Dịch Covid-19: “Đừng hoảng sợ, nhưng cũng không được phép chủ quan”
Cập nhật: 13/03/2020
Thái Lan sẽ soán ngôi Singapore trở thành trung tâm đầu tư toàn cầu vào năm 2025? (17/12/2024)
Hungary và Slovakia phủ quyết lệnh trừng phạt của EU đối với các quan chức Gruzia (17/12/2024)
VOV.VN - Đó là thông điệp từ một người Mỹ mắc Covid-19 hiện đã bình phục muốn gửi đến mọi người giữa bối cảnh dịch bệnh này ảnh hưởng tới 2/3 dân số toàn cầu.
“Đừng hoảng sợ, nhưng cũng không được phép chủ quan” là thông điệp mà Elizabeth Schneider - một bệnh nhân người Mỹ mắc Covid-19 vừa bình phục muốn gửi gắm trong bối cảnh dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 đang lây lan rộng tại nhiều nước, gây ảnh hưởng tới 2/3 dân số toàn cầu, trong đó có Mỹ và châu Âu.
Dịch Covid-19 giờ đã trở thành một vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu, một đại dịch cần sự huy động tổng lực của toàn thế giới. Ảnh: Reuters |
Hình ảnh những ngôi trường bị đóng cửa, hoạt động giao thông bị đình trệ, mọi sự kiện tập trung đông người,… đều bị hoãn hoặc hủy đã trở nên phổ biến. Từ tâm lý chủ quan ban đầu cho rằng đây cũng giống như bệnh cảm cúm thông thường, Covid-19 giờ đã trở thành một vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu, một đại dịch cần sự huy động tổng lực của toàn thế giới.
Elizabeth Schneider sống ở Seattle, thành phố lớn nhất của tiểu bang Washington, nơi ghi nhận nhiều ca tử vong nhất vì Covid-19 tại Mỹ. Người phụ nữ 37 tuổi này cho biết cô muốn chia sẻ câu chuyện của mình nhằm “mang đến cho mọi người hy vọng” thông qua những kinh nghiệm thực tế mà cô đã trải qua.
Schneider cho biết lần đầu tiên bắt đầu cảm thấy có các triệu chứng giống như cúm vào ngày 25/2, 3 ngày sau khi cô tham dự một bữa tiệc, nơi sau đó được xác định có ít nhất 5 người nhiễm bệnh.
“Có ít nhất khoảng 30 người tham gia bữa tiệc. Vào buổi sáng hôm đó, khi thức dậy tôi cảm thấy mệt mỏi và nhiệt độ cơ thể là khoảng 38,3 độ C. Và đến tối, trước khi đi ngủ nhiệt độ đã tăng lên 39,4 độ C. Đây cũng là lần đầu tiên trong cuộc sống trưởng thành của mình, nhiệt độ cơ thể tôi lại cao như vậy”.
Song tại Mỹ khi đó, mọi người đều coi Covid-19 cũng giống như cúm thông thường nên Schneider chủ quan cho rằng mình không mắc Covid-19 và chỉ dùng thuốc cảm cúm thông thường không kê đơn. Schneider sau đó quyết định đăng ký tham gia một chương trình nghiên cứu có tên là Nghiên cứu Cúm Seattle. Ngày 7/3, cô nhận được một cuộc gọi từ một trong những điều phối viên nghiên cứu nói rằng cô đã dương tính với virus SARS-CoV-2.
Qua câu chuyện của mình, Schneider hy vọng những trải nghiệm của mình, có thể giúp mọi người cẩn trọng hơn với sức khỏe của bản thân và đặc biệt không nên coi thường căn bệnh này: “Dù đã qua 14 ngày kể từ khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên, song tôi sẽ không chủ quan khi đến những nơi công cộng. Tôi sẽ thận trọng khi tham gia các sự kiện tập trung đông người”.
Schneider nằm trong số những người may mắn khi mắc Covid-19 ở thể nhẹ. Song một số khác lại không được như thế, mà nguyên nhân chính là do tâm lý chủ quan. Nhiều người nhập viện khi tình trạng bệnh đã trở nên nghiêm trọng và thậm chí là khi đã vô tình truyền bệnh cho nhiều người khác.
Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, ngoài những nguyên nhân khách quan như hệ thống y tế quá tải, văn hóa hay khí hậu, thì nguyên nhân chính khiến Italy “vỡ trận” khi đối phó với dịch Covid-19 chính là sự thụ động. Theo đó, những trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 chỉ được phát hiện sau khi đã phát triệu chứng và đến bệnh viện kiểm tra. Cho đến nay, nước này đã ghi nhận trên 1.000 ca tử vong do Covid-19.
Với hơn 130.000 người nhiễm bệnh, trong đó gần 5.000 tử vong và tình trạng lây nhiễm đã xảy ra khắp thế giới từ khu vực Scandinave tới Ấn Độ, từ Mỹ Latin tới vùng Viễn Đông.
Không chỉ Italy, chính phủ các nước đều đang “căng mình” đối phó với dịch bệnh. Như tại Mỹ, sau một thời gian khẳng định Covid-19 chỉ giống như cúm mùa, chính phủ nước này hôm qua đã phải ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với khách du lịch từ châu Âu. Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã phải kêu gọi người dân đoàn kết để cùng nhau vượt qua một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất do đại dịch Covid-19 gây ra : “Dịch bệnh này ảnh hưởng đến tất cả các châu lục và tấn công tất cả các nước châu Âu. Đây cũng là cuộc khủng hoảng sức khỏe tồi tệ nhất mà Pháp đã biết trong một thế kỷ”.
Tại Anh, sau một thời gian đối mặt với những câu hỏi tại sao không thực hiện những biện pháp mạnh mẽ hơn như nhiều nước khác, Thủ tướng Boris Johnson hôm qua yêu cầu những người có triệu chứng nhiễm virus dù nhẹ cũng nên tự cách ly ít nhất 7 ngày và toàn bộ gia đình cần ở trong nhà nếu một người có triệu chứng.
Nhà lãnh đạo Anh thừa nhận, đây là cuộc khủng hoảng y tế công cộng tồi tệ nhất trong một thế hệ: “Rõ ràng dịch Covid-19 vẫn tiếp tục và sẽ tiếp tục lan rộng trên toàn thế giới cũng như đất nước chúng ta trong vài tháng tới. Chính phủ đã làm những gì có thể để ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, đây đã trở thành một đại dịch toàn cầu và số ca mắc bệnh sẽ tiếp tục tăng mạnh. Thật vậy, số ca mắc thực sự cao hơn, có lẽ cao hơn nhiều so với số ca chúng ta đã xác nhận từ trước đến nay”.
Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu ngày 12/3 cảnh báo nguy cơ “cao” hệ thống y tế tại Liên minh châu Âu và Anh bị “vỡ trận” do Covid-19.
Tuy nhiên, như thông điệp của Schneider, “đừng hoảng loạn, nhưng cũng không được phép chủ quan”, điều bạn cần làm là hãy chủ động với chính sức khỏe của mình. Và trong số hơn 130.000 người nhiễm bệnh trên toàn thế giới, thì hơn 70.000 trường hợp đã bình phục, trong khi giới khoa học cũng đang nỗ lực ngừng nghỉ trong cuộc chiến chống dịch bệnh này./.
Trung Quốc: Tìm nguồn gốc virus SARS-CoV-2 cần có ý kiến chuyên môn
Từ khóa: dịch Covid 19, SARS CoV 2, dịch bệnh lây lan, đại dịch toàn cầu, thông điệp phòng dịch
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN