Để sớm phục hồi chuỗi cung ứng đứt gãy, DN chế tạo tăng cường kết nối

Cập nhật: 12/01/2021

VOV.VN - Việc kết nối các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế tạo sẽ là nền tảng giúp các doanh nghiệp đầu chuỗi tìm kiếm nguồn cung ứng tại Việt Nam.

Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia đã ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam.

Bộ Công Thương cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất giảm sâu hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng năm 2020 khá cao với 78,9% (cùng kỳ năm trước là 74,9%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 30/6 tăng 26,7% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2019 tăng 16,1%).

Áp lực từ lượng hàng tồn kho"phình to"

Có thể thấy, chỉ số sản xuất giảm, chỉ số hàng tồn kho gia tăng đang là áp lực của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Nhất là khi xu hướng phục hồi giai đoạn hậu Covid-19 vẫn chưa rõ ràng, còn nhiều khó khăn từ các thị trường xuất khẩu, cùng với sức mua ở thị trường trong nước chưa thực sự khởi sắc. Chính vì thế, việc kết nối các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế tạo sẽ là nền tảng, giúp các doanh nghiệp đầu chuỗi tìm kiếm nguồn cung ứng tại Việt Nam.

Tỷ lệ tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Từ thực tế khó khăn chung của nhiều ngành kinh tế khi đang giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo đều có chung nhận định, biến cố từ dịch đã khiến các chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp chế tạo trên thế giới bị đứt gãy, và lĩnh vực công nghiệp chế tạo của Việt Nam cũng chịu những tác động không nhỏ.

Ông Võ Trung Chính, Phó Giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) nhận định, không thể thống kê hết được những thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên ông cũng kì vọng, việc kết nối các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế tạo càng sớm sẽ tăng thêm cơ hội hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng đối tác, thêm giải pháp phục hồi kinh doanh sau đại dịch.

“Hiện các nhà máy công nghiệp phụ trợ của THACO đều tiếp tục kết nối để cung cấp cho nhà máy sản xuất, nhưng THACO vẫn có nhu cầu tìm thêm các đối tác, doanh nghiệp cung ứng khác, nên THACO đang đảm nhiệm hai vai trò, vừa là đối tác mua của nhiều doanh nghiệp cũng vừa là bên bán sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp”, ông Chính cho biết.

Theo bà Trương Thị Chí Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều quốc gia, đã và đang gây tác động tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Là quốc gia hội nhập sâu rộng với thế giới, các chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam cũng chịu những tác động không nhỏ.

“VASI sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ để các doanh nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam có mặt tại chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc tổ chức các sự kiện kết nối ngành công nghiệp chế tạo kỳ vọng sẽ mang đến nhiều thỏa thuận liên kết giữa các doanh nghiệp tiềm năng đang tìm nguồn cung ứng tại Việt Nam, cũng như từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam”, bà Bình chỉ rõ.

Cần hơn vai trò của "nhạc trưởng"

Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy kết nối các doanh nghiệp đầu chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo thông tin từ bà Dương Thị Kim Liên, Phó Giám đốc Dự án USAID LinkSME, với Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ mang tính hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp.

Khi đó, dự án sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình phân tích những điểm yếu, trở ngại để tạo điều kiện kết nối giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhau.Có như vậy, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Với năng lực của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước hiện nay chưa đạt yêu cầu của các doanh nghiệp đầu chuỗi. Trong khi với xu hướng chuyển dịch trên toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp sẽ cần thêm nhiều cơ hội tiếp cận để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh lúc này là rất cần thiết”, bà Liên nhìn nhận.

Theo Bộ Công Thương, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giảm áp lực tồn kho của các ngành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các thị trường xuất nhập khẩu và tìm thị trường mới; tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại từ do (FTA).

Việc kết nối các doanh nghiệp sẽ tăng thêm cơ hội hỗ trợ và mở rộng việc tìm kiếm đối tác.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. Đồng thời, Bộ cũng sẽ nghiên cứu và nắm bắt thông tin về các xu thế sản xuất, tiêu dùng, thương mại, dịch chuyển đầu tư mới xuất hiện do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại các nước nhập khẩu cũng như đối thủ cạnh tranh, từ đó đề ra các giải pháp khai thác hiệu quả các thị trường xuất nhập khẩu.

Trong đó, đối với ngành dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ và các ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid- 19, Bộ sẽ đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp và có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu, cùng việc chú trọng thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp./.

Từ khóa: Doanh nghiệp chế tạo

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập