Dịch Covid-19: “Cú sốc” lớn đối với nền kinh tế
Cập nhật: 06/03/2020
Petrovietnam quyết tâm hoàn thành Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 trước năm 2027
Điện Biên hướng tới mục tiêu trở thành "thủ phủ mắc ca" của cả nước
VOV.VN- Dịch Covid-19 khiến thị trường tiêu thụ bị co hẹp, các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, hàng không nguồn thu bị sụt giảm, tạo “cú sốc” đối với nền kinh tế.
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 gần 2 tháng nay đã khiến nền kinh tế thế giới và trong nước chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ trong 2 tháng đầu năm nay đã có tới 16.151 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, 2.807 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Đây là tháng đầu tiên hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ghi nhận những tác động của dịch Covid-19.
Có thể nói, đại dịch này là một “cú sốc” lớn đối với nền kinh tế. Cụ thể, thị trường tiêu thụ bị co hẹp, các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, khách sạn nguồn thu bị sụt giảm. Với các ngành sản xuất, khó đảm bảo công việc cho người lao động trong tháng 3 vì thiếu hụt nguyên liệu sản xuất.
Doanh nghiệp đang “ngấm đòn”
Một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều từ dịch Covid-19 là dệt may và da giày. Hầu hết các doanh nghiệp của 2 ngành này chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3 hoặc đầu tháng 4 tới. Nhiều khả năng sẽ có hàng loạt doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất do thiếu nguyên phụ liệu.
Dệt may là một trong những ngành chịu nhiều tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. (Ảnh minh họa) |
Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc - Tổng Công ty May 10 cho biết, hiện nay, công ty đã rà soát từng mã hàng, từng khách hàng, từng chủng loại hàng và từng thị trường sản xuất. Do thiếu nguyên phụ liệu, nhiều khả năng công ty phải nghỉ gián đoạn do chờ nguyên phụ liệu trong khoảng thời gian từ 15/3 - 15/4. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc làm cho người lao động, kế hoạch doanh thu cũng như kế hoạch lợi nhuận của Công ty May 10 trong năm 2020.
Không chỉ dệt may, da giày, các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử như: điện thoại, tivi cũng đang “ngấm đòn” cùng dịch bệnh. Linh kiện của ngành phụ thuộc lớn vào 2 thị trường là Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, dịch lại khởi phát ở Trung Quốc và đang bùng phát mạnh ở Hàn Quốc, do vậy, nếu dịch không được khống chế sớm thì dự báo hết quý 1, những ông lớn của ngành điện tử như Samsung cũng bị chao đảo.
Theo tính toán, nếu chậm nguyên liệu trong nửa tháng, riêng ngành dệt may sẽ thiệt hại từ 1,5 - 2 tỷ USD. Với linh kiện điện tử, con số này có thể sẽ lớn hơn, do vậy, tìm kiếm nguyên liệu sản xuất cùng với tăng cường khả năng nguyên liệu tại chỗ là đề xuất của Bộ Công Thương để doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid-19.
Cùng với nhiều lĩnh vực khác thì hàng không là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19, tính đến thời điểm này, doanh thu của ngành đã bị sụt giảm tới 25.000 tỷ đồng. Nếu dịch tiếp tục kéo dài thì ngành dự báo sẽ mất gần 20 triệu hành khách trong năm nay, đây là một con số tổn thất rất lớn. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu không có những giải pháp tối ưu để cứu vãn thì hệ lụy của dịch bệnh sẽ kéo dài và tác động tiêu cực hơn tới mục tiêu phát triển của ngành giao thông.
Với lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong 2 tháng đầu năm nay, vốn thực hiện dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2,45 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tức trong tháng qua, thời điểm bùng nổ thông tin phát dịch Covid-19 từ Trung Quốc, nhà đầu tư nước ngoài chỉ rót khoảng 850 triệu USD, bằng hơn phân nửa số vốn thực hiện của tháng trước đó và giảm khoảng 180 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019.
Cần tìm hướng đi mới
Nhìn nhận một cách tổng quát về sự tác động của dịch Covid-19 tới nền kinh tế, ông Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho hay, mức độ ảnh hưởng của từng ngành phụ thuộc vào tính chất, giai đoạn phát triển của từng doanh nghiệp. Một cách nhìn chung nhất thì có thể thấy, dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp nhất đến những ngành có sự tiếp xúc theo đám đông của con người như: du lịch, hành không… Một số ngành lưu trú tăng trưởng lại tương đối tốt, ví dụ như game, giáo dục trực tuyến, thương mại điện tử. Tuy nhiên, thương mại điện tử lại chưa được tính vào trong GDP, do đó con số thực tế sẽ khác.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) TP. Hà Nội cho biết, hiện nay cả nước có 760.000 doanh nghiệp, trong đó 98% DNNVV. Đối với cộng đồng DNNVV thì đây là 1 khủng hoảng kép, bởi sau chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc là đến dịch Covid-19, đây gần như một cú giáng rất mạnh đến cộng đồng DNNVV. Bởi DNNVV bị hạn chế nhiều mặt như: nguồn vốn, nhân lực, công tác thị trường.
“Khi dịch bệnh bùng phát thì doanh thu của các DNNVV đã bị giảm sút, đặc biệt là thị trường, bởi thị trường nước ngoài hạn chế nhập khẩu, tại thị trường trong nước, người dân thắt chặt chi tiêu hơn, do đó lượng hàng hóa bán ra không nhiều. Qua khảo sát, với DNNVV, ảnh hưởng từ thị trường là hơn 30%, ảnh hưởng do nguồn nhân lực bị cắt giảm trên 40%, hàng hóa sản xuất ra nhưng không bán được, thì việc đầu tiên là phải cắt giảm là nhân lực”, ông Mạc Quốc Anh cho hay.
Ông Mạc Quốc Anh cho biết thêm, tại Hà Nội, với ngành cung cấp dịch vụ, hiện nay cũng phải co lại rất nhiều như: ngành thủy sản, vận tải, du lịch. Đối với ngành sản xuất họ phải tìm hướng đi mới để không phụ thuộc quá vào một nơi cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào.
“Song song với đó, nhiều doanh nghiệp đã và đang tăng cường khai thác thị trường nội địa với gần 100 triệu dân. Đây là thị trường rất tiềm năng mà hiện nay Việt Nam đã ngăn chặn hết sức kịp thời dịch Covid-19. Tôi nghĩ, đây là thị trường mà các Doanh nghiệp sản xuất cần tập trung khai thác triệt để. Đối với thị trường ngách, nhiều doanh nghiệp đang chú trọng sản xuất các sản phẩm để phù hợp với thị hiếu người Việt Nam. Bởi hiện nay chúng ta đang ở thời kỳ dân số vàng, rất nhiều người ưa dùng sản phẩm việt. Đặc biệt, có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”…Đây là những cuộc vận động mà các doanh nghiệp sản xuất đang tìm cách để khai thác một cách triệt để. Làm được điều này, chắc chắn cộng đồng doanh nghiệp sẽ ổn định hơn trong thời gian tới”, ông Mạc Quốc Anh cho hay./.
Từ khóa: dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam, dệt may, đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN