Để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, các doanh nghiệp phải đổi mới
Cập nhật: 25/09/2019
Phụ nữ khởi nghiệp vì sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững (24/11/2024)
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
VOV.VN - Hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỉ lệ hơn 90%, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ hơn 60%.
Qua 10 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã góp phần phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Cuộc vận động cũng tiếp sức cho các nhà sản xuất, doanh nghiệp sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tới một số nước trên thế giới.
Những kết quả đó đã góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế xã hội, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, đã có xuất siêu trong những năm gần đây, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu.
Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã mang lại những kết quả thiết thực, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỉ lệ hơn 90%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ hơn 60%.
Khẳng định vị thế, tiếp tục nâng tầm thương hiệu Việt. Ảnh minh họa: KT |
Một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm (tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giầy chiếm khoảng 40-50%...)
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Cuộc vận động vẫn còn tồn tại hạn chế. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ… vẫn còn trên thị trường. Đặc biệt, thời gian gần đây, tình trạng hàng giả xuất xứ nhãn mác “Made in Vietnam” diễn biến phức tạp, chưa được kiểm soát chặt, gây sự hoang mang, lo lắng, làm mất niềm tin của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các sản phẩm sản xuất trong nước cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu. Trong khi phần lớn doanh nghiệp nước ta là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với quy mô vốn nhỏ, năng suất lao động còn thấp.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, qua 10 năm triển khai Cuộc vận động, Tập đoàn Dệt may Việt Nam luôn quan tâm và thực hiện có hiệu quả việc mở rộng thị trường nội địa, đưa hàng may mặc Việt Nam với chất lượng tốt và giá cạnh tranh đến trực tiếp người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Trường, trong thời gian tới, hàng hóa Việt Nam phải mang đến những giá trị có lợi thế thực sự để người tiêu dùng chủ động lựa chọn.
“10 năm thực hiện, ngành dệt may rút được 3 bài học lớn. Bài học thứ nhất phải tập trung phát triển nhân lực, trung tâm thiết kế, thứ hai phải chọn được thị trường ngách, thị trường của riêng mình, phù hợp với mình, thứ ba là phải cạnh tranh thực sự quyết liệt về giá thành, tốc độ, phụ vụ với khách hàng.
Các ngành của chúng ta phải đưa ra quyết định căng thẳng hơn, các ngành của chúng ta sẽ đưa hàng Việt Nam để người tiêu dùng lựa chọn một cách thông minh, không có người tiêu dùng nào cứ ưu tiên, nhân nhượng mãi, tới đây, một giai đoạn mới phải phát triển về chất, hàng hóa chúng ta được sự lựa chọn thông minh của người tiêu dung” - ông Lê Tiến Trường nói.
Đồng hành cùng hàng Việt là mục tiêu mà Liên hiệp Hợp tác xã thành phố Hồ Chí Minh Saigon Co.op đã xác định ngay từ khi bắt đầu phát triển hệ thống. Chính vì vậy, đơn vị đã xây dựng một chiến lược phát triển tổng thể, trong đó tập trung vào những giải pháp nổi bật và khác biệt của hệ thống nhằm quảng bá cho hàng Việt trong suốt 10 năm qua. Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối của Saigon Co.op đã đạt hơn 90%.
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực Liên hiệp Hợp tác xã thành phố Hồ Chí Minh Saigon Co.op cho hay, qua 10 năm thực hiện Cuộc vận động, hàng Việt cũng đã tạo nên một vị thế mới trong con mắt người tiêu dùng Việt Nam cũng như thị trường quốc tế. Chính vì vậy, nên có cách làm mới để đáp ứng được nhu cầu trong giai đoạn tới.
“Cuộc vận động phải thực hiện xuyên suốt qua nhiều hoạt động khác nhau, đồng bộ từ nguyên liệu đến tiêu thụ cuối cùng để tạo ra giá trị tăng thêm cho sản phẩm Việt, tạo sự gắn bó, đoàn kết của các cấu thành kinh tế Việt Nam. Người tiêu dùng Việt Nam và quốc tế sẽ sử dụng hàng Việt sẽ xuất phát từ nhu cầu thực thụ, hàng Việt gắn liền với chữ tốt, chất lượng cao. Cuộc vận động chú trọng hơn nữa việc thúc đẩy hình ảnh, quy chuẩn, quy hoạch trong việc phát triển hàng hóa và dịch vụ mang thương hiệu Việt” - ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ.
Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được tổ chức cuối tuần qua, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, Cuộc vận động đã góp phần phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông Trần Quốc Vượng cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thời gian tới Cuộc vận động cần được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sáng tạo, thiết thực hơn nữa.
“Để người tiêu dùng trong nước tin và yêu thích dùng hàng Việt, các doanh nghiệp, người sản xuất cần không ngừng đổi mới, triệt để ứng dụng khoa học - công nghệ; khơi dậy bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu hàng Việt, phấn đấu hàng hóa Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, an toàn, chất lượng cao, giá thành hạ, tính cạnh tranh lớn, chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường trong nước, thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế…
Tiếp tục nghiên cứu và xây dựng hoàn thiện các cơ chế chính sách, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, tập trung kết nối cung cầu, đẩy mạnh liên kết nhà sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản xuất và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quan tâm khuyến khích thị trường trong nước, phát triển lành mạnh, tăng cơ hội để người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt Nam” - ông Trần Quốc Vượng yêu cầu./.
Từ khóa: hàng Việt, thương hiệu Việt, hệ thống siêu thị, doanh nghiệp Việt, cửa hàng tiện lợi,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN