Dịch bệnh ảnh hưởng đến kết quả Nội chiến Nga và thế Chiến I
Cập nhật: 22/03/2020
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Dịch “cúm Tây Ban Nha” từng làm rung động cả thế giới và ảnh hưởng đến kết cục của chiến tranh.
“Cúm Tây Ban Nha”
Trong thời chiến, chính phủ các nước thường kiểm duyệt không để thông tin về các dịch bệnh gây ốm hàng loạt xuất hiện trên báo chí và thư của binh sĩ. Một bệnh cúm được gọi là "Cúm Tây Ban Nha" chỉ vì Tây Ban Nha không tham chiến, và báo chí nước này là nước đầu tiên đưa tin về căn bệnh bí ẩn thường gây tử vong, rất có thể là đại dịch cúm lớn nhất trong lịch sử loài người, cả về số người bị nhiễm và số người chết.
Trong những năm 1918-1919 (trong 18 tháng), trên toàn thế giới, khoảng 550 triệu người, tương đương 29,5% dân số thế giới, đã bị ngã bệnh "cúm Tây Ban Nha". Khoảng 50-100 triệu người (2,7-5,3% dân số thế giới) đã chết, tỷ lệ tử vong trong số những người mắc bệnh là 10-20%. Dịch bệnh bắt đầu vào những tháng cuối của Thế chiến I và nhanh chóng ảnh hưởng đến cuộc xung đột vũ trang lớn nhất vào thời điểm đó. Người ta tin rằng, những khó khăn của chiến tranh - mất vệ sinh, dinh dưỡng kém, trại quân và trại tị nạn quá đông đúc… đã “tiếp sức” cho đại dịch.
Cùng với các yếu tố khác, dịch bệnh đã “quật” ngã nhiều quân đội hùng mạnh. Nguồn: wikipedia.org |
Triệu chứng của bệnh: da xanh-tím tái, viêm phổi, ho ra máu. Ở giai đoạn sau, virut gây chảy máu trong phổi, do đó bệnh nhân bị sặc máu. Nhưng về cơ bản, bệnh thường diễn ra mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Rất có thể, nguyên nhân chính gây tử vong cao là do sự đặc biệt của chủng virut này - gây tăng glucose máu, dẫn đến sự phá hủy nhanh chóng các mô phổi bị viêm và ứ đầy dịch lỏng trong đó - điều lý giải tốc độ nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao của bệnh nhân trẻ (20-40) tuổi. Chưa ai giải thích được bản chất việc xuất hiện của "cúm Tây Ban Nha" và sự biến mất nhanh chóng, cũng như loại trừ khả năng "tái xuất" của nó.
Virus đến từ đâu?
Sau đại dịch, người ta xác định được thông tin kín đầu tiên về “cúm Tây Ban Nha” xuất hiện vào mùa xuân năm 1918 tại Hoa Kỳ. Nhưng hiện nay, nhiều bác sĩ cho rằng nguồn gốc của virus là từ Trung Quốc - nơi mà những trường hợp đầu tiên của căn bệnh sau đó được xác định là "cúm Tây Ban Nha", được ghi nhận vào mùa thu năm 1917. Từ Trung Quốc, theo những người di cư, virus đã xuất hiện ở Hoa Kỳ. “Cúm Tây Ban Nha” được đưa đến châu Âu bởi lính Mỹ - những người bắt đầu đến Pháp với số lượng lớn vào mùa xuân năm 1918.
Tuy nhiên, vào năm 2016, “Tạp chí Hiệp hội Y khoa Trung Quốc” đã công bố tài liệu có chứa các thông tin về “cúm Tây Ban Nha” trong quân đội các nước châu Âu vào những năm 1914-1917. Từ đó, kết luận rằng “cúm Tây Ban Nha” đã đe dọa các mặt trận của Thế chiến I trước cả năm 1918, nhưng bằng sự kiểm duyệt thông tin, các quốc gia tham chiến đã khéo léo che giấu sự thật đến khi thông tin về dịch bệnh bị lộ. Có thể, có phần rất lớn sự thật trong kết luận này, bởi vì quân đội đầu tiên mà “cúm Tây Ban Nha” gây thiệt hại tương đương với tổn thất trong chiến đấu là quân đội Đức.
Chiến thắng của những người Bolshevik trong Nội chiến
Nước Nga trong những năm cách mạng và Nội chiến, do suy dinh dưỡng quy mô lớn và sự sụp đổ của cơ sở hạ tầng, đã bị tấn công bởi nhiều dịch bệnh khác nhau (ngoài "cúm Tây Ban Nha" còn bệnh thương hàn, tả...). Nhiều hồi ức sống động về những dịch bệnh đã diễn ra vẫn còn được lưu trữ. Theo các ấn phẩm Liên Xô, chính những căn bệnh này đã thực sự cản trở người Bolshevik. Nhưng phía bên kia chiến tuyến cũng trải qua những vấn đề tương tự, tuy mức độ ảnh hưởng khác nhau.
Binh lính ngã bệnh đã ảnh hưởng đến sức chiến đấu của nhiều đơn vị; Nguồn: pikabu.ru 2 |
Theo số liệu thống kê về “cúm Tây Ban Nha" những năm 1918-1919, ở châu Âu, có một quy luật thú vị: đất nước càng nằm về phía bắc, càng ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tỷ lệ tử vong do “cúm Tây Ban Nha” đối với người Serbia là 4,2% tổng dân số (cao nhất châu Âu), ở Hy Lạp - 2,4%, ở Italy - 1,7%, ở Tây Ban Nha - 1,4%, ở Đức - 1%, ở Anh - 0,6%, ở Đan Mạch - 0,4%. Nga nằm trong số các quốc gia phía bắc có ít ca tử vong bởi “cúm Tây Ban Nha” nhất - cũng 0,4%.
Từ đó, có thể kết luận rằng, “cúm Tây Ban Nha” có khả năng tấn công nhiều nhất vào các khu vực phía nam của Đế quốc Nga cũ - Ukraine và Bắc Kavkaz - nơi các lực lượng đông đảo nhất của Bạch vệ đã chống lại Hồng quân trong cuộc Nội chiến. “Cúm Tây Ban Nha” được cho là đã xâm nhập Ukraine vào mùa hè năm 1918 qua những người lính của quân đội Đức. Nhưng dịch bùng nổ đặc biệt nghiêm trọng ở Ukraine, Kuban và Don đã bắt đầu vào mùa đông 1918-19 - sau khi các binh sĩ Anh và Pháp đến các cảng Odessa, Sevastopol và Novorossiysk.Nhiều người trong số họ trước đây đã đến Balkan và Trung Đông - khu vực hoành hành của “cúm Tây Ban Nha”.
Sự can thiệp của quân đội nước ngoài đã trở thành yếu tố chính trong sự xâm nhập của "cúm Tây Ban Nha" vào Nga. Và theo quy luật, đại dịch có khả năng tấn công các khu vực phía Nam của đất nước. Những người lính ngoại bang cũng đã mang "cúm Tây Ban Nha" đến Bạch quân ở phía đông và phía bắc nước Nga. Ở miền trung nước Nga - nơi đóng đô của chính quyền Xô viết, quy mô của dịch “cúm Tây Ban Nha” bé hơn. Do đó, “cúm Tây Ban Nha” đã ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến hiệu quả chiến đấu của binh lính Bạch vệ so với Hồng quân.
Thất bại của Đức trong Thế chiến I
Tháng 3/1918, Đức đã đánh bại Nga. Bộ Tổng tham mưu Đức đã lên kế hoạch đập tan quân đội Anh-Pháp trước khi các lực lượng lớn của Mỹ từ bên kia đại dương có thể đến trợ giúp họ. Với kết quả của ba cuộc tấn công liên tiếp từ tháng 3 đến tháng 6/1918 tại Pháp, người Đức đã có thể siết chặt các đồng minh. Một cuộc tấn công mới đã được lên kế hoạch vào tháng 7/1918. Nhưng tại thời điểm đó, theo báo cáo mật của Tổng Tham mưu trưởng Erich Ludendorff, mỗi trong 10 người lính Đức đã bị đổ cúm. Các sư đoàn độc lập gần như tê liệt hoàn toàn do binh lính phải nằm bệnh xá. Bắt đầu vào ngày 15/7/1918, cuộc tấn công cuối cùng của Đức trong Thế chiến I đã bị trì hoãn ba ngày.
Nhiều kiểu bệnh viện dã chiến đã được thành lập để cứu người, dập dịch; Nguồn: thebabel.net |
Đáng chú ý là quân lính Anh-Pháp không gặp phải những khó khăn nghiêm trọng liên quan đến dịch bệnh như vậy vào thời điểm đó. Có thể phần lớn những người lính Đức bị căn bệnh này là vì suy dinh dưỡng. Do phong tỏa kinh tế ở Đức, từ năm 1915 đã xuất hiện nạn đói. Khẩu phần trung bình hàng ngày của một người lính Đức vào năm 1918 chỉ chứa 2.500 kilocalories, trong khi người Pháp - 3.900 và người Anh - 4.300 kilocalories (A.M. Zayonchkovsky - "Chiến tranh thế giới 1914-1918").
Sự suy yếu của quân đội Đức do suy dinh dưỡng và bệnh tật đã giúp quân Đồng minh lật ngược thế cờ. Ngày 8/8/1918, Pháp và Anh đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho người Đức và tiến hành cuộc tấn công, tiếp diễn đến khi ký hiệp định đình chiến (ngày 11/11). Quân đội Mỹ, trái với sự quảng bá rộng rãi của truyền thông ở Hoa Kỳ, trong thực tế không có vai trò gì trong bước ngoặt này. Họ bị mất sức chiến đấu bởi "cúm Tây Ban Nha" đến nỗi, vào tháng 9/1918, quân đội Mỹ mới có thể xung trận.
Tổng cộng, Quân đội Mỹ đã mất số lính do “cúm Tây Ban Nha" trong Thế chiến I ngang với tổn thất do hỏa lực của kẻ thù. Đối với quân đội Đức, tác động của dịch bệnh còn rõ rệt hơn so với quân đội Anh-Pháp, cũng bởi vì cuộc tấn công mùa xuân hè năm 1918 là cơ hội cuối cùng để giành chiến thắng trong Thế chiến I. Thất bại của cuộc tấn công này cũng đồng nghĩa với việc thua trận, ngay cả khi quân Đồng minh không thể tiến hành một cuộc phản công ngay lập tức, mà với sự chậm trễ./.
Từ khóa: Dịch bệnh, “cúm Tây Ban Nha”, Thế chiến I, Nội chiến, quân Đức
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN