Để phân khu đô thị sông Hồng thực sự chất lượng từ bản vẽ đến thực địa

Cập nhật: 18/04/2022

VOV.VN - Việc Hà Nội phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng không chỉ là cơ sở để thành phố chỉnh trang, tái thiết khu vực bờ bãi ven sông còn nhiều bất cập, tồn tại, mà còn giúp sớm hiện thực hoá giấc mơ “thành phố hai bên bờ sông Hồng”.

Điều mà dư luận quan tâm là làm sao từ bản vẽ, đồ án quy hoạch đến thực địa là những công trình chất lượng, thuận thiên và phục vụ tốt nhất đời sống dân sinh.

Là một trong những quận, huyện có nhiều diện tích đất khu vực ngoài bãi sông Hồng (hơn 900 ha, trong đó có khoảng 100 ha đất thuộc làng xóm cũ, các cơ sở sản xuất kinh doanh, cảng kho…) ông Nguyễn Đức Thọ, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường quận Hoàng Mai cho rằng, việc ngành chức năng thành phố phê duyệt được quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là cơ sở quan trọng để địa phương quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống dân sinh.

“Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được duyệt sẽ giúp việc quản lý, sử dụng tài nguyên đất ở khu vực bờ bãi tốt hơn. Đây là cơ sở để xử lý những tồn tại, vi phạm trước đây” - ông Nguyễn Đức Thọ nói.

2.jpg

Theo UBND thành phố Hà Nội, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được lập, thẩm định theo đúng quy trình, quy định và nhận được góp ý của chính quyền, cộng đồng dân cư địa phương, đơn vị liên quan.

Phân khu đô thị sông Hồng có chức năng chính là không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch giải trí biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch.

Ông Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết: “Dọc hai bên bờ sông Hồng có rất nhiều làng xóm chúng tôi phải tuân thủ quy hoạch 257 trong triển khai quy hoạch”.

Để Quy hoạch phân khu đô thị hai bờ sông Hồng là một bản quy hoạch chất lượng từ bản vẽ đến thực địa, một số chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc xây dựng cho rằng, vấn đề cốt lõi là hình thành được bố cục, cảnh quan và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân có thể tiếp cận sông Hồng. Con sông mang đậm những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó nổi bật là văn hóa Thăng Long, biểu tượng nền văn minh lúa nước - vùng đồng bằng Bắc Bộ.

z3317915777211_e13c90b6456c25ba9eb18818b0bb6335.jpg

Cùng với việc hạn chế nhà cao tầng, cần tập trung vào những đồ án phía sau của phân khu là đồ án quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư…để sông Hồng thực sự trở thành một trục cảnh quan thiên nhiên và dòng chảy lịch sử.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nêu ý kiến: “Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là một đồ án quan trọng. Sông Hồng đối với Hà Nội là trục cảnh quan thiên nhiên hết sức đặc biệt”.

Theo quy hoạch được duyệt, phân khu đô thị sông Hồng có quy mô gần 11.000ha, trải dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã của 13 quận, huyện là: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì.

Và trong tương lai, để phân khu đô thị sông Hồng thực sự là điểm nhấn trong kiến trúc đô thị của Hà Nội, rất cần những đồ án, công trình chất lượng từ bản vẽ đến thực địa./.

Từ khóa: đô thị sông Hồng, quy hoạch, thành phố ven sông, sông Hồng, Hà Nội

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập