Địa đạo Củ Chi: "Thành phố dưới lòng đất"
Cập nhật: 01/05/2021
Cao Bang on Lonely Planet list of best places to visit in Southeast Asia
Snake-shaped figurines created for Lunar New Year celebration
[VOV2] - Cách trung tâm TP HCM khoảng 70 km về hướng Tây Bắc, địa đạo Củ Chi là một "kỳ quan" độc đáo có một không hai, được mệnh danh là “thành phố trong lòng đất”.
Địa đạo Củ Chi là một trong 6 công trình nhân tạo đặc biệt nhất thế giới, cũng là một trong 7 điểm đến kỳ lạ nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Với hệ thống đường hầm dài 250km, bên trong địa đạo là đầy đủ các công trình như: chiến hào, kho cất giấu lương thực, bếp ăn, giếng nước, phòng ở, phòng làm việc, bệnh xá… liên hoàn như mạng nhện đã biến Củ Chi thành căn cứ địa vững chắc cho quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Ngày nay, địa đạo đã được xếp hạng di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia, là điểm đến thú vị thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử chiến tranh của quân dân Việt Nam.
Địa đạo Củ Chi được hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1948). Giai đoạn này, quân dân của 2 xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An đã đào những đoạn hầm ngắn với mục đích ẩn nấp và cất giấu vũ khí. Thời gian đầu, mỗi làng xây dựng một địa đạo riêng, nhưng sau do nhu cầu đi lại giữa các làng, xã, họ đã nối liền các địa đạo này tạo thành một hệ thống liên hoàn, phức tạp hơn.
Trong quá trình tham quan, du khách sẽ thấy các lối đi bí mật xuống địa đạo. Thám hiểm địa đạo Củ Chi dưới lòng đất là điều thú vị nhất mà du khách muốn trải nghiệm khi đến đây. Để đảm bảo an toàn thì bạn hãy chỉ xuống khi có hướng dẫn viên đi kèm thôi nhé. Các lối vào – ra, thông gió, hầm… chằng chịt như tổ kiến, chẳng thể tin là bạn đang thám hiếm ở một nơi do chính người dân Sài Gòn xây nên.
Anh Nguyễn Hà Khánh, một du khách lần đầu đến thăm địa đạo Củ Chi đã không giấu nổi sự ngưỡng mộ, thán phục, không ngờ ông cha ta lại có thể đào được địa đạo tinh vi thế này: "Khi vào các đường hầm tôi như lạc vào thế giới cổ tích của những người lùn hay một mê cung nào đó. Rất tuyệt vời".
Tham quan địa đạo Củ Chi, các hướng dẫn viên sẽ cho bạn 2 lựa chọn: đi từ lối ở bên trong hoặc lối bên ngoài vào. Số cửa vào không có nhiều, chỉ gồm lối đi chính và các cửa bí mật. Các lối bí mật rất khó đi và chỉ dành cho những bạn có máu mạo hiểm. Riêng các lối đi chính thì tương đối rộng. Trước kia, đây là chiến hào dẫn về hầm hoặc nơi cáng thương binh, tiếp tế lương thực, sau này mới được mở rộng.
Đi vào đến căn cứ bên trong, bạn sẽ thấy nhiều căn phòng rộng và di sản văn hóa có giá trị. Phòng cứu thương, phòng học, phòng họp, có cả chiếc xe tăng trong sở chỉ huy… và nhiều thứ đáng chụp ảnh đấy.
Nói về ngụy trang không thể không nói tới một loại bếp đặc biệt trong địa đạo: bếp Hoàng Cầm. Điểm độc đáo của loại bếp này là hạn chế tối đa khói bếp phát tán lên mặt đất để địch không biết vị trí chính xác của quân ta ở đâu.
Anh Trần Triết Hùng, hướng dẫn viên khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi giới thiệu: “Trước khi cho khói lên mặt đất thì du kích sẽ giữ những khói đó trong các ụ như thế này. Chúng ta sẽ đào từ bếp khoảng cách ít nhất là 100-150 mét, có từ 4-5 cái ụ. Khi bắt đầu nấu thì khói sẽ dồn vào ụ đầu tiên. Nếu ụ đầu tiên đầy rồi thì khói sẽ lan sang ụ kế. Cứ như vậy, khói lên mặt đất sẽ được chia ra ít nhất thành 3 mũi, càng ít khói chừng nào thì địch sẽ càng khó phát hiện chừng đó”.
Nói đến bếp Hoàng Cầm thì phải nói đến một món ăn đặc biệt gắn liền với những cuộc đấu tranh của các chiến sỹ năm xưa, đó là món sắn luộc chấm muối vừng, mà ở miền Nam gọi là món khoai mì. Thời đó, cây sắn mọc như những cây dại nên lính Mỹ không hề biết là cây lương thực để phá. HDV Trần Triết Hùng chia sẻ, cây sắn không chỉ là một loại thực phẩm cứu đói mà còn có nhiều công dụng khác với các chiến sỹ năm xưa.
“Du kích ngày xưa một củ như thế này phải chẻ làm đôi, làm ba… chia nhau ăn. Ví dụ anh với tôi là đồng đội với nhau thì mình chia nhau để có cái ăn mà cầm cự mà đánh. Lá khoai mì cũng có thể ăn được, đặc biệt là những lá non. Một công dụng nữa của lá khoai mì, theo cách dân gian ông bà truyền lại, là mình phơi khô, rồi khi da có vết bỏng hay vết thương thì mình đắp lên, nó có khả năng cầm máu”.
Không chỉ là một điểm đến mang ý nghĩa lịch sử, địa đạo Củ Chi còn có khá nhiều hoạt động và điểm đến thú vị, lí tưởng cho những chuyến đi thư giãn cuối tuần hay ngày nghỉ lễ. Trong khuôn viên địa đạo có cả một khu vui chơi giải trí với rất nhiều hoạt động như: thuê xe đạp đi dạo, bơi lội, cắm trại, ăn uống, chèo thuyền, đi ca nô, đạp vịt. Đa số các trò chơi bạn phải mua vé. Một số trò chơi mà bạn không thể bỏ qua là trò chơi mô phỏng chiến tranh. Đây là trò chơi rất thú vị và có sức hấp dẫn với các bạn trẻ.
Bạn Lê Hữu Thành, một du khách đến từ Huế cảm nhận: “Không chỉ là công trình quân sự nổi tiếng của Việt Nam và thế giới, là di tích lịch sử... địa đạo Củ Chi còn là một điểm đến hấp dẫn với du khách. Tôi may mắn được đến đây và tham gia các trò chơi mô phỏng chiến tranh. Tôi như được quay trở lại thời chiến tranh Việt Nam chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tôi cũng được thử tháo lắp súng, đánh trận giả bằng súng sơn, trải nghiệm bắn súng thể thao quốc phòng... Những trải nghiệm có thể nói là vô cùng thú vị và bổ ích”.
Ngoài ra, nếu đi theo nhóm hoặc gia đình, bạn cũng có thể cắm trại và dã ngoại bên bờ sông. Vào buổi chiều, không khí quanh bờ sông Sài Gòn rất mát, hãy trải nghiệm đi thuyền trên sông nhé.
Đến chiều, khi đã kết thúc một ngày tham quan, bạn có thể di chuyển ra bên ngoài để tìm các cửa hàng ăn. Xung quanh địa đạo Củ Chi có khá nhiều hàng ăn với thực đơn đa dạng, có thịt bò, thịt trâu, đồ nướng, các loại cá vùng sông nước… bạn có thể tùy chọn theo khẩu vị và túi tiền của mình.
Với diện tích rộng lớn, không gian xanh mát và nhiều hoạt động giải trí, trải nghiệm đa dạng... địa đạo Củ Chi là điểm đến thích hợp để bạn vừa thư giãn cuối tuần, vừa hiểu biết thêm về truyền thống lịch sử của cha ông.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Từ khóa: địa đạo Củ Chi, hầm ngầm, chiến tranh, chiến hào, lịch sử
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2