Đề nghị đưa vụ 39 người tử vong vào chương trình nghị sự đặc biệt
Cập nhật: 05/11/2019
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai
Tổng kiểm kê tài sản công để khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước
VOV.VN - Ý kiến đại biểu đề nghị Quốc hội kỳ này đưa vào chương trình nghị sự đặc biệt tìm ra kẻ cầm đầu đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép.
Phát biểu thảo luận về phòng chống tội phạm tại Quốc hội sáng 5/11, đại biểu Ngô Sách Thực (đoàn Bắc Giang) đánh giá cơ quan chức năng Việt Nam đã vào cuộc khá kịp thời, khởi tố vụ án, thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân liên quan vụ 39 người thiệt mạng trong container ở Anh.
Rà soát lại công tác quản lý về xuất khẩu lao động
Đại biểu Ngô Sách Thực. |
Song theo ông, qua vụ việc cũng đặt ra yêu cầu các ngành, các cấp tự rà soát lại công tác quản lý ở hoạt động xuất khẩu lao động, về cư trú, di cư, xuất nhập cảnh.
“Tại sao lấy lý do ra nước ngoài để du lịch, thăm thân, một người dân vùng nông thôn,nhà không giàu lại có thể đi du lịch nước ngoài được? Tại sao trong một thời gian có nhiều đi cùng, có dấu hiệu của việc đi lao động không đúng pháp luật nhưng không rõ cơ quan nào tác động để có biện pháp phòng ngừa” – ông Thực nói và nhấn mạnh cơ quan chức năng cần đánh giá sâu, làm rõ các giải pháp để có hiệu quả hơn trong việc đấu tranh, phòng ngừa với các hành vi môi giới, dụ dỗ, lừa gạt người ra nước ngoài trái pháp luật.
Đại biểu đoàn Bắc Giang cho rằng, cơ quan chức năng cần kịp thời đưa ra các thông tin trong nhân dân,các hình thức, thủ đoạn để cảnh giác, đưa ra các căn cứ để phản bác trước những thông tin có dụng ý xấu để tránh bị lợi dụng.
Đề cập đến vấn đề đăng ký tạm trú, tạm vắng thời quan qua còn lơ là, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương) cho rằng, nhiều gia đình có con cái đi khỏi nhà nhưng không thông báo, chính quyền địa phương không biết, để xảy ra thảm kịch đau lòng trên thì cán bộ, nhân dân ai cũng giật mình, xót thương.
“Đề nghị Quốc hội kỳ này đưa vào chương trình nghị sự đặc biệt tìm ra kẻ cầm bẫy khiến người dân mắc bẫy, đem sinh mệnh giao cho ma quỷ. Nhất định phải tìm ra giải pháp hữu hiệu để nâng cao cảnh giác của người dân và kiên quyết đấu tranh chống tội phạm buôn bán người, dụ dỗ người đi nước ngoài phi pháp” – ông Kim nói.
Cò” xuất khẩu lao động hoạt động ở mọi nơi
Trong hơn 1 ngày thảo luận về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, tại hội trường Quốc hội ghi nhận nhiều ý kiến đại biểu xung quanh thảm kịch 39 người thiệt mạng trong container ở Anh.
Chiều 4/11, trước khi bàn đến vụ việc này, Đại biểu Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp (đoàn Lâm Đồng) gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển – đoàn Lâm Đồng. |
Theo ông, thời gian qua, hoạt động quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động vẫn còn nhiều bất cập, như thông tin xuất khẩu lao động rất nhiễu loạn nhưng người dân lại thiếu thông tin chính xác, kịp thời từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Hơn nữa, chi phí xuất khẩu lao động quá cao và không minh bạch. Việc đào tạo lao động, cấp phép, cấp đổi giấy phép hoạt động kinh doanh xuất khẩu lao động còn nhiều bất cập, trong khi nhu cầu xuất khẩu lao động ở nhiều địa phương là quá lớn.
“Từ thực tế đó dẫn đến hệ lụy xã hội tiêu cực, gây nhức nhối ở nhiều địa phương. Từ đó xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân lừa đảo thừa cơ, “đục nước béo cò” trong xuất khẩu lao động. “Cò” xuất khẩu lao động hoạt động ở mọi nơi, các tội phạm đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép có nhiều đất để hoạt động” – ông Hiển nêu rõ.
Ông đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động, chính quyền địa phương cần rà soát kỹ và có giải pháp đồng bộ để khắc phục bất cập trên, nhất là công tác cấp phép, cấp lại phép, đào tạo, cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân.
Lực lượng điều tra hải quan cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan nước ngoài trong việc phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.
“Công tác tuyên truyền cũng cần đặc biệt chú ý để người dân hiểu rõ các hành vi đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp là một trong các tội phạm hình sự đặc biệt nghiêm trọng. Đừng để người dân coi các hành vi phạm trên như một thông lệ bình thường trong xã hội để rồi tiếp tay tham gia và trở thành nạn nhân của loại tội phạm này” – đại biểu đoàn Lâm Đồng đề nghị.
Nêu lại các vụ án mang tính chất phức tạp như ma túy, liên quan đến việc đưa người ra lao động bất hợp pháp ở nước ngoài, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) đặt câu hỏi: “Có phải Việt Nam đang là địa bàn của các loại tội phạm xuyên quốc gia hoạt động?
Đại biểu Lý Tiết Hạnh - đoàn Bình Định. |
Bà đề nghị Chính phủ quan tâm và có sự kiểm soát, quản lý chặt chẽ hơn về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam. Đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên lĩnh vực phòng chống tội phạm để đảm bảo Việt Nam có môi trường hội nhập lành mạnh nhất.
“Từ vụ việc 39 người thiệt mạng ở Anh, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát tình hình, báo cáo rõ hơn, toàn diện hơn về thực trạng này. Tôi cũng thống nhất kiến nghị là cần điều tra làm rõ, xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội danh đối với các hành vi phạm tội có liên quan đến vụ việc” – bà Hạnh cho biết./.
Vụ 39 người thiệt mạng ở Anh: Công an Nghệ An bắt thêm 1 nghi phạm
Từ khóa: vụ 39 người tử vong trong container, vụ 39 người chết, xuất khẩu lao động, Kỳ họp thứ 8
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN