Dịch Covid-19 có thể đẩy lạm phát tăng cao
Cập nhật: 26/02/2020
63 năm truyền thống ngành dầu khí Việt Nam: “Một đội ngũ - Một mục tiêu”
Quảng Ninh chuẩn bị sản phẩm OCOP phục vụ Tết Nguyên đán (28/11/2024)
VOV.VN - Đại dịch Covid-19 có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, số người thất nghiệp tăng, dẫn đến biến động về nguồn thu ngân sách.
Theo báo cập nhật tình hình lạm phát tháng 1 của Công ty chứng khoán VNDirect, lạm phát đã đạt đỉnh 7 năm trong tháng Tết khi chỉ số lạm phát chung của Việt Nam tăng 6,43% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 5,23% cùng kỳ trong tháng 12/2019.
Mức tăng cao của chỉ số giá tiêu dùng chủ yếu do sự gia tăng của giá thực phẩm và giao thông, gắn với nhu cầu về ăn uống và đi lại gia tăng trong dịp lễ Tết. Giá thực phẩm tăng cao tiếp tục gây áp lực lên lạm phát. Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng từ mức 9,17% so với cùng kỳ trong tháng trước lên 10,93% trong tháng 01/2020, mặc dù mức tăng theo tháng có phần chững lại do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi lên giá thịt lợn.
Trong khi đó, giá thịt lợn kỳ vọng đã đạt đỉnh và giảm dần. Giá lợn hơi tăng cao trong Quý 4/2019 nhưng đã bắt đầu giảm từ giữa tháng 1/2020 sau các biện pháp bình ổn giá cả của Chính phủ.
Lạm phát năm nay có thể cao hơn moi năm. (Ảnh minh họa) |
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, dịch Covid-19 không chỉ tác động đến kinh tế ở Trung Quốc, nhiều nước khác trên thế giới mà còn tác động tiêu cực đến Việt Nam qua nhiều kênh như: thương mại, đầu tư, du lịch, xuất nhập khẩu… Những tác động này sẽ khiến nguồn thu của ngân sách giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng giảm và số người thất nghiệp tăng lên, cho nên rất có thể sẽ có biến động về nguồn thu ngân sách và Chính phủ sẽ phải vay tạm tiền của ngân hàng để trang trải ngân sách.
Cũng theo TS. Lê Đăng Doanh, nếu điều này diễn ra có thể sẽ dẫn đến chỉ số giá cả tăng lên. Đến nay, chỉ số giá cả mới chủ yếu tăng lên bởi cung cầu trên thị trường, Ví dụ, thịt lợn tăng cao vì nguồn cung thiếu hụt, giá cả của bất động sản tăng vì có biến động tại một số nơi… Từ những yếu tố đó có thể khẳng định, khả năng lạm phát năm nay sẽ cao hơn năm trước.
Còn theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, dịch Covid-19 ảnh hưởng tới nền kinh tế khá toàn diện, đặc biệt ở những nước phát sinh bệnh, lan tỏa bệnh cũng như những nước có mối quan hệ chặt chẽ với các nước đang có ổ dịch. Điều này thể hiện ở các khía cạnh: làm suy giảm động lực phát triển kinh tế thông qua thu hẹp sản xuất kinh doanh, các hoạt động xã hội, giao lưu, giao thương....
Đáng nói, dịch bệnh đã làm sụt giảm nguồn cung, nhất là ở những ngành nghề mà người lao động ko dám đi làm, cá biệt, tại Trung Quốc có những ngành tăng tới 6 lần lương nhưng không ai dám đi làm… Những lĩnh vực như vậy chắc chắn sẽ làm thiếu hụt nguồn cung.
TS. Nguyễn Minh Phong phân tích thêm, đại dịch này còn làm gia tăng tổng cầu, khi mọi người đều ở nhà thì nhu cầu tiêu dùng tăng lên trong khi nguồn cung lại ít đi, chênh lệch cung cầu sẽ tạo ra lạm phát.
“Lạm phát có thể phát sinh khi Nhà nước thực hiện chính sách tài chính tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ những vùng dịch bệnh, ví dụ ở Việt Nam hiện đang thực hiện hỗ trợ những người bị cách ly là 60.000 hoặc 80.000 đồng/ngày… Nếu số lượng, đối tượng được hỗ trợ quá lớn, Nhà nước buộc phải tung nhiều tiền ra, tạo gia tăng tổng cầu, tăng lượng thanh toán và dẫn đến lạm phát tiền tệ”, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định.
Trước tình hình đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, diễn biến khó lường và chưa biết khi nào kết thúc, ông Phong cho rằng, giải pháp để đối phó là phải cương quyết cách ly ngăn chặn sự lây lan của bệnh và dập dịch thật tốt, thậm chí phải hy sinh cả lợi ích kinh tế để ngăn chặn bệnh.
Tiếp đó, duy trì các biện pháp để phát triển, đặc biệt là phục hồi kinh tế khi dịch bệnh đã qua đi. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cần phải tỉnh táo để đánh giá thị trường cũng như đánh giá lại năng lực của mình, từ đó có hướng đi mới, đồng thời vẫn duy trì được năng lực kinh doanh, đa dạng hóa thị trường, mở các kênh dịch vụ mới cũng như điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất kinh doanh để tránh áp lực bán được hàng; Cần có chính sách tạo lòng tin cho thị trường thông qua các biện pháp ổn định, tuyên truyền để đảm bảo người dân có thể yên tâm sử dụng sản phẩm của mình. Nhà nước phải có những giải pháp cần thiết cả về tuyên truyền, phòng chữa bệnh, đồng thời chuẩn bị các kịch bản cho kinh tế cũng như các nguồn lực để hỗ trợ phục hồi kinh tế./.
Kiểm soát lạm phát năm 2020, giá thịt lợn chi phối các kịch bản
Từ khóa: lạm phát, lạm phát tăng cao, chỉ số giá tiêu dùng, dịch Covid-19, lạm phát tiền tệ
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN