Đề thi Ngữ văn không khó, dự đoán phổ điểm từ 6-7 điểm
Cập nhật: 10/08/2020
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN - Giáo viên nhận định, đề thi tốt nghiệp THPT Ngữ văn không quá khó, nhưng dài, nội dung khơi gợi tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội của mỗi học sinh.
Sáng nay (9/8), các thí sinh tham gia kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2020 vừa hoàn thành bài thi đầu tiên - môn Ngữ văn.
Nhận định về đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2020, cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên môn Ngữ văn hệ thống giáo dục HỌC MÃI cho rằng, nhìn chung, đề thi Ngữ văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp.
"Đề bài không khó nhưng quá dài, đặc biệt là câu nghị luận văn học – câu hỏi chiếm quỹ điểm cao nhất trong bài. Điều đó, có thể sẽ khiến học sinh lúng túng để hoàn thành tốt bài thi", cô Trịnh Thu Tuyết nhận định.
Cũng theo cô Tuyết, đề thi chính thức môn Ngữ văn bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo lần 2 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.
Cụ thể phần đọc hiểu 3 điểmgồm 4 câu hỏi nhỏ. Trong đó, 3 câu đầu dừng ở mức độ nhận biết, cụ thể. Câu 1 yêu cầu nhận biêt về một đặc điểm hình thức của ngữ liệu đọc hiểu. Câu 2 và 3 yêu cầu nhận biết về các chi tiết nội dung trong ngữ liệu đọc hiểu. Chỉ duy nhất câu 4 là ở mức độ vận dụng cao yêu cầu học sinh phải vận dụng những hiểu biết về cuộc sống xã hội cùng những trải nghiệm cá nhân để thể hiện quan điểm độc lập của mình trước một nhận định rút ra từ ngữ liệu đã cho. Với 3 câu hỏi nhận biết, học sinh hoàn toàn có thể đạt được điểm tối đa. Như vậy, phần đọc hiểu sẽ không làm khó và không làm mất thời gian của thí sinh
"Câu nghị luận xã hội vẫn yêu cầu học sinh nghị luận về 1 khía cạnh của vấn đề rút ra từ phần Đọc hiểu đó là “sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày” – “sự cần thiết” được hiểu là ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của ý thức “trân trọng cuộc sống mỗi ngày”. Có thể thấy, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội đảm bảo đúng form, cấu trúc, dung lượng mà học sinh ôn luyện, phù hợp với thời lượng và quỹ điểm; khía cạnh của vấn đề nghị luận cũng hướng tới một trong những điều quan trọng của cuộc sống mỗi cá nhân. Tuy nhiên, đây là một vấn đề ít nhiều còn trừu tượng với những học trò 18 tuổi – chưa đủ trải nghiệm để có thể thấu hiểu ý nghĩa của mỗi giây phút được sống trong cuộc đời, vì thế rất có thể sẽ có những bài làm chung chung, lí thuyết và thiếu sự thiết thực thấm thía nhất với mỗi học trò", cô Tuyết cho biết.
Về phần nghị luận văn học, cô Trịnh Thu Tuyết cho rằng, đề cập đến một thông điệp tư tưởng quan trọng bao trùm không chỉ trong đoạn trích Đất nước mà còn là tư tưởng chi phối toàn bộ giai đoạn văn học 1945-1975.
Đây cũng là nội dung chính mà học sinh không thể bỏ qua khi tiếp cận những giá trị nghệ thuật và nội dung của đoạn thơ. Tuy nhiên, ngữ liệu nghị luận theo yêu cầu của đề bài là 27 câu trong phần 3 của đoạn trích “Đất nước”, đó là một ngữ liệu quá dài, quá bề bộn trong quỹ thời gian cho phép của toàn bộ đề bài là 120 phút.
Còn theo cô Nguyễn Bảo Nhung, giáo viên Ngữ văn trường THPT Lê Quý Đôn – Đống Đa (Hà Nội), đề thi Ngữ văn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 hay, vừa sức, phù hợp với khung kiến thức của Bộ GDĐT, đáp ứng chuẩn kiến thức kĩ năng của bộ môn Ngữ văn. Đặc biệt, đề đã tạo ra tâm lý thoải mái, phấn khởi, tạo sự tự tin cho thí sinh ở những môn thi tiếp theo.
Nhận định cấu trúc đề thi, cô giáo Nguyễn Bảo Nhung cho rằng, đề đã bám sát với chương trình đề minh họa của Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó. Trong đề thi cũng có mức độ phân hóa ở câu nghị luận xã hội và câu nghị luận văn học.
Phổ điểm dự kiến từ 6-7
Cô giáo Hà Thị Thu Thủy, giáo viên Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) cho rằng, đề thi Ngữ Văn theo đúng cấu trúc đề thi minh họa của Bộ giáo dục, vừa cơ bản vừa có độ phân hóa.
Các câu hỏi được sắp xếp theo đúng các cấp độ từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Câu 4 học sinh có thể đưa ra quan điểm cá nhân của mình về vấn đề sống hết mình cho hiện tại để có thêm niềm tin ở tương lai. Đây là một vấn đề rất thiết thực để giúp học sinh biết trân trọng và phát huy hơn những gì các em đang có.
"Phần nghị luận xã hội câu hỏi rất sáng rõ, bám sát phần đọc hiểu. Học sinh phải nêu được sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày bởi lẽ được sinh ra, được sống là điều đáng quý nhất", cô Hà Thị Thu Thủy cho biết.
Phần nghị luận văn học, văn bản Đất Nước rất quen thuộc và nằm trong kiến thức trọng tâm ôn tập. Về dung lượng đoạn trích đề ra hơi dài, đòi hỏi học sinh vận dụng hết các kĩ năng cảm nhận, phân tích, bình luận,…
Giáo viên này cho rằng, cái hay của đề Văn năm nay là nội dung của các phần từ đọc hiểu đến làm văn đều khơi dậy ở các em học sinh ý thức được sâu sắc về trách nhiệm của bản thân với chính mình và với cả xã hội. Đặt trong hoàn cảnh hiện nay, khi cả nước đang phải đối diện khó khăn do dịch bệnh thì đây thực sự là vấn đề có ý nghĩa sâu sắc.
Với đề thi này, phổ điểm của học sinh tầm từ 6-7 điểm./.
Từ khóa: giáo viên nhận định đề Ngữ văn, đề thi Ngữ văn THPT 2020, phổ điểm môn Văn, hướng dẫn làm bài thi môn Văn
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN