Đề thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên: Thí sinh tái mặt vì đề Hóa khó
Cập nhật: 25/09/2019
Bắc Kạn: Triệt xóa ổ nhóm đánh bạc qua hình thức lô, đề
Nhận án phạt vì xúc phạm lực lượng chức năng trên mạng xã hội
VOV.VN - Sáng nay (26/6), các thí sinh thi THPT quốc gia 2019 làm bài thi tổ hợp KHTN. Kết thúc 150 phút làm bài, nhiều thí sinh phản ánh đề thi Hóa quá khó.
Ghi nhận của phóng viên tại điểm thi THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội), nhiều thí sinh nhận xét đề thi Hóa năm nay khá khó.
Nguyễn Mạnh Tùng (THPT Lê Quý Đôn, Đống Đa, HN) cho biết, dù tập trung học ôn theo các khối A, A1, song Tùng vẫn cảm thấy đề thi Hóa khá khó, đặc biệt là phần tính toán. “Em nghĩ rằng đề thi này có tính phân loại cao. Các câu hỏi sắp xếp theo thứ tự khó dần, khoảng 20 câu đầu dễ hơn, nhưng càng về cuối, các câu hỏi càng khó. Đặc biệt phần tính toán trong đề thi Hóa năm nay rất khó. Em nghĩ rằng nếu học chăm chỉ, những câu hỏi về lý thuyết sẽ là phao cứu sinh cho cả bài thi”.
Dù học khối A, nhưng Nguyễn Mạnh Tùng vẫn chật vật với đề thi môn Hóa. |
Ước lượng được khoảng từ 7-8 điểm bài thi môn Hóa, dù chưa đúng với những kỳ vọng tự đặt ra, song nam sinh vẫn cảm thấy khá thoải mái vì môn Ngữ văn và Toán không quá khó.
Học chuyên khối D, Ngô Mạnh Hà (THPT Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Em làm được khoảng 50% đề thi. Em thấy những câu hỏi trong đề rất khó. Trừ một số câu hỏi phần đầu thí sinh có thể nhận biết để làm được ngay, thì những câu hỏi sau yêu cầu suy luận và tính toán kỹ lưỡng. Với đề thi này, em nghĩ các thí sinh không học chuyên khối A, A1 sẽ dễ dàng qua điểm liệt để công nhận xét tốt nghiệp, song rất khó để đạt trên 5 điểm”.
Ngô Mạnh Hà cũng cho rằng những thí sinh thi để xét công nhận tốt nghiệp sẽ khó được 5 điểm môn Hóa. |
Tương tự, tại các điểm thi THPT quốc gia ở TP HCM, nhiều thí sinh cũng than thở vì đề Hóa quá khó.
Vương Vĩnh Hoà, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu ở quận 3 cho biết: “Em thấy năm nay đề thi tương đối dễ, thí sinh khó bị điểm liệt hơn. Nhưng môn Hóa vẫn rất khó. Thí sinh có thể đạt được 3-4 điểm, nhưng để đạt điểm khá giỏi thì rất khó. Em thấy môn Lý dễ nhất, đề bám sát kiến thức theo những gì được học trong năm lớp 12”.
Nhiều thí sinh khác cũng cho rằng, đề thi Hóa khó cả phần lý thuyết và bài tập. Đề có 40 câu, nhưng những học sinh nắm kiến thức cơ bản chỉ có thể hoàn thành tốt khoảng 10 câu vì rất nhiều kiến thức nâng cao.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du ở quận 10 tỏ ra vô cùng bất ngờ với cấp độ khó của đề Hóa năm nay:
“Cấp độ khó của đề Hóa năm nay không thua gì năm trước và độ khó rải đều nữa. Nói chung, với đề dạng này, nếu học sinh chỉ lấy môn Hóa để xét tốt nghiệp thì rất khó đạt điểm 5. Còn những em học sinh chuyên môn Hóa cũng phải rất giỏi mới đạt điểm 7”, thầy Phú nói.
Cô Nguyễn Thị Thiên Nga, giáo viên môn Hóa, Trường THPT Nhân Chính (Hà Nội) nhận xét với mã đề 217 của môn Hóa (các mã đề khác tương đương mức độ), đềsát với đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố. Các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó theo 4 mức độ yêu cầu của nhận thức: Nhận biết- thông hiểu – vận dụng – vận dụng nâng cao, điều này rất thuận lợi cho thí sinh khi làm bài thi, các em có thể làm từ trên xuống dưới mà không mất thời gian phải lựa chọn câu.
Kiến thức chủ yếu trong chương trình SKG lớp 12, không có câu nằm ngoài chương trình SGK.
Mức độ “Biết”: gồm các câu từ 41-53, với các câu này thí sinh chỉ cần từ 5-10 giây để lựa chọn chính xác đáp án (ví dụ câu 42 hỏi về công thức của chất, câu 44, 45 hỏi về tính chất rất cơ bản của kim loại).
Mức độ “Hiểu”: gồm các câu từ 54-64, thí sinh chỉ cần vận dụng các kiến thức cơ bản, suy luận đơn giản hoặc qua hai hoặc ba phép tính là giải quyết được yêu cầu, lựa chọn được đáp án.
Ở hai mức độ này, thí sinh đã dễ dàng có được 6 điểm/24 câu, phù hợp với yêu cầu của việc xét tốt nghiệp.
Mức độ “Vận dụng” gồm các câu từ 65-74 (10 câu), thí sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản, đặc biệt là lý thuyết hóa để suy luận, các bước tính toán cũng dựa trên phương diện hiểu bản chất Hóa mới lựa chọn được đáp án đúng.
Ở mức độ “Vận dụng nâng cao” gồm các câu từ 75-80 (6 câu), những thí sinh khá, giỏi sẽ làm tốt các câu này, để giải quyết các câu hỏi này ngoài yếu tố về kiến thức, nhanh nhạy trong tư duy còn có thêm một số yếu tố quan trọng như tâm lý bình tĩnh và một phần không nhỏ nữa là sự may mắn trong định hướng tư duy khi lựa chọn phương pháp giải.
Theo cô Nguyễn Thị Thiên Nga, cấu trúc và mức độ kiến thức trong đề thi chính thức môn Hóa tương đương với đề minh họa, không có câu hỏi đánh đố. Đề có một số câu hỏi có tính thực tiễn cao, ví dụ câu 67 nói về chất béo, tơ tằm, nước ép hoa quả,…
"Câu toán đồ thị được ghép trong bài toán điện phân, khác với đề thi năm 2018 và đề minh họa, câu hỏi điện phân riêng và toán đồ thị thường khai thác bài tập kết tủa cực đại, cực tiểu dạng CO2 với dung dịch kiềm hoặc muối nhôm với dung dịch kiềm,… Năm nay thay cho hai câu hỏi thi này bằng câu điện phân dung dịch hỗn hợp với dữ kiện bài được minh họa trên đồ thị, đây là một dạng câu hỏi mới, khá hay, không khó nhưng khai thác được tư duy sáng tạo của thí sinh.
Để đạt điểm cao, thí sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản đặc biệt là lý thuyết Hóa, rèn luyện kĩ năng vận dụng linh hoạt các phương pháp giải như bảo toàn điện tích, bảo toàn khối lượng, bảo toàn nguyên tố, phương pháp qui đổi,… việc kết hợp các phương pháp đúng cách sẽ giúp học sinh lấy được điểm cao nhất", cô Nga cho biết thêm.
Kết thúc bài thi tổ hợp KHTN, chiều nay, các thí sinh trên cả nước làm bài thi Ngoại ngữ, sáng mai (27/6) làm bài thi KHXH, kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2019./.
Từ khóa: thi thpt quốc gia, thí sinh nhăn mặt vì đề Hóa khó, đề thi Hóa, đáp án bài thi Khoa học tự nhiên, Vật lý,
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN