Nam Italy.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thông báo chính phủ đã phân bổ 7,5 tỷ euro (8,4 tỷ USD) để hỗ trợ các gia đình và doanh nghiệp của nước này đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.Ông đồng thời kêu gọi người dân đoàn kết chống lại dịch bệnh.

“Trong thời điểm này, chúng ta cần tập trung chiến đấu với tất cả các biện pháp để ngăn chặn dịch Covid-19. Chúng ta cần phải giải quyết vấn đề này trong một thời gian ngắn. Chính vì thế, chúng ta cần đoàn kết vì chúng ta đang chung một con thuyền và chúng ta cần phối hợp với nhau nếu không sẽ rất khó sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng này”, Thủ tướng Conte nói.

Trong khi đó, 1 nước châu âu khác là Pháp cũng ghi tới 138 ca nhiễm virus SASR-CoV-2 mới trong ngày hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 423, trong đó 7 người đã tử vong. Dịch Covid-19 đã xuất hiện ở toàn bộ các vùng hành chính trên nước Pháp, thậm chí xuất hiện cả ở Guyane, vùng lãnh thổ hải ngoại của nước này ở Nam Mỹ.Trong một đoạn video được đăng tải trên trang mạng của Điện Elysee, Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng, tình trạng bùng phát Covid-19 hiện nay sẽ phát triển thành dịch bệnh ở Pháp dường như là "không thể tránh khỏi”. Chính phủ Pháp đang gấp rút lên các phương án đối phó khi dịch bệnh chuyển sang giai đoạn 3, tức giai đoạn phải công bố dịch.

Trong khi đó, một nước châu Âu khác là Anh đã báo cáo ca tử vong đầu tiên vì Covid-19. Theo công bố, bệnh nhân là một người lớn tuổi và từng gặp các vấn đề về sức khỏe trước đó. Tính đến nay, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Anh đã lên tới 115 trường hợp.

Một số nước châu Âu khác cũng báo cáo các ca nhiễm mới tăng vọt. Theo đó, Thụy Điển xác nhận thêm 30 ca nhiễm mới. Tây Ban Nha cũng ghi nhận 11 ca nhiễm SARS-CoV-2 ở viện dưỡng lão. Trong khi đó, giới chức y tế Áo ghi nhận thêm 13 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 42 trường hợp. Phần Lan xác nhận thêm 5 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày hôm qua, nâng tổng số bệnh nhân ở quốc gia Bắc Âu này lên 12 trường hợp. Estonia và Hungary cũng xác nhận ca nhiễm thứ 3 ở nước mình

Trước những diễn biến đáng lo ngại của dịch bệnh, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới phải chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 bởi vì dịch bệnh không phân biệt quốc gia giàu nghèo.

“Chúng tôi lo ngại rằng một số quốc gia đã không thực hiện phòng chống dịch một cách đủ nghiêm túc. Chúng tôi lo ngại rằng ở một số quốc gia, mức độ cam kết chính trị và các hành động không phù hợp với mức độ của mối đe dọa mà chúng ta phải đối mặt. Đây không phải là một cuộc diễn tập. Đây không phải là lúc để từ bỏ. Đây không phải là thời gian để bào chữa. Đây là thời điểm để gạt bỏ hết tất cả các rào chắn, Dịch bệnh này có thể được đẩy lùi nhưng chỉ với cách tiếp cận tập thể, phối hợp và toàn diện với sự vào cuộc của toàn bộ máy chính phủ. Chúng tôi đang kêu gọi mọi quốc gia hành động với tốc độ, quy mô và quyết tâm sáng suốt”, ông Ghebreyesus nhấn mạnh.

Tính đến hết ngày 5/3, hầu như toàn bộ các nước EU đều đã có các ca nhiễm virus Sars-CoV-2. Dịch thậm chí đã lan đến tận các cơ quan đầu não của EU. Theo đó, ít nhất 2 nhân viên làm việc tại các cơ quan châu Âu ở Brussells đã bị nhiễm virus Sars-CoV-2./.

Từ khóa: dịch Covid-19, châu Âu, số ca nhiễm Covid-19, SARS-CoV-2, virus corona

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập