Đến hạn 31/12, thu phí không dừng ETC gỡ sao cho hết vướng?

Cập nhật: 16/03/2020

VOV.VN - Thu phí không dừng ETC chỉ thành công khi người dân nhìn thấy lợi ích của mình từ chính sách, khi đó tự khắc người dân chấp hành không cần cưỡng bức.

Hạn chót tiến hành thu phí không dừng trên toàn quốc vào ngày 31/12 theo chỉ đạo của Thủ tướng đã cận kề nhưng đến nay, hầu hết các trạm thu phí được bổ sung vào giai đoạn 1 dự án chưa áp dụng thu phí tự động không dừng ETC. Một số trạm mới chỉ vừa lắp đặt xong hệ thống thiết bị. Cá biệt, có trạm mới đang triển khai, công việc vẫn còn ngổn ngang và ô tô vẫn phải xếp hàng dài chờ trả tiền mặt.

den han 31/12, thu phi khong dung etc go sao cho het vuong? hinh 1
Mặc dù nhiều trạm thu phí đã lắp xong thiết bị thu phí tự động không dừng ETC nhưng phương tiện qua trạm thu phí vẫn phải trả tiền mặt.

Có luồng thu không dừng, ô tô vẫn phải trả tiền mặt

Tại trạm thu phí khu vực Vòng trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, hệ thống thu phí tự động ETC mới được đơn vị này lắp đặt xong.

Tuy nhiên, hệ thống tổ chức giao thông tại trạm như: Cắm biển hướng dẫn phân làn từ xa, sơn kẻ hướng dẫn phân biệt làn dành riêng cho ETC để phương tiện đi vào chưa được thực hiện. Khoảng 7.000 xe qua trạm mỗi ngày vẫn phải xếp hàng mua vé.

Theo ông Nguyễn Hải Long, Phó giám đốc Trung tâm giám sát khai thác vận hành đường cao tốc Việt Nam cho biết, đến nay đơn vị đã hoàn thành lắp đặt 15 làn thu phí không dừng tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, phấn đấu đến 31/12 sẽ đưa vào vận hành.

“Dự kiến ngày 16/12 sẽ kết nối thông tuyến với đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ. Sau khi chạy thử hệ thống, nếu đáp ứng các chỉ số chính xác sẽ vận hành hệ thống toàn tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình. Các dự án còn lại VEC đã báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước bố trí nguồn vốn để thực hiện trong năm 2020”, ông Long cho biết.

den han 31/12, thu phi khong dung etc go sao cho het vuong? hinh 2
Nhiều trạm thu phí đã lắp đặt xong thiết bị thu phí tự động không dừng nhưng do còn nhiều "bất tiện" nên người dân chưa mặn mà.

Ông Long cho rằng, việc chậm trễ này do vướng mắc về cơ chế nên VEC gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn. Khác với các trạm thuộc giai đoạn 1, các dự án của VEC được bổ sung vào dự án và do VEC tự lắp đặt thiết bị, sau đó sẽ được kết nối dữ liệu với VETC.

“Do vừa phải thi công, lắp đặt, vận hành khai thác, hơn nữa trên tuyến có tới 40 làn mà mới chỉ lắp được 15 làn, đến năm 2020 sẽ triển khai các làn còn lại”, ông Long cho biết.

Tương tự, trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ, trên QL5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, trạm thu phí QL1A Hà Nội – Bắc Giang, BOT Phả Lại, BOT Đại Yên…cũng phải thực hiện thu phí không dừng từ 1/1/2020. Tuy nhiên, họ vẫn thu phí bằng tiền mặt, ETC đang được triển khai.

Ông Vũ Hữu Thành, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho biết, việc VIDIFI chậm triển khai là do gặp vướng mắc về cơ chế nguồn vốn. Thủ tục đầu tư thu phí không dừng theo cơ chế nguồn vốn ngân sách nên các thiết kế, đấu thầu, thi công đều phải tuân thủ.

Đến nay, VIDIFI đã lắp đặt được hai làn ETC các trạm trên QL5, chuẩn bị vận hành. Tuy nhiên, để vận hành chính thức cần đàm phán ký hợp đồng dịch vụ kết nối với Công ty VETC. Hiện hai bên đang đàm phán để sớm vận hành chính thức trước ngày 31/12 đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Còn nhiều bất cập, chủ xe e dè

Việc các nhà đầu tư BOT chậm triển khai chỉ là một trong những bất cập tồn tại của thu phí không dừng. Chính việc chưa nhận thấy được rõ ràng lợi ích, nên tỷ lệ các phương tiện dán thẻ Etag còn rất thấp với khoảng 700.000 thẻ/3,5 triệu xe ô tô trong cả nước, số chủ phương tiện nạp tiền sử dụng dịch vụ đạt khoảng 30%.

Đề cập vấn đề này, ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho rằng, sau khi Tổng cục Đường bộ VN ra quân phân làn phương tiện, nhiều chủ phương tiện đã thay đổi ý thức đi đúng làn.

Cùng đó, số lượng chủ phương tiện dán thẻ nhiều hơn, trong 2 tuần gần đây, lượng phương tiện đến dán thẻ bằng 1 tháng trước đó, nâng tổng số phương tiện được dán thẻ là gần 900.000 xe.

den han 31/12, thu phi khong dung etc go sao cho het vuong? hinh 3
Trạm thu phí số 1 trên QL5 vừa được VIDIFI hoàn thành lắp đặt thiết bị thu phí không dừng.

“Ở Việt Nam, thu phí không dừng là lĩnh vực mới, vì vậy không thể áp đặt ngay được cho người dân mà phải có lộ trình thực hiện. Khi người dân nhận thức được lợi ích của thu phí không dừng cùng với chế tài xử phạt, tỷ lệ người sử dụng sẽ tăng cao”, ông Vinh nói.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, tiến độ dự án thu phí không dừng đến nay đang chậm so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nguyên nhân được ông Huyện chỉ ra vì đây là lĩnh vực mới, người dân còn thói quen dùng tiền mặt, dẫn đến số lượng dán thẻ và sử dụng dịch vụ thấp khiến cho nhà đầu tư cung cấp dịch vụ lỗ vốn.

“Đối với các dự án của VEC không triển khai được do không có nguồn vốn, nguyên nhân do VEC được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nên gặp khó về nguồn vốn. Đối với dự án giai đoạn 2, nhà đầu tư chưa thành lập được doanh nghiệp dự án nên chưa triển khai được các bước tiếp theo, phấn đấu năm 2020 sẽ hoàn thiện”, ông Huyện cho biết.

den han 31/12, thu phi khong dung etc go sao cho het vuong? hinh 4
Thu phí không dừng ETC chỉ thành công khi người dân nhìn thấy lợi ích của mình từ chính sách, khi đó tự khắc người dân chấp hành không cần cưỡng bức.

Cũng theo ông Huyện, trong 1 tháng qua, tiến độ dự án giai đoạn 1 đã có chuyển biến tốt, 26 trạm thuộc giai đoạn này đã có làn thu phí không dừng để người dân sử dụng. Với tiến độ này, tỷ lệ người dân lưu thông qua làn thu phí không dừng sẽ được nâng cao. Đây được xem là giải pháp giúp nhà đầu tư dịch vụ giai đoạn 1 giảm được lỗ, thúc đẩy người dân trên toàn quốc sử dụng dịch vụ, đảm bảo chống ùn tắc cũng như đảm bảo ATGT.

“Đến thời điểm này, các nhà đầu tư BOT đã nhận thức và chuyển biến tốt hơn trong thực hiện dự án. Việc ký phụ lục hợp đồng giữa các bên cơ bản đã đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, đây là dự án mới nên đang tồn tại mâu thuẫn về hiệu quả kinh tế giữa ngân hàng cung cấp tín dụng cho dự án và nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ. Tổng cục Đường bộ đang tham mưu sửa Quyết định 07 của Thủ tướng, trong đó có sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng, chấp thuận kéo dài thời gian thu phí dự án để có nguồn kinh phí triển khai”, ông Huyện nói.

Thu phí không dừng: Cần nhiều lựa chọn hơn

Theo nhà báo Phạm Trung Tuyến – Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông –Đài Tiếng nói Việt Nam, việc nhiều lái xe, doanh nghiệp vận tải không mặn mà với thu phí tự động không dừng đang có rất nhiều lý.

den han 31/12, thu phi khong dung etc go sao cho het vuong? hinh 5
Đã đến lúc Nhà nước cần cụ thể hóa những ràng buộc trách nhiệm đối với chủ đầu tư đường bộ, trong đó có ràng buộc về các giải pháp thu phí không dừng như một phần hạ tầng bắt buộc.

Đầu tiên, việc thu phí không dừng chưa mang tính cấp thiết đối với người sử dụng. Bởi nhiều trạm thu phí chưa triển khai thu phí không dừng, và dù có triển khai thì số cổng thu phí không dừng vẫn ít hơn cổng thu tiền mặt nên đôi khi lựa chọn trả tiền mặt vẫn thuận tiện hơn.

Thứ hai, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân dẫn đến việc phải bỏ sẵn một khoản tiền nhất định trong tài khoản không sử dụng hàng ngày vẫn được coi là thừa thãi khi việc di chuyển đường dài là không thường xuyên.

Thứ ba, việc truyền thông về lợi ích của thu phí không dừng đến đối tượng người dùng chưa được quan tâm. Hiện mới chỉ được truyền thông tại các trung tâm đăng kiểm, trong khi việc mang xe đi đăng kiểm lại phần nhiều được thực hiện bởi những người không có khả năng quyết định, không phải chủ xe, mà là lái xe, hoặc nhân viên giúp việc.

“Việc thu phí không dừng ở các quốc gia đi trước cũng đã từng gặp khó khăn tương tự như câu chuyện ở Việt Nam hiện nay khi không phải ai cũng sẵn sàng với việc dán tem một lần và nạp tiền vào một tài khoản dành riêng cho việc đi lại bằng ô tô. Vì thế, ở châu âu, người ta phát hành rất nhiều loại tem. Tem ngày, tem tuần, tem tháng mà người dùng có thể mua tùy theo nhu cầu của mình”, nhà báo Phạm Trung Tuyến phân tích.

Theo ông Tuyến, câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao người dân không mặn mà với việc dán tem một lần đê trừ tiền dần mỗi lần qua trạm, dù việc đó khiến họ đỡ mất công thao tác mỗi lần qua trạm? “Câu trả lời là lợi ích. Bởi việc dán tem đó không giúp người dân tiết kiệm được đồng nào, trong khi họ đương nhiên phải để một khoản tiền của mình nằm chết trong tài khoản”.

Một câu hỏi nữa cần đặt ra là tại sao ngành đường bộ không phát hành tem phí theo các lựa chọn thời gian? Có hai lý do để người ta không muốn áp dụng cách thức này.

“Thứ nhất là có quá nhiều doanh nghiệp khai thác đường bộ, và các doanh nghiệp này không có phương án liên thông để thu phí người dùng.

Thứ hai là việc phát hành tem phí theo thời gian sử dụng sẽ hạn chế khả năng tận thu của doanh nghiệp. Người dân có thể lựa chọn các hình thức để tận dụng tối đa mỗi lần mua tem phí”.

Từ những phân tích trên, nhà báo Phạm Trung Tuyến khẳng định, việc triển khai thu phí đường bộ không dừng chậm triển khai vì: Thứ nhất, việc đảm bảo các phương án để thu phí không dừng không được đưa vào hợp đồng như một sự ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư; Thứ hai, thói quen áp đặt lựa chọn của các chủ đầu tư đối với người sử dụng dịch vụ, khi mà đường bộ chưa thực sự được nhìn nhận như một dịch vụ.

Để giải bài toán này, ông Tuyến cho rằng đã đến lúc Nhà nước cần cụ thể hóa những ràng buộc trách nhiệm đối với chủ đầu tư đường bộ, trong đó có ràng buộc về các giải pháp thu phí không dừng như một phần hạ tầng bắt buộc.

Đồng thời, cần nhìn nhận các doanh nghiệp đầu tư đường bộ như các nhà cung cấp dịch vụ, với giấy phép kinh doanh có điều kiện. Từ đó, yêu cầu các chủ đầu tư phát triển các dịch vụ đi kèm với nhiều lựa chọn cho người dân.

Chỉ khi người dân nhìn thấy lợi ích của mình từ một chính sách thì chính sách ấy mới có thể đi vào cuộc sống./.

Từ khóa: Trạm thu phí, BOT, Bộ giao thông vận tải, thu phí tự động không dừng, thẻ Etag

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập