Đề xuất nhà đầu tư xây nhà cao tầng, chung cư phải đóng phí chống ngập
Cập nhật: 10/07/2020
VOV.VN -Nhiều đại biểu tham dự kỳ họp lần thứ 20 HĐND TP HCM khóa 9 đang diễn ra đã đưa ra đề xuất nhà đầu tư xây nhà cao tầng phải đóng phí chống ngập.
Tình trạng ngập nước do mưa và triều cường là một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm bàn thảo tại kỳ họp lần thứ 20 Hội đồng Nhân dân TP HCM khóa 9 đang diễn ra.
Đại biểu Trần Quang Thắng cho rằng, tình trạng ngập lụt luôn căng thẳng vào mùa mưa và triều cường, đặc biệt là tại các khu vực tập trung nhà cao tầng, chung cư.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm. |
TP HCM đã có dự án 10.000 tỷ đồng nhằm giải quyết tình trạng ngập do mưa và triều cường trên diện tích 570 km vuông, sẽ giải tỏa được sự căng thẳng cho 6,5 triệu dân trong dự án thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn.
Theo kết quả theo dõi tiến trình xây dựng dự án, đến nay các cống như Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Phú Thuận, Cầu Kinh... đều đạt tiến độ 60% trở lên; đoạn đê, bờ kè trên 55%, là những tín hiệu tích cực giảm ngập lụt cho thành phố.
Theo các chuyên gia, TPHCM đất chật người đông nên việc xây chung cư, nhà cao tầng cũng là xu hướng tất yếu, vì nếu phát triển nhiều ra các khu vực đô thị vệ tinh thì đòi hỏi số vốn đầu tư rất lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh quá trình giãn dân. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng cần có quy định cụ thể đối với các chủ đầu tư.
Đại biểu HĐND TP HCM Trần Quang Thắng. |
Theo ông Thắng: "Đề xuất các nhà đầu tư có ý định xây nhà cao tầng phải có nghĩa vụ đóng phí giảm nhẹ tình trạng ngập lụt, vì khi đó đất đai bị dồn nén, như đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập rất nhiều, bơm tăng cường chỉ là tạm thời, giải pháp nâng đường thì tốn phí khoảng 500 tỷ đồng, đó là tiền của của nhân dân. Do đó phải tính phí cho những dự án làm nhà cao tầng dự phòng tình trạng góp phần gây ngập lụt cho TP".
Trả lời ý kiến đại biểu, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, 5 năm qua (2016-2020), “bức tranh” chống ngập trên địa bàn TP chưa rõ ràng. Tuy nhiên, nếu tính từ năm 2008 đến nay, việc xóa, giảm ngập do mưa và triều đạt kết quả tích cực, đã giảm từ 126 điểm ngập còn 15 điểm ngập vào năm 2020 và thời gian ngập do mưa cũng giảm nhiều.
Tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 2), việc bơm hút nước là một giải pháp tích hợp khá hiệu quả trong chống ngập tại đây, cùng với các dự án công trình và phi công trình.
Đường phố TP HCM ngập lụt sau mưa. |
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, tình trạng ngập lụt là hậu quả của sự phát triển không theo đúng quy hoạch. Ví dụ như khu vực Thảo Điền có những con đường rất nhỏ, hạ tầng yếu kém, nằm bên cạnh dòng sông, cứ mưa và triều là ngập nhưng tốc độ xây dựng nhà cửa thì rất nhanh. TP sẽ xem xét, giải quyết từng bước, về nguyên tắc các nhà đầu tư phải dựa vào quy hoạch và làm đúng quy hoạch.
"Những điều kiện quá khó khăn về địa điểm, quy mô nhỏ nhưng vị trí rất quan trọng, mong muốn được đầu tư nhiều nhưng có vẻ quan tâm nhiều hơn đến dự án của mình, còn phần ngoài để lại cho Nhà nước, trong khi ngân sách khó khăn. Thực ra đó là những đô thị nén nằm trong các khu đô thị hiện hữu. Còn những khu đô thị mới phát triển thì chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này, cần những nhà đầu tư lớn" - ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh./.
Từ khóa: xây nhà cao tầng phải đóng phí chống ngập, chung cư, triều cường, ngập lụt, TP HCM
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN