Đề tài thương binh liệt sỹ - dòng chảy tiếp nối trong sáng tạo của các nghệ sỹ trẻ
Cập nhật: 11/08/2021
(VOV5) -Tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài thương binh liệt sĩ như một dòng chảy lặng lẽ, kiên trì và bền bỉ trong sáng tác của tác tác giả trẻ hôm nay.
“Anh làm sao tắt ngọn gió ký ức
vẫn thổi không sao nguôi được
những dặm đường đã qua trong chiến tranh…”
(Những ngọn gió kí ức – Thơ Ngô Thế Oanh)
Kí ức chiến tranh chưa bao giờ nguôi trong tâm trí người trong cuộc và cứ mỗi dịp kỉ niệm, kí ức ấy lại trở về, như những ngày tháng 7 này. Tác phẩm văn học nghệ thuật về chiến tranh, hậu chiến, về đề tài thương binh liệt sỹ và người có công với đất nước, dân tộc luôn là một mảng sáng tác tạo được nhiều rung động, sự quan tâm của nhiều thế hệ văn nghệ sỹ. Dòng chảy đó vẫn lặng lẽ, kiên trì và bền bỉ trong sáng tác của tác tác giả trẻ hôm nay.
Đã hai năm trôi qua kể từ khi hoàn thiện bộ phim tài liệu “Chưtankra”, nhưng dường như đạo diễn Vũ Minh Phương chưa thoát khỏi miền không gian đầy cảm xúc ấy. Anh vẫn tiếp tục ghi lại hành trình đi tìm đồng đội của các cựu chiến binh trung đoàn 209 lính mũ sắt Hà Nội.
Hành trình ấy họ đã âm thầm thực hiện nhiều năm nay ở dãy núi Chưtankra - huyện Sa Thầy- tỉnh Kon Tum. Hành trình ấy đã phần nào được tái hiện trong bộ phim tài liệu có thời lượng 30 phút, được chắt lọc từ hơn 40 giờ phim tư liệu mà thiếu tá Vũ Minh Phương cùng đồng nghiệp ở điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện.
Đây cũng là tác phẩm khiến anh vất vả nhất và cũng xúc động nhất, thấy mình được nhận về biết bao điều quý giá từ sự hy sinh của những người đã khuất và nghĩa tình của người đang sống.
Đã bảy lần tham gia vào hành trình tìm kiếm mộ liệt sỹ ở dãy núi Chưtankra, thời gian mỗi chuyến đi kéo dài hàng tuần lễ, Vũ Minh Phương luôn cảm thấy vừa lạ vừa quen. “Quen là bối cảnh ở đấy. Lần nào mình cũng đi một đoạn từ dưới chân núi đến điểm tập kết. Đấy là con đường quen. Từ đấy tỏa đi đến các địa điểm tìm kiếm liệt sỹ. Thường tôi theo các cựu chiến binh tìm kiếm trong phạm vi đôi ba cây số. Cảm giác của mình là đến đây, gần như mình được trở về nhà. Gặp các cựu chiến binh, tôi không dùng được từ nào khác ngoài từ “bố”. Không thể gọi chú, không thể gọi bác, càng không thể gọi ông. Một từ thân thuộc gọi “bố”. Tôi nghĩ là ai cũng chấp nhận cách gọi ấy của tôi”. – Anh nói.
Đạo diễn phim “Chưtankra” - thiếu tá Vũ Minh Phương (mặc quân phục) nhận giải Cánh diều Vàng. |
“Chưtankra” nằm trong số ít phim tài liệu về đề tài thương binh liệt sỹ do các đạo diễn trẻ thực hiện trong thời gian gần đây, được trao giải Cánh diều vàng năm 2019, Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 và giải A, giải thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng (2014-2019).
Bộ phim này cũng là nguồn cảm hứng để nhà thơ trẻ Lữ Mai viết trường ca “Chưtankra mây trắng”, khắc họa tình đồng đội tình mẫu tử thiêng liêng, sự giao cảm tuyệt đẹp giữa người còn sống và người đã khuất. Cộng cảm nối tiếp cộng cảm. Khi phát hành trường ca này, Lữ Mai đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bạn đọc, bạn viết, và toàn bộ nhuận bút được chị gửi tặng các cựu chiến binh trung đoàn mũ sắt lính Hà Nội năm xưa, mong góp một phần kinh phí hỗ trợ các bác trên hành trình tìm đồng đội.
Dù chưa đặt chân đến Chutankra, nhưng nhà thơ Lữ Mai cho rằng: “Tôi đã có quãng thời gian đủ lâu để đắm chìm trong câu chuyện này suốt hơn 10 năm qua. Đó là những người bạn thân nhất của tôi đem những bộ hồ sơ đi tìm liệt sỹ để chia sẻ với tôi, và tôi cũng nhập cuộc với hành trình đó, những nhà làm phim, những đạo diễn, những cựu chiến binh - họ ngồi bên tôi, có khi đến vài giờ đồng hồ, không bao giờ kể về nỗi vất vả gian lao của mình phải tìm bao nhiêu đồng đội, đã tìm được những ai và chưa tìm được ai, sốt rét rừng thế nào, uống thuốc ra sao, phải đi cấp cứu thế nào. Nhưng những quãng lặng lặn rất sâu bên trong. Tôi cảm nhận được cái nỗi lặn sâu đó. Và tôi nghĩ đó là những khoảnh khắc thơ nhất, khi mình diễn đạt được những tâm tư không lời, Đó cũng là nhiệm vụ của thơ ca”.
Nhà thơ Lữ Mai với trường ca Chưtankra mây trắng. |
Có thể nói, trong đời sống văn học nghệ thuật hôm nay, sự tham gia của các nghệ sỹ trẻ đối với mảng đề tài thương binh liệt sỹ nói riêng, đề tài chiến tranh cách mạng và hậu chiến nói chung chưa nhiều và chưa thực bền bỉ. Nhưng qua những tác phẩm thơ, văn xuôi, phim tài liệu hay phim truyện của các tác giả thế hệ 8x, 9x, cho thấy tinh thần công dân, trách nhiệm nghệ sỹ và ý thức hướng về cội nguồn của đất nước của dân tộc.
Một tác phẩm là sáng tạo cá nhân nhưng khi hòa vào đời sống văn học nghệ thuật sẽ nhận về nhiều đánh giá từ các góc nhìn khác nhau. Với các nghệ sỹ trẻ, dường như họ lại chịu nhiều áp lực hơn, bởi trước họ đã có thành tựu được khẳng định qua thời gian.
Tuy nhiên, theo nhà thơ Lữ Mai, điều áp lực nhất với chị chính là thực tiễn, vốn sống, trải nghiệm, và mỗi người sẽ phải tự mình vượt qua theo những cách khác nhau: “Nói về những khó khăn khi viết về đề tài thương binh liệt sỹ, thì khó khăn đầu tiên mà tôi nghĩ đến, đó là sự nhập cuộc. Những người lính của chúng ta đã trải qua rất nhiều gian lao, cận kề giữa sự sống và cái chết. Điều đó chúng tôi dù có cố gắng bao nhiều chăng nữa cũng không thể trải nghiệm được. Sự khắc họa dù trên màn ảnh hay ở trang viết, nếu thiếu đi tính thực tế thì chúng ta sẽ phải nhập cuộc theo những con đường khác, mà những con đường đó do chính người sáng tạo phải tự khai mở cho mình. Và khó khăn thứ hai mà mọi người hay nói, đó là cái bóng của thế hệ cha anh đi trước. Tôi rất trân trọng những đóng góp của các thế hệ văn nghệ sỹ đi trước, tuy nhiên tôi vẫn tin rằng mỗi một thế hệ sẽ có một cách cảm nhận riêng, có cách truyền đạt riêng”.
Sâu trong từng tấc đất, từng lòng sông khe suối, từng nhành cây ngọn cỏ đều thấm đẫm hy sinh của bao thế hệ người Việt Nam. Và bạt ngàn, bạt ngàn ngôi mộ có tên và không tên được quy tập về các nghĩa trang, hay vẫn nằm đâu đó, trong bạt ngàn núi rừng câm lặng. Khi xương thịt họ hòa vào lòng đất mẹ, lại tái sinh thành phù sa lớp lớp. Và suối, và sông, và rừng cây khe đá lại thì thầm, thì thầm kể cho thế hệ sau, giúp họ cảm nhận sâu hơn mối liên hệ gần gũi với cha ông, với đồng bào, tự nhận về mình trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ sợi dây thiêng liêng ấy.
Theo đạo diễn NSND Lê Hồng Chương, dân tộc này muốn tồn tại, muốn trở nên mạnh mẽ thì không thể lãng quên quá khứ, và những nghệ sỹ trẻ sẽ tiếp tục công việc của lớp người đi trước: “Tôi nghĩ đơn giản thôi. Gia đình nào của chúng ta cũng có người hy sinh. Sáng tác những tác phẩm về đề tài này không phải là nhiệm vụ, không phải là bắt buộc. Nhưng người nghệ sỹ bao giờ cũng thế, muốn tác phẩm tốt, đó là sự tự nguyện của mình, đó là đề tài mà mình đau đớn mình trăn trở. Tôi tin rằng với nghệ sỹ bây giờ và cả trong tương lai chúng ta vẫn tiếp tục trăn trở về những đề tài như vậy. Để có hòa bình độc lập, đất nước ta đã phải trả giá quá lớn. Dân tộc này muốn tồn tại thì phải sống, phải sống với sức mạnh của mình, mặc dù chúng ta không lớn, chúng ta không giàu, chúng ta không có nhiều vũ khí, nhưng tinh thần thì bất diệt”. - Đạo diễn NSND Lê Hồng Chương nói.
Đời sống hôm nay có biết bao bộn bề. Những sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài thương binh liệt sỹ và hậu chiến đòi hỏi sự kiên trì, lặng lẽ, cái tài và cái tâm của người sáng tạo. Đó là một dòng chảy ngầm, bền bỉ, giúp ta lắng nghe rõ hơn mạch đập của trái tim thiêng liêng Tổ quốc đang nằm sâu trong từng tế bào dòng máu chúng ta!
Từ khóa:
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5