Để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, trở ngại là gì?

Cập nhật: 12/09/2024

VOV.VN - Ngành GD&ĐT đang đặt mục tiêu nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học để nhằm đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn mới.

 

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là hướng đi đúng, tuy nhiên để hiệu quả thì cần có lộ trình, không nóng vội. PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Việt Nga để có thông tin chi tiết.

PV: Thưa bà, việc ngành giáo dục phấn đấu đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường sẽ gặp những khó khăn, trở ngại nào?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Ở Việt Nam chúng ta dường như việc này triển khai rất khó khăn. Mặc dù chúng ta có rất nhiều nỗ lực, đặc biệt với ngành giáo dục và đào tạo. Theo tôi có mấy vấn đề. Thứ nhất, cần phải rà soát để xem lại chương trình đào tạo của chúng ta.

Tôi thấy hiện nay chương trình đào tạo tiếng Anh của chúng ta được cấu tạo ở trong các giáo trình theo xu hướng hàn lâm hơn là hướng tới sử dụng. Học sinh Việt Nam, sinh viên Việt Nam có thể rất thành thạo, đạt điểm rất cao trong các kỳ thi chứng chỉ quốc tế.

Thế nhưng đấy là việc chúng ta đào tạo hàn lâm. Còn việc mà chúng ta chưa hướng, chưa gắn một cách thực sự giữa việc đào tạo với việc sử dụng. Thành ra vào giờ tiếng Anh, vào môi trường hàn lâm đấy thì các em phát huy được. Nhưng mà ra khỏi môi trường đấy thì chúng ta ứng dụng lại rất lúng túng.

Thứ hai nó liên quan đến việc chúng ta tạo ra môi trường để ứng dụng tiếng Anh. Bởi vì ngoại ngữ, nếu như chúng ta đào tạo, chúng ta thành thạo nhưng chúng ta không có môi trường để ứng dụng, không có môi trường để sử dụng thì nó cũng rơi rụng, lại quay trở về xuất phát điểm ban đầu.

Chúng ta cứ miệt mài đào tạo xong chúng ta không dùng, chúng ta không sử dụng và đến lúc cần sử dụng thì chúng ta không có người sử dụng được.

PV: Bà có lo ngại xảy ra tình trạng thiếu công bằng giữa học sinh tại các khu vực khác nhau trong quá trình học tập, rèn luyện khả năng nói tiếng Anh trong trường học không?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Đương nhiên giữa môi trường thành thị và nông thôn có nhiều điểm khác nhau. Thế nhưng không phải cứ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa là chúng ta không có điều kiện để học ngoại ngữ, hay là các em học sinh không thể học ngoại ngữ tốt.

Rất nhiều người từng chứng kiến các em học sinh còn rất nhỏ ở các vùng núi, vùng sâu, nhưng là những cái địa điểm du lịch nổi tiếng, ví dụ như Sa Pa chẳng hạn, các em nói tiếng Anh rất thành thạo, giao tiếp rất tự tin với người nước ngoài bằng tiếng Anh. Làm sao lại có cái ngược đời đấy?

Trong khi các em ở các đô thị lớn thì điểm số tiếng Anh rất cao nhưng để giao tiếp một cách tự tin, thoải mái với người nước ngoài thì có khi các em lại không làm được. Học thêm một ngoại ngữ nữa phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Ngoài ra, nó còn rất nhiều các yếu tố khác như tôi nói, đấy là bối cảnh, điều kiện để sử dụng ngoại ngữ, rèn luyện ngoại ngữ, nâng cao ngoại ngữ.

Hiện nay, chúng ta thấy dù vùng nông thôn hay vùng sâu, vùng xa thì việc phủ sóng internet, kết nối với một thiết bị thông minh rất phổ biến. Các em có thể có nhiều kênh khác nhau để học ngoại ngữ. Giáo viên cũng có rất nhiều những hình thức hỗ trợ để dạy ngoại ngữ tốt cho các em. Cho nên tôi nghĩ rằng chúng ta cũng không nên quá lo lắng điều đó.

PV: Vậy về lâu dài, với câu chuyện sử dụng thêm một ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường, chúng ta cần cân nhắc đến những yếu tố nào?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Muốn đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai thì chúng ta phải tính đến, một là lộ trình, cả quá trình giáo dục và đào tạo, chúng ta không thể nôn nóng được. Thứ hai, để cụ thể hóa lộ trình đấy thì chúng ta phải biết rằng, nó là ngôn ngữ thứ hai, chúng ta sử dụng nó như thế nào để nó thành ngôn ngữ thứ hai, chứ không phải chúng ta cứ coi nó là ngôn ngữ thứ hai là nó là ngôn ngữ thứ hai. Thực ra bây giờ chúng ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, có quan hệ đa phương, tiếng Anh là một thứ ngôn ngữ phổ biến nhưng ngoài tiếng Anh thì còn rất nhiều ngôn ngữ của các quốc gia khác nữa.

Chúng ta không nên chỉ quá chú trọng đến tiếng Anh và coi học ngoại ngữ chỉ là học tiếng Anh. Bởi vì như thế sẽ dẫn đến sự mất cân đối, sẽ trở thành một rào cản nhất định. 

Trong quá trình chúng ta hội nhập quốc tế, tôi vẫn mong muốn đối với bộ môn ngoại ngữ, có được cái sự quan tâm và phát triển đồng đều theo nhu cầu, theo sở thích, theo năng lực và theo các điều kiện thực tế của từng địa phương, từng trường, tránh tình trạng có những lúc chúng ta hơi cực đoan là giai đoạn từ khoảng 2009 cho đến 2013-14.

Giáo dục đại học, sau đại học của chúng ta có quy định tốt nghiệp đầu ra là phải đạt chuẩn tiếng Anh. Trong khi các thí sinh thi đầu vào thì lại chấp nhận là 5 loại ngôn ngữ, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Trung. Nhưng đầu ra thì chỉ yêu cầu có tiếng Anh thôi, dẫn đến sự lãng phí rất lớn.

Bởi vì những người  đang học ngôn ngữ khác lại phải quay sang tiếng Anh. Và rất nhiều người phải kéo dài chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ hoặc thạc sĩ vì chưa có chứng chỉ ngoại ngữ.”

PV: Xin cảm ơn bà.

Từ khóa: tiếng anh, tiếng anh, ngôn ngữ, tiếng anh vào trường học, gdđt

Thể loại: Xã hội

Tác giả: xuân tú/vov giao thông

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan