Delta đã phải là điểm dừng của Covid-19 hay chưa?

Cập nhật: 24/11/2021

[VOV2] - Một số nhà khoa học cho rằng SARS-CoV-2 vẫn đang đột biến từ từ và sẽ vô hiệu hóa vaccine sau khoảng 10 năm tới. Vẫn có khả năng một biến thể hoàn toàn mới đột ngột xuất hiện và lấn át Delta.

Nhà dịch tễ học Emma Hodcroft của Đại học Bern (Thụy Sĩ), người đang thực hiện dự án thu thập trình tự bộ gien của SARS-CoV-2 trên khắp thế giới Nextstrain, cho biết: “Tôi không nghĩ chúng ta hiểu về SARS-CoV-2 đủ để dự đoán chắc chắn cách vi rút sẽ tiến hóa”.

Một số nhà khoa học cho rằng SARS-CoV-2 vẫn đang đột biến từ từ và sẽ vô hiệu hóa vaccine sau khoảng 10 năm tới. Tuy nhiên, vẫn có khả năng một biến thể hoàn toàn mới đột ngột xuất hiện và lấn át Delta. Theo The Guardian, Giáo sư vi sinh Ravi Gupta tại Đại học Cambridge (Anh) chắc chắn 80% rằng một “siêu biến thể” như vậy có thể gây rắc rối trong 2 năm nữa.

Virus có rất nhiều cách để trở thành siêu biến thể. Các nhà khoa học đã quan sát được hiện tượng tái tổ hợp ở virus, tức các biến thể khác nhau trao đổi đột biến và kết hợp lại để tạo thành biến thể mới. Dù hiện tượng này không phổ biến, ông Gupta vẫn cảnh báo nguy cơ xảy ra ở những nơi có tỷ lệ chủng ngừa thấp.

Một loạt đột biến cũng có thể dẫn đến phiên bản “mạnh mẽ hơn” của biến thể Delta hoặc tạo thành biến thể mới. Tuy các biến thể được ghi nhận gần đây đều là “con cháu” của Delta, giới khoa học nhận định khả năng vi rút tiến hóa là rất cao.

Dù vậy, ông Gupta chỉ ra rằng vấn đề lớn hiện tại là việc biến thể Delta lây lan giữa những người đã tiêm vaccine, đặc biệt là tại Anh. “Khi một người bị ức chế miễn dịch mắc Covid-19 sau khi chủng ngừa, hệ miễn dịch của bệnh nhân có thể không đủ khả năng loại bỏ toàn bộ virus. Những virus còn lại sẽ đột biến để thích nghi với kháng thể rồi sau đó lây cho người khác”, ông Gupta cho biết.

Giới khoa học đang cố gắng dự đoán đặc tính của siêu biến thể tiếp theo, vốn là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên. Thời gian qua, biến thể tồn tại là những biến thể lây nhiễm được nhiều người. Tuy nhiên, với việc tỷ lệ tiêm ngừa ngày càng tăng, những chủng thoát được kháng thể có khả năng sẽ chiếm ưu thế.

Điều này nghe rất đáng sợ, song các chuyên gia cho rằng siêu biến thể mới khó làm vắc xin mất tác dụng hoàn toàn. Theo tạp chí Nature, các nhà sản xuất vaccine vẫn đang chuẩn bị cho cuộc đối đầu với biến thể chết chóc hơn Delta.

Tuy vậy, nhà khoa học Mary Bushman của Đại học Harvard cảnh báo về hậu quả tiêu cực nếu chỉ dựa vào vaccine để kiểm soát Covid-19 và các quy định phòng dịch như bắt buộc đeo khẩu trang bị dỡ bỏ quá sớm. Ông David Peaper, nhà nghiên cứu tại Đại học Yale, có cùng quan điểm: “Cách tốt nhất để ngăn biến thể mới xuất hiện là giảm số ca nhiễm”.

 

Từ khóa: covid, delta, siêu biến thể mới, ca nhiễm, phòng dịch, vaccine

Thể loại: Đời sống

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập