Đề thi Ngữ văn mà chỉ cần chép văn mẫu sẽ không đạt mục tiêu dạy người

Cập nhật: 28/07/2022

[VOV2] - PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng, việc dạy tác phẩm nào ra đề vào tác phẩm ấy khiến học sinh chỉ cần chép lại văn mẫu. Cách ra đề này vừa không đạt mục đích đánh giá năng lực học sinh vừa không đạt cả mục tiêu dạy người. 

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ra văn bản hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, trong đó yêu cầu trong đánh giá kết quả học tập (cuối kỳ, cuối năm học, cuối cấp học), các nhà trường tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết. Việc này nhằm mục đích đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Bộ cũng khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh; xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm.

Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các giáo viên cần tôn trọng, khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật.

Trong đó, việc đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 môn Ngữ văn, Chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn (bộ Cánh Diều) cho rằng, hiện tượng đoán trúng đề thi môn Ngữ văn trong các Kỳ thi tốt nghiệp THPT là hệ quả tiêu cực của việc dạy-học môn Ngữ văn hiện nay. Việc dạy tác phẩm nào ra đề vào tác phẩm ấy khiến cho việc đoán trúng đề thi Ngữ văn là điều không khó.

“Số tác phẩm trong SGK chỉ có vài bài, học sinh làm phép loại trừ thì xác suất đoán trúng là rất dễ”, ông Thống nói.

Những chỉ đạo mới nhất của Bộ GD-ĐT về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống khẳng định đây cũng chính là tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018: Phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Đối với môn Ngữ văn đó là năng lực đọc hiểu văn bản; Tạo lập văn bản; Cảm nhận, đánh giá tác phẩm...

“Việc dạy tác phẩm nào ra đề tác phẩm ấy khiến học sinh chỉ cần chép lại, nhớ lại lời giáo viên dạy hoặc chép lại văn mẫu trên trên mạng, trong sách tham khảo. Ra đề kiểu này vừa không đạt mục đích đánh giá năng lực học sinh vừa không đạt được mục tiêu dạy người. Thậm chí còn dạy cho học sinh đạo văn, đạo ý tưởng, ảnh hưởng đến phát triển nhân cách”, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ.

Tinh thần mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018 của môn Ngữ văn theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cũng chính là chống lại việc học theo văn mẫu. Người học Văn phải biết suy nghĩ và trình bày suy nghĩ của mình một cách độc lập, không a dua, không theo một mẫu nào cả. Ngay cả việc dạy thêm, học thêm (nếu có) cũng không thể dạy theo văn mẫu, chuẩn bị bài mẫu cho học sinh.

Tuy nhiên, ông Thống cho rằng, tinh thần mới của dạy và học môn Ngữ văn cần phải nhất quán, thống nhất từ cấp tiểu học đến THPT. Cần chấm dứt tình trạng 50 bài văn tả con mèo thì cả 50 con mèo đều giống nhau; Hạn chế và tiến tới chấm chấm dứt cách ra đề theo câu lệnh quen thuộc: “Hãy kể”, “hãy tả”…

“Ra đề thi ngữ văn phải đổi mới ở hai phương diện. Thứ nhất, cách hỏi, cách nêu vấn đề phải khác, không nhàm chán. Thứ hai vận dụng ngữ liệu mới nằm ngoài sách giáo khoa”, ông Thống nói.

Việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn là một bước tiến bộ nhưng ông Thống thừa nhận việc triển khai không phải là điều dễ dàng khi giáo viên đã quen với cách dạy, cách kiểm tra, đánh giá theo phương pháp cũ. Trong khi đó, việc ra đề thi chống lại văn mẫu và phát huy tính sáng tạo của học sinh không phải là điều dễ dàng.

Ví dụ, nếu đề thi trích dẫn ngữ liệu là những bài thơ ngắn thì được nhưng nếu ngữ liệu là truyện ngắn, văn xuôi sẽ trích dẫn, kiểm tra như thế nào khi hầu hết các tác phẩm văn xuôi đều có số lượng trang rất dài.

“Nếu trích lại một đoạn văn xuôi học sinh đã học trong SGK thì cách hỏi phải khác mới đánh giá được năng lực học sinh. Còn câu hỏi lặp lại những gì học sinh đã được học thì văn mẫu lại xuất hiện. Trong trường hợp là một băn bản mới thì trước hết phải là một văn bản mang tính chỉnh thể, trọn vẹn, phải tóm tắt để cho học sinh hiểu. Đây thuộc về phương pháp và kỹ thuật ra đề mà giáo viên cần phải được tập huấn, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia, nhà sư phạm giỏi”, ông Đỗ Ngọc Thống phân tích.

Từ khóa: Đề thi, Ngữ văn, văn mẫu, chương trình Giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Đỗ Ngọc Thống, VOV2

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập