Đề xuất thu phí cách ly: “Chúng tôi muốn được chia sẻ với đất nước”
Cập nhật: 23/03/2020
Dùng “0 đồng” trao cơ hội đón Tết cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim nguy kịch
Sóc Trăng bàn giao 328 căn nhà ở cho hộ nghèo theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát
VOV.VN -“Chỉ cần mỗi người một ít, chi trả phí ăn ở khi cách ly, hoặc có điều kiện hơn nữa trả theo nhu cầu ở dịch vụ, như thế sẽ hợp lý hơn. Phải tính đến cả phương án chống dịch lâu dài”.
Chị Nguyễn Bích Thuý (Chùa Bộc, Kim Liên, Hà Nội) có con du học ở Mỹ được 3 năm. Khi Mỹ bắt đầu có dịch Covid-19, chị Thuý bàn với con xem về hay ở lại, nhưng cậu con trai quyết định ở lại nên chị chiều ý con. Đến khi tình hình dịch bên Mỹ khá căng thẳng, con trai chị lại đang ở thành phố Seattle- tâm dịch lớn nhất của Mỹ, chị thường xuyên gọi điện trao đổi với con về quyết định về nước tránh dịch. Và đến thời điểm hiện nay, 2 mẹ con thống nhất, con trai chị sẽ ở lại Mỹ.
“Nói thật không có người mẹ nào lại không lo lắng khi con ở xa lại đang dịch diễn biến phức tạp như vậy. Nhưng tôi tôn trọng quyết định của con, vì con cũng đã lớn. Hơn nữa, nếu về Việt Nam, nguy cơ lây lan khi di chuyển trên các phương tiện công cộng và máy bay là rất lớn, nên chúng tôi không muốn con mạo hiểm”- chị Thuý nói.
Ai cũng muốn được chia sẻ gánh nặng với đất nước
Dù con không về nước tránh dịch, nhưng ngay từ khi Trung ương MTTQ Việt Nam phát động chương trình hỗ trợ chống dịch Covid-19, chị Thuý đã ngay lập tức gửi tiền đóng góp. “Số tiền tôi góp không lớn nhưng nếu lúc này, mỗi người chia sẻ một chút sẽ đỡ được gánh nặng rất lớn cho Chính phủ. Hơn 2 tháng trời ròng rã, cả nước oằn mình chống dịch, rất tốn kém trong khi điều kiện đất nước không phải là quá dư dả, kinh tế lại bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh. Có cầm lòng được không khi thấy hình ảnh đội ngũ y tế, chiến sỹ, hải quan…gần như vắt kiệt sức để phục vụ người bệnh, phục vụ người về cách ly. Họ cũng là con người, cũng có gia đình, bố mẹ già và con cái như chúng ta, họ cũng cần được chia sẻ cả về vật chất và tinh thần”- chị Thuý xúc động.
Mỗi người cách ly sẽ được khám sức khoẻ liên tục 2 lần/ngày (Ảnh: Vũ Lợi) |
Chị Thuý cho rằng, ngay như bản thân chị và rất nhiều bạn bè của chị có con du học, có người thân ở nước ngoài, họ sẵn sàng chia sẻ gánh nặng với Nhà nước khi có người nhà về cách ly. “Chúng tôi nghĩ, có người nhà về cách ly cũng đã làm phiền rất nhiều cho đất nước. Trong khi con mình, người nhà mình lại được hoàn toàn miễn phí chuyện ăn ở, đi lại, theo dõi sức khoẻ… chính bản thân những người làm mẹ như tôi vô cũng áy náy. Nhà tôi cũng như nhiều gia đình khác, có con đi du học hay người thân ở nước ngoài, so với mặt bằng chung của người dân trong nước đã là có điều kiện hơn nhiều rồi. Chúng tôi cũng không thích được “miễn phí”, trong khi điều kiện đất nước còn khó khăn. Chỉ cần mỗi người một ít, chi trả phí ăn ở khi cách ly, hoặc ai có điều kiện hơn nữa thì trả theo nhu cầu ở dịch vụ, tôi nghĩ thế là hợp lý và phải tính đến cả phương án dịch còn lâu dài”.
Chị Nguyễn Scarlett, Việt kiều ở Nga tỏ ra khá ngạc nhiên khi hiện tại mọi chi phí cách ly được được miễn phí hoàn toàn. “Tôi thường xuyên theo dõi tình hình trong nước và được biết, đến nay số người bị mắc Covid-19 ở Việt Nam cũng đã lên tới con số hơn 100. Và tính đến thời điểm này đã có hàng chục ngàn người về cách ly tập trung. Nếu miễn phí toàn bộ chi phí, tôi nghĩ không thoả đáng. Đây là phí để trả cho nhu cầu ăn ở của cá nhân thì người thụ hưởng phải trả là chuyện bình thường. Nếu họ không phải cách ly, họ vẫn phải mất tiền ăn ở, đi lại. Đất nước còn khó khăn, ai ở trong nước đi ra người cũng đều hiểu điều đó. Và thực sự những người đi ra, trong đó có tôi dù còn khó khăn thì cũng dư dả hơn rất nhiều người. Nhiều người cũng sẽ nghĩ giống tôi, rất ngại khi về tránh dịch lại còn ăn ở “miễn phí”. Ai cũng muốn được chia sẻ gánh nặng với đất nước, nhất là trong lúc dịch dã thế này”.
Chị Nguyễn Scarlett và các con |
Chị Nguyễn Scarlett chia sẻ, xem hình ảnh các anh bộ đội trên mạng, trên báo chị thực sự xót không chịu nổi. Lực lượng chức năng, bộ đội, y bác sỹ phải căng mình, cố gắng hơn 100% sức lực để phục vụ những người bị mắc Covid-19, người về cách ly. “Tôi đã khóc khi nhìn hình ảnh các em sinh viên phải dọn hết đồ đạc, vật dụng cá nhân, có cả tủ lạnh, ti vi to như thế để nhường chỗ cho những người về cách ly. Các em quê xa, gia đình khó khăn để tìm được một chỗ ở không phải dễ dàng. Những người cần được hỗ trợ, cần được tiếp sức là các anh chị ngành y, các anh bộ đội tuyến đầu. Vì thế, chia sẻ với nhau lúc này là việc hoàn toàn nên làm và thành quy định”.
Còn với Nguyễn Scarlett, dù gia đình giục giã chị đưa con cái về trong nước, nhưng chị đã quyết định ngay từ đầu “nhìn hình ảnh các anh sau cả ngày làm việc cật lực, đến chỗ ngủ cũng không có, phải “màn trời chiếu đất” để nhường chỗ cho người về cách ly, thì kể cả khi dịch có lên mức báo động, tôi cũng không ôm con về, không để các anh phải vất vả hơn nữa, sức người cũng có hạn. Chẳng ai xa quê mà muốn mình là gánh nặng cho Tổ quốc”.
Sẵn lòng đồng hành với Chính phủ trong việc phòng chống dịch
Hiện nay, về chi phí, chế độ cách ly đang áp dụng theo quy định tại Thông tư số 32/2012/TT-BTC. Theo đó, người bị cách ly được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh; được cấp không thu tiền gồm: nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt; được miễn phí di chuyển cách ly.
Ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA) cho rằng, thì hiện tại có các nhóm đối tượng chính đươc thực hiện cách ly: Nhóm 1, những người từ nước ngoài trở về Việt Nam (theo đường hàng không, đường biển, đường bộ…), được thực hiện Cách ly tập trung để tuân thủ triệt để các yêu cầu về phòng chống dịch và cách ly y tế bắt buộc. Nhóm 2, nhóm tiếp xúc trực tiếp (F1) với những người bị nhiễm virus và được đưa vào các khu cách ly. Nhóm 3, được cách ly tại nhà (F2….) hoặc tại khu vực bị cách ly (khi khu vực có người bị nhiễm).
Ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA) |
Theo ông Linh, hiện tại nhóm 1 hiện đang được thực hiện cách ly tập trung là có số lượng đông nhất. Với số lượng người bị cách ly theo nhóm này đang tăng theo cấp số nhân hàng ngày thì gánh nặng ngân sách Nhà nước sẽ phải chi trả là khá lớn nếu phải bao cấp hoàn toàn.Ví dụ, đơn giản mỗi ngày chu cấp phí cơ bản là 100.000 đồng/người thì 20.000 người là 2 tỉ đồng/ngày, nhân 14 ngày là 28 tỉ đồng, đó là chưa kể các điều kiện nguồn lực phải chi trả và chuẩn bị cho phòng chống dịch. Nếu số người ngày càng tăng lên nhiều hơn nữa thì sẽ là gánh nặng không nhỏ cho ngân sách Nhà nước.
“Tôi biết rắng Nhà nước, Chính phủ ta thể hiện rất rõ quan điểm là chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng người dân trong đại dịch. Những trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài thực sự cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là nghĩa đồng bào. Nhiều ngày nay, các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 làm việc rất vất vả, dành những điều kiện tốt nhất cho người Việt Nam ở nước ngoài về nước. Điều đó là điều người dân Việt Nam trong nước hay ở nước ngoài đều nhìn nhận rất rõ quyết tâm đó. Và tôi nghĩ rằng tuyệt đại đa số người thuộc nhóm 1 này đều sẵn lòng đồng hành với Chính phủ trong việc phòng chống dịch. Do vậy, theo tôi thì nhóm cách ly này hoàn toàn có thể chịu và chia sẻ phí cơ bản như ăn uống thực phẩm, sinh hoạt cần thiết dùng hàng ngày theo quy định. Như vậy Chính phủ sẽ dồn kinh phí được hơn cho nguồn lực để đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về phòng chống dịch, đảm bảo an toàn và đảm bảo sức khỏe cho khu cách ly tập trung, và chuẩn bị cho điều kiện y tế cách ly y tế bắt buộc khác khi điều trị”- ông Linh nói.
Đối với nhóm 2, theo ông Trần Hải Linh, “đại dịch diễn ra ngày càng phức tạp, vì lúc tiếp xúc cũng không thể biết được ai nhiễm ai không, do vậy ta không nên phân biệt giàu hay nghèo, vì mục tiêu tối đa là hạn chế việc lây nhiễm. Nhóm đối tượng này hiện không quá nhiều, hiện tôi nghĩ Nhà nước có thể chu cấp tất cả để tăng tính đoàn kết, tăng sức mạnh vượt qua dịch Covid-19, tránh phát sinh nguồn lây nhiễm, đảm bảo an toàn chung cho cộng đồng”.
Ông Trần Hải Linh cũng cho rằng, đối với nhóm 3 thì điều quan trọng nhất là đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm và theo dõi, giám sát về sức khoẻ chặt chẽ. Nói chung có thể thiết lập các kênh sao cho phù hợp với tình hình của khu vực, địa phương thì tôi nghĩ người dân vẫn luôn sẵn sàng chia sẻ, nếu làm rõ được phần nào ra phần đó, ngoài phần nằm trong chính sách và khả năng từng địa phương cấp riêng mà người dân ai muốn tốt hơn thì phải trả thêm./.
Từ khóa: thu phí cách ly, cách ly, việt kiều, du học sinh, Covid 19
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN