Đề thi tham khảo phân hóa cao hơn, Đại học sẽ dễ tuyển sinh?
Cập nhật: 01/04/2021
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
[VOV2] - Theo nhận định của nhiều giáo viên, đề thi tham khảo kỳ thi THPT năm 2021 vừa được Bộ GD-ĐT công bố có mức độ phân hóa cao hơn so với đề thi chính thức năm 2020. Điều này sẽ giúp các trường Đại học thuận lợi hơn trong công tác xét tuyển.
Ngày 31/03, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của 7 môn: Toán học, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí. Các môn còn lại sẽ tiếp tục được công bố.
Đối với đề tham khảo môn Toán, thầy giáo Trần Mạnh Tùng, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nhận định, mặc dù đề minh họa có cấu trúc tương tự so với đề thi chính thức năm 2020 nhưng độ phân hóa đã tăng lên khá nhiều.
Cụ thể, đề thi có 50 câu và thời gian làm bài là 90 phút. Chương trình lớp 12 chiếm 9 điểm, bao trùm toàn bộ các nội dung (trừ nội dung đã được giảm tải) và lớp 11 chiếm 1 điểm với 5 nội dung, mỗi nội dung 1 câu: Dãy số, tổ hợp, xác xuất, góc và khoảng cách.
Về mức độ phân hóa, đề thi được chia điểm theo cấu trúc: 6 + 2 + 1 + 1. Tức là 6 điểm ở mức độ dễ (nhận biết, thông hiểu). 2 điểm tiếp theo ở mức độ trung bình (vận dụng). Tuy nhiên, 2 điểm cuối cùng so với đề chính thức năm 2020 thì mức độ phân hóa đã đã rõ rệt. Thể hiện ở mức độ tính toán phức tạp, câu hỏi có chiều sâu và đòi hỏi việc vận dụng khá cao.
“Việc phân hóa đề năm nay cao hơn so với năm ngoái là điều hợp lý vì dịch Covid-19 bớt phức tạp hơn, học sinh có nhiều thời gian học tập, ôn luyện. Bên cạnh đó phần lớn các trường Đại học vẫn sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ xét tuyển nên tôi đồng tình với Bộ GD-ĐT đẩy đề thi khó hơn so với năm ngoái”. – Thầy Trần Mạnh Tùng chia sẻ.
Thầy giáo Trần Mạnh Tùng cũng cho rằng, nếu đề thi chính thức tương tự như đề thi tham khảo thì số điểm cao nhất sẽ rơi vào ngưỡng 6,5 điểm. Học khá có thể đạt từ 7-7,5 điểm và học sinh giỏi có thể lên được 8-8,5 điểm. Và năm nay điểm 9 trở lên sẽ không nhiều như mọi năm.
Phân tích về đề thi tham khảo môn Hóa học, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cũng nhận định, đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có mức độ phân hóa hơn so với đề thi chính thức năm 2020. Cụ thể, từ câu 71 trở đi đã có sự khác biệt rất lớn so với các câu trước đó. Trong khi đó đề thi năm trước phải từ câu 73 trở đi mới thể hiện sự phân hóa này. Với sự phân hóa trong đề thi như vậy sẽ thuận lợi hơn cho các trường đại học làm công tác xét tuyển.
“Năm ngoái, chỉ có khoảng 20% nội dung của đề nằm trong nhóm câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Năm nay thì tăng lên khoảng 25%. Ngay trong nhóm những câu hỏi vận dụng và vận dụng cao thì số câu vận dụng cao cũng nhiều hơn so với năm ngoái. Sự khác biệt này dù không quá lớn nhưng cũng thấy được dụng ý của người ra đề”. – Thầy Vũ Khắc Ngọc phân tích.
Trong bối cảnh còn khoảng 3 tháng nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra, thầy Trần Mạnh Tùng cho rằng thí sinh cần có kế hoạch ôn thi rõ ràng, đối chiếu với đề thi tham khảo để so với bản thân mình xem còn yếu, còn kém ở phần nào từ đó có kế hoạch ôn thi.
Thứ 2, thí sinh phải đề cao việc nắm chắc kiến thức cơ bản. Bởi vì muốn có 8 điểm thì trước tiên phải làm tốt các câu hỏi để đạt 6-7 điểm, tránh tình trạng sa đà vào những câu hỏi khó. Nắm vững kiến thức cơ bản và rèn luyện kỹ năng tính toán cẩn thận thì các em có thể kiếm được từ 7 - 8 điểm.
Với những thí sinh cần điểm cao từ 9 điểm trở lên thì ngoài việc rèn luyện, nắm bắt kiến thức cơ bản thí sinh cần bám sát các dạng, các câu phân hóa mà đề thi tham khảo vừa công bố để tìm hiểu phương pháp và rèn luyện những câu tương tự.
Từ khóa: Đề thi tham khảo, đề thi môn toán, đề thi môn Hóa, Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh Đại học, phân hóa
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2