Dệt may Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn năm 2020
Cập nhật: 26/12/2019
Phiên chứng khoán chiều qua: Thị trường tăng nhẹ, giao dịch quanh mốc 1230 điểm (26/11/2024)
Hà Nội tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh y, dược vi phạm (26/11/2024)
VOV.VN - Để đạt được mục tiêu xuất khẩu 42 tỷ USD năm 2020 và 60 tỷ USD năm 2025, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Nhiều năm trở lại đây, ngành dệt may luôn tăng trưởng khá và là một trong những ngành công nghiệp chủ lực và mũi nhọn của Việt Nam. Tuy vậy, nhìn lại năm 2019, các doanh nghiệp dệt may đã trải qua rất nhiều khó khăn.
Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) - ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp dệt may phải chịu sức ép bởi những tác động của thị trường thế giới. Nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, giá gia công giảm mạnh, ngành sợi vừa bị giảm giá lại không bán được hàng. Căng thẳng leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài cũng đã ảnh hưởng lớn đến ngành sợi Việt Nam…
Cùng với đó, hàng dệt may Việt Nam đang mất dần lợi thế cạnh tranh so với các nước xuất khẩu khác là Ấn Độ và Bangladesh. Nhiều đơn hàng có xu hướng chuyển dịch sang 2 quốc gia này, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng nghiêm trọng.
Dệt may Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2020. (Ảnh minh họa) |
Cũng theo đại diện Vitas, không chỉ gặp khó khăn do cạnh tranh gay gắt từ các thị trường xuất khẩu, ngành dệt may còn phải đối mặt với những thách thức trong nước. Nhiều doanh nghiệp dệt may còn nhỏ về quy mô, thiếu tiềm lực tài chính, công nghệ và kỹ thuật… khiến năng suất lao động bình quân thấp hơn so với các nước trong khu vực. Các chi phí đầu vào liên tục tăng làm suy giảm khả năng cạnh tranh…
Hơn nữa, tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp còn phải “gồng mình” cạnh tranh với hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng được dán mác và thương hiệu hàng Việt Nam. Đáng nói, nhiều thương hiệu lớn của nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam, có ưu thế cạnh tranh và chất lượng vượt trội so với hàng trong nước.
Vitas dự báo, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ đạt khoảng 39 tỷ USD, tăng hơn 7,5% so với năm 2018, giảm 1 tỷ USD so với mục tiêu đặt ra.
Trước tình hình nội tại, các chuyên gia nhận định, năm 2020, thị trường dệt may toàn cầu cũng như Việt Nam vẫn tiếp tục chịu tác động lớn từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung.
Trong năm tới, ngành đặt mục tiêu tổng giá trị xuất khẩu đạt 42 tỷ USD, phấn đấu đến năm 2025, con số này là 60 tỷ USD.
Để đạt được kết trên, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp dệt may trong thời gian tới. Bên cạnh đó, để tận dụng được cơ hội từ EVFTA, ngành dệt may cần chú trọng tháo gỡ những nút thắt về nguồn cung nguyên liệu đã và đang bị thiếu hụt, cùng với đó là các vấn đề về nguồn nhân lực chất lượng cao, vấn đề môi trường.
Đặc biệt, với xu hướng hội nhập và phát triển trong cuộc cách mạng 4.0, đòi hỏi doanh nghiệp phải tự đổi mới mình, tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm, hạ giá thành… có như vậy mới đủ sức “sánh vai” và cạnh tranh với các đối tác lớn trên thế giới./.
Dệt may Việt Nam “vật vã” tìm kiếm đơn hàng
Từ khóa: dệt may Việt Nam, xuất khẩu dệt may, Hiệp định EVFTA, Vitas, thương chiến Mỹ-Trung
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN