Đi phà ở Sydney: Một trải nghiệm đáng nhớ
Cập nhật: 16/04/2020
VOV.VN -Ngắm nhìn Sydney từ những chiếc phà công cộng chở khách là một trải nghiệm thú vị cho nhiều du khách phương xa đến thăm thành phố.
Đã từ lâu, các tuyến phà là một phần quan trọng với giao thông của Sydney, một thành phố ven biển với hệ thống sông, vịnh ăn sâu vào đất liền. Hiện tại, Sydney có 8 tuyến phà công cộng lớn, được đánh số từ F1 đến F8 (F là chữ viết tắt tiếng anh của Ferry, nghĩa là phà) khởi hành từ trung tâm thành phố (bến tàu Circular Quay, gần nhà hát Opera Sydney – "Nhà hát Con sò" nổi tiếng) tỏa đi các khu vực dân cư tập trung lớn và các điểm tham quan nổi tiếng như Manly, Parramatta, Vườn thú Taronga. Thời gian cho lộ trình một chiều trên các tuyến phà kéo dài từ khoảng 30 phút đến khoảng 2 tiếng. Do vậy, với thời gian một ngày, du khách có thể lựa chọn tối đa 3-4 tuyến phà để tham quan các khu vực khác nhau của thành phố.
Nguồn ảnh: Bộ Giao thông bang New South Wales. |
Dễ dàng, thuận tiện đi lại
Ngắm nhìn thành phố Sydney từ trên phà có nhiều điểm thuận lợi. Chỉ có từ trên phà, du khách mới có được cái nhìn bao quát cả "Nhà hát Con sò" và cầu Cảng Sydney trong một khuôn hình. Sydney cũng nổi tiếng bởi khí hậu ôn hòa, bầu trời quang đãng, trong xanh với khoảng 260 ngày nắng/năm (kể cả trong mùa đông) nên việc du ngoạn trên boong những con phà cũng rất thuận lợi về thời tiết và thuận lợi cho việc chụp ảnh.
Nếu là người thích ngắm cảnh sắc thiên nhiên kết hợp với cuộc sống đô thị, bạn có thể chọn tuyến phà F3 từ bến tàu Circular Quay đi thành phố Parramatta. Đây là tuyến phà có chiều dài khoảng 15 km, dọc theo con sông Parramatta theo hướng đi vào sâu trong nội địa. Hai bên bờ sông Parramatta là các khu vực có nhiều cảnh sắc phong phú: từ các vách đá cao đến các bãi tắm nhỏ cát mịn, lặng sóng; từ các khu dân cư với kiến trúc cũ đến các khu đô thị mới tráng lệ; từ các khu vực quần cư với nhà cửa san sát đến những không gian công cộng xanh mát mắt của Công viên Olympic Sydney hay bến cuối – công viên Parramatta.
Cảnh sắc thiên nhiên dọc theo lộ trình của hệ thống phà Sydney.(Nguồn: https://concreteplayground.com) |
Bạn cũng có thể lựa chọn xuống một vài điểm dừng trên lộ trình để tham quan thêm và quay lại sau khoảng 30 phút để bắt chuyến phà sau đi tiếp theo lộ trình. Người Úc gọi kiểu đi lại, tham quan này là "hop-on, hop-off". Bạn sẽ không bị tính thêm lượt vé phà khi đi kiểu "hop-on, hop-off" này nếu thời gian từ lúc rời phà trước đến lúc lên phà sau nhỏ hơn 60 phút.
Đảo Cockatoo trên sông Parramatta, một điểm dừng nổi tiếng của các tuyến phà F3, F8 (Nguồn: sitchu.com.au). |
Nếu là người yêu thích cảnh sắc thiên nhiên, sông nước hùng vỹ, bạn có thể lựa chọn các tuyến phà hướng ra phía biển, ví dụ như tuyến F1 đi bãi biển Manly hoặc F4 đi vịnh Watsons. Dọc theo hành trình, bạn có thể ngắm nhìn nhiều khu vực công viên quốc gia, bến du thuyền san sát, các chiến hạm của Hải quân Hoàng gia Australia đang neo đậu ở quân cảng Sydney và vịnh Watsons.
Sơ đồ mạng lưới 08 tuyến phà của Sydney xuất phát từ bến Circular Quay. |
Là tuyến đường thủy nội địa nhưng cảng Sydney là khu vực nước sâu, thuận tiện cho cả những du thuyền loại lớn nhất thế giới với 5-6 nghìn khách hay thậm chí cả các tàu sân bay của Hải quân Mỹ cũng đã từng neo đậu trong khu vực cảng này. Những người yêu cảnh sông nước hùng vỹ cũng sẽ có cơ hội ngắm nhìn biển Thái Bình Dương mênh mông khi các con phà di chuyển gần đến điểm cuối của các hành trình.
Với du khách quan tâm đến cách thức du lịch này, việc di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng từ nơi ở đến bến phà cũng rất tiện lợi. Bến tàu Circular Quay chỉ cách ga tàu điện ngầm Circular Quay khoảng 100m và rất nhiều tuyến tàu điện ngầm từ các khu đô thị xung quanh Sydney đều đi thẳng tới ga này. Khu vực xung quanh ga Circular Quay cũng là điểm đầu - cuối của rất nhiều tuyến xe buýt công cộng tại Sydney. Một tuyến tàu điện mặt đất cũng mới được hoàn thành, kết nối các khu dân cư phía đông Sydney đến khu vực ga Circular Quay.
Một con phà đang rời bến đầu Circular Quay, khu vực cảng Sydney.(Nguồn: thesun.co.uk) |
Chi phí hợp lý
Nếu chủ động thu xếp, du khách có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Chỉ cần sắm cho mình chiếc vé điện tử có tên Opal (Opal card), du khách đã sở hữu tấm vé điện tử để đi lại trên hầu như toàn bộ mạng lưới giao thông công cộng tại Sydney, bao gồm hệ thống phà kể trên. Chi phí cho tấm thẻ là 0 dollar Úc nhưng du khách cần nạp (top-up) ít nhất 10 dollar Úc cho mỗi thẻ mua mới. Số tiền còn lại nếu không dùng hết cũng sẽ không được hoàn lại như tại các thành phố lớn khác của Úc.
Cảnh sắc hai bên bờ. |
Tuy nhiên chi phí này vẫn còn rất bình dân so với chi phí các xe du lịch chạy tuyến cố định đi qua các điểm du lịch chính. Nếu di chuyển giữa các loại phương tiện khác nhau (từ xe bus sang tàu điện, từ tàu điện sang phà …) trong thời gian dưới 60 phút, du khách chỉ bị tính một lượt đi lại với giá vé được tự động trừ vào thẻ, tính từ điểm đầu đến điểm cuối hành trình. Việc đi lại trong các ngày chủ nhật còn được ưu đãi hơn nữa với chỉ 2,5 – 3 dollar không giới hạn thời gian hay số lượt đi lại.
Trải nghiệm đi phà là lựa chọn không thể bỏ qua của du khách Việt khi đến Sydney. |
Để có trải nghiệm du lịch không nhất thiết phải tốn kém, cũng không cần quá cầu kỳ, phức tạp. Nếu bạn chỉ có một khoảng thời gian ít ỏi ở thành phố xinh đẹp này, thưởng thức cảnh sắc thiên nhiên, con người Úc từ những con phà sẽ là một sự lựa chọn mà bạn không thể bỏ qua./.
Từ khóa: Đi phà ở Sydney, kinh nghiệm du lịch sydney, du lịch sydney, trải nghiệm đi phà ở sydney
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN