Đến 2026 TPHCM mới triển khai 5 dự án giao thông theo hợp đồng BOT là chậm
Cập nhật: 2 giờ trước
SeABank nâng cao năng lực Ban kiểm soát để tăng cường khả năng giám sát
Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Đổi mới Sáng tạo Việt Nam 2024
VOV.VN - TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 bày tỏ sự không hài lòng về tiến độ, thời gian thực hiện các dự án hạ tầng giao thông đường bộ hiện hữu áp dụng BOT bởi có phần chậm trễ so với thời gian của Nghị quyết 98.
Chiều 14/11, Sở Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức Hội nghị tham vấn về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án hạ tầng giao thông đường bộ hiện hữu áp dụng loại Hợp đồng Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao (BOT) theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
5 dự án dự kiến áp dụng hợp đồng BOT mà TP mời gọi đầu tư là Nâng cấp đường trục Bắc Nam (đoạn nút giao Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành); Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An và Xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).
Theo đại diện các đơn vị tư vấn, tổng 5 dự án dự kiến triển khai xây dựng sẽ mở rộng thêm 36,5km đường, thu hồi gần 20 ha diện tích đất và dự kiến tác động đến hơn 5.000 hộ dân, nhất là các hộ dân ở Quốc lộ 13 với tổng mức vốn đầu tư là hơn 59.000 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm, Nghị quyết 98 cho cơ chế là đầu tư theo hình thức BOT trên đường cũ. Đây là phương thức mà TP đã làm rồi, tiêu biểu như mở rộng Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1.
Trước thực tiễn nhu cầu đầu tư, đặc biệt là các tuyến đường trục chính, TP cần nâng cấp mở rộng theo quy hoạch, đảm bảo việc kết nối, hiện đại hóa hạ tầng, phát triển kinh tế, đặc biệt là giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
"Thành phố mạnh dạn đề xuất đầu tư các tuyến đường BOT hiện hữu, tuy nhiên do thí điểm nên chúng ta triển khai có sự giám sát, để thực hiện chặt chẽ, đảm bảo mục tiêu công khai, minh bạch, hiệu quả." Ông Trần Quang Lâm cho biết.
Được biết, 5 dự án dự kiến triển khai theo hợp đồng BOT ở trên được nhà nước bỏ vốn nghiên cứu và chỉ định Sở Giao thông vận tải là cơ quan tiến hành chuẩn bị đầu tư. Trong thời gian qua, Sở đã tổ chức tư vấn, đấu thầu lựa chọn các đơn vị tư vấn để nghiên cứu tiền khả thi.
Ông Trần Quang Lâm cho biết, đây là các công trình đầu tiên được thực hiện theo Nghị quyết 98. Sở phấn đấu cuối năm nay hoặc đầu năm sau hoàn chỉnh báo cáo, sau đó lập dự án khả thi và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vào Quý III, Quý IV năm sau.
Tại buổi tham vấn, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 bày tỏ sự không hài lòng về tiến độ thời gian thực hiện bởi có phần chậm trễ so với thời gian của Nghị quyết 98.
"Nếu cuối quý III năm 2026 mới thi công công trình nào đó trong số này thì mất 3 năm Nghị quyết 98. Nên nghĩ lại cách làm. Chúng ta cần nghĩ phương cách để triển khai sớm 1 hoặc 2 dự án, không để đến 2026 mới bắt đầu đấu thầu đồng loạt. Tôi mong đẩy nhanh 1-2 dự án, kêu gọi nhà đầu tư rút ngắn giai đoạn, thiết kế, đưa quyết định phải triển khai sớm để làm thí điểm." TS Trần Du Lịch đề nghị.
Kết luận hội nghị, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến tham vấn của đại biểu và các đơn vị tư vấn. Ngoài ra, Sở cam kết đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, đề xuất các cơ chế về doanh thu cũng như đảm bảo các điều kiện cạnh tranh công bằng.
Đồng thời, Sở sẽ quan tâm đến các vấn đề kỹ thuật, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và nhân dân; khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch chuẩn bị hồ sơ để có thể khởi công các dự án sớm nhất vào đầu năm 2026.
Từ khóa: BOT, TP.HCM, Sở Giao thông vận tải, Nghị quyết 98, hội nghị tham vấn
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: hà khánh-ctv ngọc anh/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN