Để phát triển nhanh, doanh nghiệp phải “khai tử” công nghệ lạc hậu
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, quyết “khai tử” những yếu tố lạc hậu, ứng dụng cách thức mới để phát triển nhanh hơn.
Đó là nội dung được đưa ra tại Diễn đàn “Đổi mới và phát triển doanh nghiệp”, do Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức ngày 18/6 tại Hà Nội.
Diễn đàn “Đổi mới và phát triển doanh nghiệp” |
Theo ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp là yếu tố sống còn đối với hiệu quả hoạt động, tạo công ăn việc làm và thịnh vượng trong mỗi nền kinh tế. Mức độ năng động của khu vực doanh nghiệp phụ thuộc vào chất lượng môi trường pháp quy.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm và không ngừng cải thiện môi trường pháp quy. Luật Doanh nghiệp năm 2000 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này. Nhờ đó, các doanh nghiệp đã phát triển nhanh chóng và tạo bước đột phá, số các doanh nghiệp đang hoạt động đã tăng hơn 13,3 lần trong giai đoạn 2000-2015. Năm 2018, tổng số doanh nghiệp đã đạt trên 700.000 doanh nghiệp, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của cả nước.
Bên cạnh những kết quả trong đổi mới và phát triển doanh nghiệp, ông Hùng cũng thừa nhận rằng, phát triển kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Hầu hết doanh nghiệp trong nước có qui mô nhỏ, năng lực sản xuất, cạnh tranh trong môi trường toàn cầu còn hạn chế.
Do đó, hoạt động cải cách chính sách để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước cần được thực hiện mạnh mẽ hơn để trở thành động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế.
Cải cách doanh nghiệp nhà nước cần tập trung vào việc áp dụng thông lệ quốc tế tốt nhất trong quản trị doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy và tăng cường cổ phần hoá và thoái vốn. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung vào đầu tư công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn, chú ý đến khai thác mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điều này cũng sẽ giúp khu vực tư nhân trong nước tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
“Ngoài ra, trong bối cảnh số hóa, doanh nghiệp cần hướng tới sự phát triển bền vững và tự chủ, không để phụ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài hay chỉ một nhân tố duy nhất là công nghệ số. Trước những cơ hội và thách thức do nền kinh tế số mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, quyết “khai tử” những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp, ứng dụng cách thức mới để phát triển nhanh hơn”, ông Hồ Sỹ Hùng cho hay.
Nhận định những thuận lợi và khó khăn đan xen của khu vực doanh nghiệp Việt Nam năm 2019, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, số lượng doanh nghiệp tiếp tục có xu hướng tăng nhẹ. Dự kiến số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt khoảng 140.000 doanh nghiệp.
Về thu hút FDI, sự cạnh tranh trong thu hút FDI đang diễn ra ngày càng gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực, do đó vốn đăng ký khó có khả năng tăng mạnh trong các năm tới. Dự kiến: ước thực hiện vốn đầu tư nước ngoài năm 2019 sẽ đạt khoảng 18 – 19 tỷ USD; Vốn đăng ký năm 2019 dự báo đạt khoảng 30 - 35 tỷ USD tương đương mức thu hút của năm 2018.
Để đổi mới và phát triển doanh nghiệp bền vững, ông Cương kiến nghị, cần thực hiện quyết liệt các Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh nhằm đảm bảo duy trì niềm tin và tăng cường đầu tư kinh doanh.
“Cùng với đó, điều chỉnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng thống nhất, có trọng tâm, mang tầm quốc gia và thể hiện tính liên ngành, liên vùng; Ban hành Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân, trong đó khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên; Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Nguyễn Hoa Cương nhấn mạnh./.
Từ khóa: phát triển doanh nghiệp, công nghệ 4.0, tăng trưởng kinh tế, doanh nghiệp tư nhân, thu hút FDI,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN