Địa phương quản lý quốc lộ: Phân cấp đến đâu?

Cập nhật: 11/07/2024

VOV.VN - Theo đề xuất của Bộ GTVT tại Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phân cấp cho các địa phương quản lý hệ thống quốc lộ. Vậy, nội dung phân cấp gồm những gì? Vai trò của Bộ GTVT trong việc quản lý quốc lộ sẽ có những thay đổi như thế nào?

 

Thường xuyên phải đi công tác các tỉnh miền núi phía Bắc bằng ô tô, anh Nguyễn Xuân Đức (ở Cầu Giấy, Hà Nội) nhiều phen lo lắng khi đi vào những cung đường lạ, chất lượng mặt đường không tốt. Ồ gà, mặt đường không bằng phẳng khiến việc lái xe của anh không thực sự an toàn: "Nhiều lúc đi thấy rất xót ruột và hại xe, sống trâu, ổ gà đi rất khiếp. Khi đã đống phí đường bộ, chỉ mong mặt đường được bằng phẳng, đi được thuận tiện, tránh được nguy hiểm, vì nhiều khi có những ổ gà hoặc nắp hố ga tránh rất nguy hiểm".

Thậm chí, ngay tại Thủ đô Hà Nội, Quốc lộ 35 qua địa phận huyện Sóc Sơn, dù bị xuống cấp đã lâu, song không được sửa chữa kịp thời đã khiến người tham gia giao thông rất lo ngại.

"Đường này bị mấy năm nay rồi chứ không phải mới năm nay đâu. Ngay trước cửa nhà em luôn, có hôm em phải đưa 2-3 vụ tai nạn lên trạm xá để cấp cứu".

"Đoạn đường này hỏng rất lâu rồi, cũng nhiều lần họ đổ bây thôi, 1-2 ngày xong nó lại vẫn hỏng bình thường. Có những hôm chưa đổ bây được, một vùng to như thế thì có đến 2-3 người bị ngã".

Ông Nguyễn Văn Chính, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Sơn La cho hay, từ sau khi Bộ GTVT thực hiện ủy thác cho địa phương quản lý hệ thống Quốc lộ, việc lập kế hoạch bảo trì, sửa chữa hệ thống đường bộ của địa phương được thực hiện một cách chủ động và nhanh chóng hơn. Trong số gần 900km quốc lộ qua địa bàn, Sơn La được Bộ GTVT ủy thác quản lý hơn 600km,(chiếm hơn 70%). Bởi vậy, nếu tiến hành phân cấp cho địa phương quản lý cũng là bước tiến, tạo sự chủ động cho địa phương trong việc lập kế hoạch bảo trì, sửa chữa hệ thống quốc lộ: "Chắc chắn sẽ thuận lợi hơn vì địa phương sẽ trực tiếp nắm bắt tình hình, xây dựng kế hoạch sẽ thuận lợi hơn, những gì bất cập tại địa phương cũng được giải quyết ngay từ gốc. Khi phân cấp về địa phương thì các bước thủ tục trung gian, xây dựng kế hoạch sẽ được xây dựng thuận lợi hơn. Kể cả việc đầu tư cải tạo, nâng cấp theo nhu cầu thực tế của địa phương, việc bố trí ngân sách của địa phương vào cũng sẽ thuận lợi hơn".

Ông Trần Thanh Kiên, giám đốc Sở GTVT Điện Biên cũng cho hay, việc phân cấp cho địa phương quản lý quốc lộ sẽ giúp các địa phương chủ động kế hoạch, bố trí nguồn vốn thực hiện công tác bảo trì. Tuy vậy, ông Kiên thừa nhận, với những tỉnh nghèo, việc phân cấp quản lý sẽ gặp khó khăn khi nguồn kinh phí bảo trì còn hạn chế: "Chúng tôi đề xuất cần tạo sự chủ động hơn cho các địa phương được phân cấp. Thứ 2, đề nghị Bộ GTVT quan tâm hơn, đầu tư kinh phí liên quan đến công tác bảo trì, bảo dưỡng, liên quan sửa chữa lớn, sửa chữa vừa. Chủ yếu liên quan đến kinh phí thực hiện là chính".

Đại diện lãnh đạo Sở GTVT Hải Dương cũng bày tỏ, cần có quy định cụ thể để tránh việc mỗi địa phương áp dụng các chính sách và tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau: "Cách quản lý cần phải có hướng dẫn, kiểm tra, làm sao cách quản lý phải đồng bộ. chứ không để mỗi địa phương một kiểu lại khó. Bởi hiện nay mỗi địa phương lại có kiểu riêng, nên nếu Cục chỉ đạo thì nó sẽ đồng bộ hơn".

Theo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay, các địa phương mới đóng góp ý kiến về mô hình phân cấp quản lý hệ thống quốc lộ. Trên cơ sở này, Bộ GTVT sẽ hoàn thành thông tư hướng dẫn thực hiện phân cấp quản lý quốc lộ.

Theo đó, với những địa phương chủ động được nguồn ngân sách, Bộ GTVT sẽ thực hiện phân quyền cho tỉnh quyết định đầu tư, phê duyệt công tác duy tu, bảo trì. Với những địa phương chưa chủ động nguồn kinh phí, Bộ GTVT sẽ thực hiện phân cấp quản lý quốc lộ, trong đó, Bộ GTVT vẫn đảm bảo cấp nguồn kinh phí duy tu, bảo trì hàng năm. Cả hai mô hình này, Bộ GTVT sẽ thực hiện việc kiểm tra, giám sát công tác duy tu, bảo dưỡng, để đảm bảo mặt đường êm thuận.

Vị đại diện này cũng cho hay, dù chưa thực hiện phân cấp, xong hiện có 51 tỉnh, thành phố đã nhận ủy thác với hơn 60% hệ thống quốc lộ của cả nước.

TS Đào Huy Hoàng, Viện KHCN GTVT cho hay, việc phân cấp, phân quyền quản lý quốc lộ là bước tiến, từ chỗ thực hiện ủy thác quản lý quốc lộ. Với hơn 25 nghìn km quốc lộ, trung ương chỉ quản lý khoảng 40% hệ thống quốc lộ, chủ yếu là các quốc lộ trọng điểm. Tuy vậy, một số tuyến quốc lộ mặt đường cũng đã xuống cấp, như Quốc lộ 18, Quốc lộ 3…

Bởi vậy, TS Đào Huy Hoàng cho rằng, dù phân cấp cho địa phương thì cũng phải làm rõ trách nhiệm của địa phương trong kế hoạch duy tu, duy trì, bảo dưỡng hệ thống quốc lộ: "Nó là chuyển từ vai ông này quản lý sang ông kia quản lý, nhưng quan trọng nhất là dù ai quản lý thì quan trọng nhất là nguồn ngân sách có đáp ứng bảo trì toàn bộ mạng lưới đường từ cấp cao đến địa phương theo yêu cầu thực tế không lại là vấn đề khác. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay nó chưa rõ nét lắm, chất lượng mặt đường và vấn đề ATGT vẫn còn rất ngổn ngang".

Sau giai đoạn ủy thác ban đầu, việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương quản lý quốc lộ là một bước tiến quan trọng trong quá trình cải cách hành chính, không chỉ giúp giảm tải gánh nặng cho trung ương mà còn phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương trong việc quản lý và bảo trì hệ thống quốc lộ. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả của việc phân quyền này, cần thực hiện phân vai cụ thể và chính sách hỗ trợ thích hợp để việc bảo trì hệ thống quốc lộ được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Vấn đề phân cấp, ủy quyền trong quản lý công trình giao thông, bao gồm các tuyến quốc lộ, được bàn đến trong những năm gần đây. Mặc dù chưa thực hiện phân quyền triệt để, song đến thời điểm này Bộ GTVT đã ủy thác cho các địa phương quản lý hơn 15 nghìn km quốc lộ (tương đương hơn 60%). Cùng với gần 600 nghìn km các loại đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã và đường khác trên địa bàn, địa phương đang quản lý hơn 95,6% chiều dài toàn bộ các đường bộ của Việt Nam.

Việc ủy thác quản lý quốc lộ cho các địa phương nhằm giảm bớt áp lực cho trung ương và tận dụng sự hiểu biết cụ thể của địa phương về tình hình giao thông trên địa bàn.

Tuy nhiên, việc ủy thác này mới chỉ là bước khởi đầu. Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua đã đặt ra yêu cầu tiến tới việc phân cấp, phân quyền thực sự cho các địa phương, nhất là những địa phương có khả năng tự cân đối thu chi.

Việc phân quyền quản lý quốc lộ giúp các địa phương chủ động hơn trong việc lập kế hoạch và triển khai các dự án bảo trì, nâng cấp hệ thống giao thông. Khi các địa phương được trao quyền chủ động, họ sẽ có trách nhiệm lớn hơn trong việc sử dụng nguồn lực, giảm thiểu lãng phí và thất thoát. Đồng thời, việc phân quyền còn tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông một cách linh hoạt và kịp thời.

Tuy vậy, để việc phân cấp, phân quyền quản lý quốc lộ đạt hiệu quả, trước hết, cần xây dựng một khung pháp lý rõ ràng và đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc quản lý và bảo trì quốc lộ. Khung pháp lý này cần bao gồm các quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các địa phương, cơ chế giám sát và các biện pháp xử lý vi phạm. Khi đó, Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ chỉ tập trung quản lý các quốc lộ chính yếu, còn lại phân cấp cho các tỉnh, thành phố, các Sở GTVT quản lý các tuyến quốc lộ thứ yếu. Địa phương được phân cấp, phân quyền sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong quản lý tuyến đường.

Thứ hai, cần tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ địa phương. Đây là yếu tố quan trọng giúp các địa phương có đủ khả năng và kiến thức để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Các chương trình đào tạo nên tập trung vào các kỹ năng quản lý dự án, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, và các biện pháp bảo trì, sửa chữa hạ tầng giao thông.

Ngoài ra, cần xây dựng một cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả công tác quản lý, bảo trì quốc lộ tại các địa phương. Cơ chế này cần đảm bảo tính minh bạch, công bằng và khách quan, từ đó giúp trung ương có thể kịp thời phát hiện và khắc phục những vấn đề còn tồn tại, đồng thời tạo động lực cho các địa phương nỗ lực hơn trong việc quản lý, bảo trì quốc lộ.

Phân quyền cho các địa phương quản lý quốc lộ không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho trung ương mà còn tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tính sáng tạo, chủ động trong quản lý và bảo trì quốc lộ. Đó cũng là xu thế tất yếu để tách bạch dần công tác quản lý nhà nước và công tác quản lý, bảo trì mạng lưới quốc lộ trên toàn quốc.

Từ khóa: quốc lộ, quốc lộ, bộ giao thông vận tải, phân cấp quản lý quốc lộ,phân cấp cho địa phương quản lý Quốc lộ,Bộ GTVT,quản lý Quốc lộ

Thể loại: Xã hội

Tác giả: quách đồng/vov-giao thông

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan