Đi lễ chùa đầu năm - Ý lành, tâm thiện

Cập nhật: 10/02/2022

[VOV2] - Đi lễ chùa đầu năm dịp Tết đến, xuân về là nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt Nam. Thế nhưng việc đi lễ chùa, đền hoặc đến những chốn tâm linh đang bị nhiều người làm lệch lạc.

Chùa là trung tâm văn hóa của làng xã và phố phường. Đó không chỉ là nơi thực hiện nghi lễ tâm linh mà còn là nơi giao hòa giữa các thành viên trong cộng đồng với nhau. Đặc biệt trong dịp Tết, người Việt có phong tục rất đẹp, thanh lịch là năm mới vãn cảnh chùa để tinh thần của mình được thanh tịnh, tĩnh lặng, tìm một nguồn năng lượng, động lực mới để tiếp tục lao động sản xuất trong năm. Đi lễ chùa đầu năm, mỗi người đi lễ với mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, Giảng viên Khoa Văn học - Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay: Phật giáo là một tư tưởng triết học lớn, do đức Thích Ca Mâu Ni là người khởi xướng. Chính vì vậy hình tượng Đức Phật, đại diện Phật giáo chính là đại diện cho những tư tưởng triết học và giáo lý mà bản thân Phật giáo muốn đem đến cho người dân. Đó là những khuyên răn về việc hướng thiện, về luật nhân quả tức là tự mình làm việc thiện sẽ nhận lại cho mình những điều tốt đẹp. Theo ông Vỹ, khi đi chùa cần phải chú ý tới lễ bái, trong đó có thân lễ (đi đứng ăn mặc phải nghiêm trang), tâm lễ (tâm của người đi chùa phải hướng tới sự tôn trọng), khẩu lễ (không nói tự do phóng khoáng, rộn ràng) và ý lễ (nghĩ đến những gì đã làm thời gian qua phải trang nghiêm). Tiếp đó, việc cúng dường, bỏ tiền công đức giúp đỡ chùa là việc làm tùy tâm, tùy hoàn cảnh chứ không đánh giá cái tâm qua việc cúng ít hay nhiều. Ngoài ra, việc đi chùa cũng là để giác ngộ (xám hối, hướng đến chân lý cơ bản) hay cầu may, du ngoạn, đến chùa để giải trí, thanh tịnh, thoải mái tâm hồn.

Còn theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và phát triển - Học viện Báo chí Tuyên truyền thì vạn vật luôn luôn biến đổi và phát triển nên lễ chùa của người dân cũng có sự đổi thay. Trước đây, mỗi làng có một chùa, chỉ là những người dân ở lân cận làng xã thực hiện nghi lễ tâm linh là chính. Nhà nào có sản phẩm gì đều mang đến đó với lòng thành tâm của mình, có thể chỉ quả cau, lá trầu, chùm khế, trái ổi hay đóa hoa hồng bạch, hoa mẫu đơn để thành tâm lễ cửa phật. Ngày nay, khi xã hội ngày càng thay đổi, kinh tế của người dân có sự phát triển rõ rệt, việc lễ cũng đã khác xưa, có sự thay đổi theo hướng hiện đại hóa.

Khi thái tử Tất Đạt Đa cách đây hơn 2.500 năm rời bỏ cung điện để đi tìm đường giải thoát cho mình, đạo phật nguyên thủy chỉ là con đường giải thoát, Đức Phật không phải là thần linh để ban phước, giáng họa cho chúng sinh. Nhưng khi đạo phật phát triển ra các khu vực trên thế giới và đến Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Đạo Phật đã kết hợp với văn hóa dân gian, Phật trở thành một vị thần thánh, người dân vào chùa để dâng lễ và cầu nguyện. 

Tuy nhiên, nhiều người lại nghĩ, lễ vật càng nhiều, tiền cung tiến càng nhiều, cầu mong càng được như ý, đó là quan niệm không chính xác. Phật tức tâm, cái tâm con người tốt, trong sáng, tĩnh tại thì mọi việc sẽ được như ý.

Dưới góc độ pháp lý, Hiến Pháp 2013 và Luật Tín ngưỡng 2016, mọi người có quyền tự do tín ngưỡng và Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đó. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, mỗi người dân đều phải có trách nhiệm bảo vệ chính mình và cộng đồng khỏi nguy cơ lây nhiễm Covid – 19.

Mời quý vị và các bạn nghe trao đổi của phóng viên VOV2 với các khách mời về việc đi lễ chùa tại đây:

 

Từ khóa: lễ chùa, cúng phật, đi lễ, đầu năm, xuân mới, lễ phật, ăn mặc, cửa chùa, VOV2

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập